Thuế quan của Mỹ gây sức ép lên giá trị tiền tệ của nhiều đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, do biến động chuỗi cung ứng và dòng thương mại toàn cầu.
Thị trường tiền tệ toàn cầu đang đứng trước biến động mạnh khi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái xuất hiện, kéo theo nguy cơ áp thuế quan trên diện rộng.
Theo các lý thuyết kinh tế, cơ chế cơ bản mà thuế quan ảnh hưởng đến tỷ giá nằm ở tác động đến nhu cầu.
Khi một quốc gia áp thuế lên hàng nhập khẩu, các mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng nội địa. Giá tăng thường kéo theo nhu cầu giảm, làm giảm nhu cầu với đồng tiền của quốc gia xuất khẩu, khiến đồng tiền này mất giá so với đồng tiền của nước nhập khẩu.
Ngược lại, nếu các quốc gia khác trả đũa thuế quan, thì nhu cầu đối với đồng tiền của nước áp thuế ban đầu cũng có thể giảm.
Thêm vào đó, thuế quan có thể làm tăng lạm phát trong nước khi hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Áp lực lạm phát này có thể dẫn đến kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn thường khiến tiền gửi nội địa hấp dẫn hơn, có thể làm đồng nội tệ mạnh lên.
Tuy nhiên, hiệu ứng này có thể bị triệt tiêu nếu thuế quan gây ra lạm phát kéo dài, làm xói mòn chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh do chi phí đầu vào tăng cao. Khi đó, nền kinh tế trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu với đồng tiền giảm.
Trong nhiệm kỳ trước, mỗi lần ông Trump công bố và triển khai các chính sách thuế quan đều gây phản ứng trên thị trường ngoại hối.
Tương tự, gần đây những dự báo rằng chính sách thuế sẽ làm tăng lạm phát đã góp phần đẩy Chỉ số Bloomberg Dollar Spot lên mức cao nhất trong hơn hai năm. Điều này phản ánh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn sau đó khiến thị trường chuyển trọng tâm sang triển vọng tăng trưởng, làm cho hướng đi của đồng USD trở nên phức tạp hơn.
Tác động tức thì của các lời đe dọa thuế quan từ Trump thể hiện rõ ở các đồng tiền của những đối tác thương mại lớn. Canada và Mexico – những mục tiêu đầu tiên – chứng kiến đồng tiền của họ mất giá mạnh so với USD khi thuế quan được công bố. Đồng đô la Canada rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, ở mức 1,45 CAD/USD, trong khi đồng peso Mexico giảm xuống gần 21 peso/USD – thấp nhất kể từ năm 2022. Dù sau đó có những cuộc đàm phán và trì hoãn thi hành, nhiều chuyên gia vẫn dự báo các đồng tiền này sẽ tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm chú ý. Trước lo ngại rằng Bắc Kinh có thể phá giá đồng tiền để giảm tác động từ thuế quan của Trump và hỗ trợ xuất khẩu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tăng cường các biện pháp ổn định đồng Nhân dân tệ: giữ ổn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày, tăng phát hành trái phiếu ở nước ngoài và trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, nhằm giữ vững giá trị đồng tiền này trên thị trường quốc tế sau khi nó chạm mức thấp kỷ lục.
Điều thú vị là, dù các hành động và tuyên bố về thuế quan rất mạnh mẽ, mức độ biến động tổng thể của thị trường ngoại hối – trừ một số cặp tiền cụ thể – vẫn tương đối ổn định kể từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Điều này cho thấy thị trường phần nào đã phản ứng trước với khả năng thay đổi chính sách thương mại hoặc các yếu tố khác nhau đã triệt tiêu lẫn nhau, hạn chế sự hỗn loạn lan rộng.
Biến động tiền tệ luôn là tin xấu đối với các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế. Tỷ giá biến động làm tăng chi phí kinh doanh do họ phải chi thêm cho các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá – điều này khiến giao dịch xuyên biên giới trở nên phức tạp và tốn kém hơn.
Mặt khác, biến động tỷ giá lại tạo cơ hội cho một số tổ chức tài chính, đặc biệt là các nước phát triển. Các ngân hàng đầu tư và công ty môi giới đa quốc gia có thể thu lợi từ các biến động tỷ giá, nhờ khả năng tận dụng chênh lệch giá. Tương tự, các quỹ đầu cơ (mô hình chưa được phép tại Việt Nam) có thể tăng cường đầu tư dựa trên việc "đặt cược" về những thay đổi lớn trên thị trường tiền tệ do tác động của chính sách thuế quan.
Với những quốc gia như Việt Nam, các chuyên gia vẫn cho rằng thuế quan Mỹ 2.0 đem lại những cơ hội bên cạnh rủi ro. Thuế quan lên hàng Trung Quốc có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu Mỹ tìm nguồn thay thế, tạo cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam ở một số lĩnh vực. Sức ép lên Trung Quốc có thể tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp di dời hoặc điều chỉnh chuỗi cung ứng để tránh thuế quan, kéo theo việc dịch chuyển sản xuất một phần sang Việt Nam.
Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh lên, có thể gây áp lực giảm giá lên VND.
Đồng thời, thuế quan của ông Trump có thể góp phần làm chậm lại thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Với một quốc gia lệ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ngay cả khi Mỹ không áp thuế trực tiếp lên hàng Việt.