Kinh tế thế giới

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang trong "tầm ngắm" thuế quan của Mỹ

Cẩm Anh 29/03/2025 02:20

Theo nhiều chuyên gia, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á có thể đang trong tầm ngắm thuế quan của chính quyền Trump.

lieu-bytedance-se-chap-nhan-de-xuat-cua-ong-trump-anh-bbc.jpg
Maybank cho biết các kế hoạch mới nhất của ông Trump có thể gây ra sự suy giảm tăng trưởng đáng kể đối với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. ẢNH: Bloomberg

Maybank cho biết trong một báo cáo mới được công bố gần đây rằng, nhiều quốc gia ASEAN có thể sớm bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ hệ quả của kế hoạch áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Maybank cho biết thêm, trong khi Việt Nam thường được coi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các chính sách thương mại của Hoa Kỳ do có thặng dư thương mại lớn với nước này, thì các kế hoạch mới nhất của Tổng thống Trump có khả năng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Thuế đối ứng của ông Trump, được tùy chỉnh theo từng đối tác thương mại của Mỹ sẽ dựa trên 5 thành phần: thuế giá trị gia tăng (VAT), rào cản phi thuế quan, thuế quan áp dụng cho các sản phẩm của Mỹ, tỷ giá hối đoái và bất kỳ hành vi không công bằng nào khác.

Maybank lưu ý rằng dòng vốn FDI vào ASEAN có thể chậm lại đáng kể nếu khoảng cách thuế quan giữa khu vực này và Trung Quốc trở nên hẹp hơn. Bên cạnh đó, mối đe dọa về thuế quan cũng có thể khiến các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư mới vào ASEAN.

Các chuyên gia của Maybank lưu ý rằng thuế đối ứng dựa trên năm lĩnh vực khác nhau có thể khiến Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia vào tầm ngắm.

Rào cản phi thuế quan phổ biến nhất ở Philippines, Campuchia và Indonesia. Những rào cản này bao gồm quy định kỹ thuật, quy tắc hải quan và phí cấp phép, chẳng hạn như nỗ lực của Indonesia trong việc cấm bán iPhone 16 tại nước này vào tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, các mức thuế bổ sung có thể đe dọa các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của khu vực. Những tuyên bố gần đây của Trump cũng nhấn mạnh ý định áp thuế nhập khẩu theo từng ngành, bao gồm bán dẫn, dược phẩm, ô tô và điện tử.

Báo cáo cho biết, mức thuế 25% đối với chất bán dẫn, cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với chip AI tiên tiến, có thể làm suy yếu ngành điện tử ASEAN, trong đó Malaysia và Singapore chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Malaysia là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn nhất sang Mỹ, với tổng giá trị hơn 10 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 12% tổng xuất khẩu chất bán dẫn và 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, Singapore, một trung tâm chế tạo chip lớn, xuất khẩu phần lớn chất bán dẫn trong khu vực châu Á, nhưng nhiều lô hàng vẫn được gửi sang Mỹ để gia công. Báo cáo lưu ý rằng sự suy giảm nhu cầu chip nói chung cũng có thể ảnh hưởng đến phân khúc thiết bị bán dẫn quan trọng của Singapore.

Thuế 25% đối với dược phẩm cũng sẽ có tác động nhất định đến Singapore, quốc gia sản xuất dược phẩm lớn duy nhất trong ASEAN, với 7,4% sản lượng dược phẩm xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2023, theo báo cáo của Maybank.

bieudo.jpg
Thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa Mỹ tại Trung Quốc và các nước ASEAN. Biểu đồ: Bloomberg/Maybank

Sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 20% đối với hàng hóa Trung Quốc trong năm nay, tỷ lệ thuế quan thực tế mà Mỹ áp lên Trung Quốc đã đạt 31,7%. Mức này cao hơn đáng kể so với thuế suất mà Mỹ áp lên các quốc gia ASEAN, như 8% (Campuchia), 0% (Singapore).

Việc Mỹ chuyển hướng nhu cầu khỏi Trung Quốc sang các địa điểm thay thế ở ASEAN có thể tiếp tục mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu khu vực. Tuy nhiên, Maybank cũng cảnh báo rằng lợi thế này có thể chỉ là tạm thời, nếu các mức thuế đối ứng của Trump khiến khoảng cách thuế quan giữa ASEAN và Trung Quốc thu hẹp lại.

Mặt khác, các mức thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ có thể làm tăng nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm ASEAN, đặc biệt là thực phẩm và nông sản.

Maybank lưu ý rằng, đợt áp thuế trả đũa mới nhất của Trung Quốc vào tháng 3 đã nhắm vào các mặt hàng như gà, ngô, thịt lợn, thịt bò và hải sản, với thuế suất từ 10% đến 15%.

Nhóm chuyên gia Maybank cho biết, một sự chuyển hướng tương tự trong nhu cầu của Trung Quốc, như đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, có thể lặp lại. Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2016 đến 2019, trong khi xuất khẩu thịt gia cầm của Thái Lan sang Trung Quốc cũng tăng gấp đôi mỗi năm từ 2018 đến 2020.

"Cuộc chiến thương mại có thể đã giúp các nhà xuất khẩu ASEAN giành được thị phần lâu dài trên thị trường Trung Quốc," May Bank nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang trong "tầm ngắm" thuế quan của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO