Khó khăn “chờ” Dệt may Thành Công
Trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc giảm do chiến tranh thương mại, dệt may Việt Nam nói chung và Dệt may Thành Công nói riêng sẽ ít nhiều gặp khó khăn.
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu Tư - Thương mại Thành Công (TCM - sàn HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với những con số sụt giảm.
Những con số sụt giảm
Cụ thể, doanh thu đạt 791,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 52,1 tỷ đồng, lần lượt giảm nhẹ 1,08% và 23,06% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do tỷ lệ chi phí giá vốn trên doanh thu thuần quý 2/2019 tăng lên 83,7% cao hơn 1,8% so với cùng kỳ; Đồng thời trong quý 2/2018 công ty con CTCP Thành Quang có chuyển nhượng tài sản với lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng và tại ngày 19/3/2019 CTCP Thành Quang đã hoàn tất thủ tục giải thể công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCM đạt 1.769,6 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 95,1 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 44,77% và 39,31% so với kế hoạch năm 2019.
Theo ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty, doanh thu tháng 7/2019 của TCM ước đạt khoảng 16,8 triệu USD, cao hơn nhiều so với bình quân trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời, ông Tùng cũng chia sẻ, TCM đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm 2019. Dự báo 6 tháng cuối năm 2019, tình hình đơn hàng tốt hơn so với 6 tháng đầu năm.
TCM sẽ tập trung tìm kiếm đơn hàng ở Canada, Úc trong khối các nước tham CPTPP và các nước trong khối EU sau khi hiệp định EVFTA được thông qua.
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu ở thị trường EU của TCM tính đến 6 tháng đầu năm 2019 tăng 60% so với cùng kỳ 2018, tuy nhiên vẫn còn rất nhỏ so với 3 thị trường còn lại là Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Vì vậy, TCM hy vọng sẽ còn dư địa để tăng thêm doanh thu ở thị trường EU trong thời gian tới sau khi hiệp định EVFTA có hiêu lực.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi có chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu TCM đã hồi phục trong phiên giao dịch sáng nay với mức tăng 1,2%, lên 25.300 đồng với gần 200.000 đơn vị được khớp.
Điểm sáng cho TCM
Trong báo cáo phân tích mới đây về tác động của thương chiến Mỹ - Trung tới ngành dệt may Việt Nam nói chung và CTCP Dệt may Thành Công (TCM) nói riêng, CTCK VNDirect cho rằng, mảng sợi của TCM sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc giảm do chiến tranh thương mại.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ vải và hàng may mặc của TCM lần lượt tăng 10,3% và 15% so với cùng kỳ 2018, đã bù đắp cho sự sụt giảm 21% của mảng sợi.
Theo đó, VNDirect tăng dự phóng doanh thu 2019 lên 3.879 tỷ đồng, tương ứng tăng 4%, đồng thời giảm 12,5% dự phóng lợi nhuận ròng 2019 vì các lý do: Biên lợi nhuận gộp chung giảm từ 19% xuống 17,2% do mảng sợi sụt giảm và chi phí nhân công gia tăng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 7,1% vì TCM sẽ triển khai chiến dịch xúc tiến thương mại tại thị trường châu Âu trong quý III/2019.
Ngoài ra, dự án TCM Tower vẫn đang chờ sự phê duyệt cuối cùng nên hiện chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ban lãnh đạo của TCM kỳ vọng sẽ hoàn thiện các thủ tục và triển khai dự án vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Có thể bạn quan tâm
EVFTA tạo lực hút đầu tư cho ngành dệt may
00:00, 07/08/2019
Ngành dệt may “lo lắng” trước cơ hội từ EVFTA
13:21, 06/08/2019
Ngành dệt may trước áp lực môi trường và "mở cửa" vào thị trường Châu Âu
11:15, 04/08/2019
Doanh nghiệp dệt may Việt có làm chủ cuộc chơi trong EVFTA?
07:00, 04/08/2019
Doanh nghiệp dệt may chật vật tìm đơn hàng mới
01:50, 03/08/2019
Cũng theo báo cáo phân tích của VNDirect, phương thức thanh toán của công ty đối với Sears vẫn là điện báo (T/T).
Tuy nhiên, Dệt May Thành Công đang đàm phán lại về việc rút ngắn thời gian chậm trả để giảm thiểu rủi ro. Khoản phải thu 22 tỉ đồng còn lại sẽ được trích lập dự phòng trong nửa cuối năm 2019.
Đối với Nhà máy nhuộm Vĩnh Long, dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2020 với vốn đầu tư 15 triệu USD. Nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2022.
Dệt may Thành Công lên kế hoạch huy động vốn cho dự án này thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược.
Bên cạnh các hoạt động của Dệt may Thành Công, VNDirect cho biết khối lượng sợi nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 29,7% trong 5 tháng đầu năm do các nhà sản xuất sợi bông Trung Quốc quay lại thị trường nội địa trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu cao.
Tình trạng dư cung tại thị trường Trung Quốc khiến giá sợi giảm 8,5% so với đầu năm. Mảng sợi xuất khẩu của Dệt may Thành Công không chỉ chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá và lượng bán hàng tại thị trường Trung Quốc mà còn bởi sự mất giá của đồng NDT.
VNDirect cho rằng giá bán vẫn trong xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày một căng thẳng. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường châu Âu cho thấy dấu hiệu tích cực khi ghi nhận mức tăng trưởng 60%, chiếm 5% tổng doanh thu. Các thị trường khác cũng tăng nhẹ. Ban lãnh đạo cho biết doanh nghiệp sẽ sớm đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở thị trường châu Âu.
Trong tháng 9, Dệt may Thành Công sẽ cử đại diện đến triển lãm ở Pháp và các nước châu Âu khác.
VNDirect cho biết, công ty sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao từ thị trường này nhờ hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Lợi ích từ hiệp định EVFTA sẽ ghi nhận mức gia tăng đáng kể khi thuế nhập khẩu sang thị trường trên được giảm xuống kể từ năm thứ 2 trở đi.