Đạm Ninh Bình "rối như tơ vò" vì điệp khúc lỗ và nợ
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các vấn đề về xử lý tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu chưa xử lý được nên dự án nhà máy đạm Ninh Bình không thể quyết toán.
Với tư cách tổng thầu EPC nhà máy đạm Ninh Bình, Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã không phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.
Nhà thầu Trung Quốc cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B.
Tổng thầu không chịu nộp phạt
Bộ Công Thương cho rằng, cần tập trung xử lý dứt điểm vấn đề tranh chấp hợp đồng EPC để có thể quyết toán hợp đồng và quyết toán toàn bộ dự án. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba - cơ quan trọng tài để phân xử, xác định trách nhiệm.
Về phía Vinachem cũng đã đề xuất giải pháp thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, xác định giá trị đề nghị quyết toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung nhà thầu không hợp tác để quyết toán dự án. Nhưng các bộ, ngành lại cho rằng thiếu cơ sở pháp lý để quyết toán khiến dự án bị mắc kẹt.
Có thể bạn quan tâm
[12 dự án thua lỗ] Bài 4: Đạm Ninh Bình có thể khởi kiện
07:30, 07/04/2019
“Giải cứu” Đạm Ninh Bình là nhiệm vụ bất khả thi?
06:00, 16/01/2019
Sao không sớm cổ phần hóa Đạm Ninh Bình?
07:00, 11/12/2018
Số phận Đạm Ninh Bình lại “ngàn cân treo sợi tóc”?
06:00, 10/12/2018
Nhà máy đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 667 triệu USD, hợp đồng EPC dự án được ký giữa Vinachem và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu vào ngày 15/11/2007, thời gian thực hiện dự án hợp đồng 42 tháng. Do nhà thầu thi công chậm tiến độ nên đến tháng 9/2012, Vinachem mới tạm tiếp nhận nguyên trạng và quản lý, vận hành nhà máy đạm Ninh Bình.
Điều đáng nói trong quá trình sản xuất, nhà máy vận hành không ổn định, liên tục xảy ra sự cố kỹ thuật phải dừng để sửa chữa, bảo dưỡng. Trong suốt thời gian vận hành, nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, có lúc phải dừng vận hành nhà máy. Về con số thua lỗ, năm 2017 nhà máy đạm Ninh Bình lỗ 933 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 923 tỷ đồng, và quý I/2019 lỗ 135,8 tỷ đồng.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong mới đây, một cán bộ ngành công thương cho biết, nếu tính hai năm liên tiếp vừa qua, mức lỗ tăng thêm của Đạm Ninh Bình lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Những món nợ trả lãi ngân hàng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt càng khiến công ty khó vượt qua khủng hoảng nếu không được tiếp sức bằng các giải pháp miễn giảm lãi suất và khoanh 100% số nợ vay ngân hàng.
Theo báo cáo của lãnh đạo Vinachem, tỷ giá VND/USD tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao ảnh hưởng rất lớn đến tập đoàn. Với những doanh nghiệp thuộc Vinachem có vốn vay đầu tư, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đây là cú bồi rất lớn khiến doanh nghiệp gần như mất hết lợi nhuận và phải căng mình ra trả nợ.
Cũng không chấp nhận trừ ngang
Nếu Vinachem có DAP số 1 hồi phục ổn định thì 2 nhà máy đạm là Hà Bắc và Ninh Bình vẫn vô vàn khó khăn mà nặng gánh nhất là chi phí lãi vay. Căng nhất là Đạm Ninh Bình, do một thời gian dài không hoạt động nên giờ hoạt động lại nhưng gánh nặng lãi vay đầu tư quá lớn. “Tập đoàn đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng chỉ để trả lãi vay, còn vốn lưu động cho sản xuất đang phải đi xin các đại lý bán hàng ứng cho”, ông Cường than vãn và cho rằng nếu không sớm bán Nhà máy đạm Ninh Bình để lấy tiền trả nợ thì “nguy cơ không chỉ Đạm Ninh Bình sập mà còn kéo sập cả tập đoàn”.
Thế nhưng, oái oăm ở chỗ là dự án này chưa thể quyết toán do còn chưa giải quyết xong các vướng mắc với tổng thầu EPC đến từ Trung Quốc.Vì trong hợp đồng EPC có những gói thầu tăng giá, nhưng cũng có những gói thầu giảm giá. “Có điều, tổng thầu không chấp nhận bù trừ ngang mà vẫn yêu cầu phải thanh toán phần đội lên của các gói thầu tăng giá”, ông Cường nói.
Đánh giá về sự kém hiệu quả của Đạm Ninh Bình, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, cũng như nhiều dự án của các DNNN khác, Đạm Ninh Bình bao giờ cũng chứng minh thua lỗ không phải lỗi tại họ. Họ vẽ ra viễn cảnh Nhà nước chỉ cứu một lần nữa thôi rồi nhà máy sẽ thoát khỏi khó khăn. Thế nhưng dự án này đã sai ngay từ đầu.
Theo ông Thắng, cái sai thứ nhất là dự án đã chọn sai địa điểm. Không có lý do gì để đặt một nhà máy đạm ở Ninh Bình bởi nó làm cho chi phí vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm cao lên. Thứ hai, công nghệ Đạm Ninh Bình áp dụng là không phù hợp, không có sức cạnh tranh. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, Đạm Ninh Bình sử dụng công nghệ quá cũ (khí hóa than), công nghệ Trung Quốc lạc hậu khiến giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trong nước, đặc biệt là phân bón Trung Quốc. Thứ ba, sai ở cách tổ chức, điều hành, quản lý, không đặt vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu trước sự tồn vong của nhà máy. "Dự án đã sai ngay từ nền tảng thì làm sao giải cứu được nữa?", ông Thắng đặt câu hỏi.