Văn phòng phẩm Hồng Hà lục đục vì cổ đông lớn
Mâu thuẫn tại Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà (HHA) âm ỉ từ năm 2018 khi các cổ đông chất vấn gay gắt liên quan đến việc chuyển nhượng dự án 94 Lò Đúc...
HPS nhận chuyển nhượng hơn 52% vốn điều lệ
HHA có vốn điều lệ 58,9 tỷ đồng, đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Ngày 12/3/2018, Hội đồng quản trị (HÐQT) HHA có tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về đề nghị của HPS nâng tỷ lệ sở hữu lên 53% vốn điều lệ mà không phải thực hiện chào mua công khai. Thời hạn lấy ý kiến chậm nhất là 15h ngày 21/3/2018.
Ngày 22/3/2018, HHA kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông với tỷ lệ tán thành 53,36%, không tán thành 45,23%, không có ý kiến 0,35%. Cùng ngày, Công ty ra Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) số 01 (Nghị quyết 01) với nội dung trên. Ðến ngày 28/3/2018, ba cổ đông lớn đã chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phiếu (chiếm 52,06% vốn điều lệ) cho HPS bằng hình thức giao dịch thỏa thuận.
Ngày 12/4/2018, HÐQT HHA thông báo sẽ họp ÐHCÐ thường niên vào ngày 24/4/2018. Trước khi cuộc họp diễn ra, ngày 16/4, nhóm cổ đông chiếm 45,02% vốn điều lệ có văn bản kiến nghị với HÐQT.
Trong đó, đề nghị xác định lại tư cách cổ đông có quyền tham dự đại hội; bổ sung các vấn đề đưa vào cuộc họp các nội dung gồm hủy bỏ Nghị quyết 01; hủy bỏ giao dịch mua bán hơn 3 triệu cổ phiếu với HPS; sửa đổi, bổ sung một số điều trong Ðiều lệ; xem xét lại quá trình và pháp lý việc chuyển nhượng dự án 94 Lò Ðúc; bãi nhiệm toàn bộ thành viên HÐQT nhiệm kỳ 2016 - 2021 và bầu HÐQT mới.
Ngày 24/4/2018, HHA tổ chức ÐHCÐ, không thông qua việc hủy bỏ Nghị quyết 01. Dự thảo Nghị quyết 02 được thông qua với tỷ lệ 54,25%. Sau đại hội, một cổ đông cá nhân sở hữu 22,65% vốn điều lệ đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết 01 và 02.
Cổ đông trên cho rằng, HHA vi phạm trình tự thủ tục ban hành Nghị quyết 01. Theo giấy báo phát, cổ đông nhận được thư gửi có phiếu xin ý kiến vào sáng 14/3/2018. Theo Khoản 2, Ðiều 145, Luật Doanh nghiệp, thời gian gửi phiếu lấy ý kiến chậm nhất 10 ngày trước thời hạn phải gửi lại, nếu điều lệ công ty không quy định thời hạn khác dài hơn. Như vậy, Công ty gửi phiếu cho cổ đông trước 7 ngày, có trường hợp chỉ trước 3 ngày.
Về việc chuyển nhượng cổ phần cho HPS, HÐQT HHA cùng 3 cổ đông lớn có ý định để HPS trở thành cổ đông chi phối, nhưng không thể đáp ứng các quy định của pháp luật.
Theo Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 32, Luật Chứng khoán, chào mua cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến phiếu sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đại chúng thì phải chào mua công khai.
Hồ sơ chào mua công khai theo Khoản 4, Ðiều 42, Nghị định 58/2012/NÐ-CP gồm báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước liền kề và các tài liệu xác minh năng lực tài chính theo pháp luật chuyên ngành hoặc xác nhận về khả năng tài chính với cá nhân/tổ chức chào mua công khai. Tuy nhiên, HPS mới thành lập, không có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước liền kề nên không thể chào mua công khai.
Cổ đông cũng cho rằng, 3 cổ đông lớn thông đồng với HÐQT biểu quyết đồng ý bán cổ phiếu HHA khi 90 cổ đông còn lại không biết thông tin liên quan là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của cổ đông lớn theo Nghị định 71/2017/NÐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng.
Mặt khác, Ðiều lệ Công ty quy định, cổ đông không được tham gia bỏ phiếu trong việc mua lại cổ phần của cổ đông đó hoặc của người liên quan đến cổ đông đó, trừ trường hợp việc mua lại cổ phần được thực hiện theo tỷ lệ sở hữu của tất cả cổ đông, hoặc việc mua lại được thực hiện thông qua khớp lệnh hoặc chào mua công khai.
Theo đó, HPS không có tư cách cổ đông, không có quyền biểu quyết tại cuộc họp ÐHCÐ HHA. Như vậy, loại trừ số phiếu biểu quyết của HPS thì tỷ lệ thông qua Nghị quyết 02 chỉ là 2,19%.
Cuối năm 2018, tòa án sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện. HHA và HPS kháng cáo. Cổ đông cũng kháng cáo, đề nghị tòa án kiến nghị với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với HÐQT của cả 2 công ty. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 7/2019, HHA xuất trình cho tòa án các tài liệu, chứng cứ thể hiện người khởi kiện đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho 10 cá nhân khác (không phải nhóm HPS - PV). Các đương sự mới đã có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Do đó, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đình chỉ giải quyết vụ việc.
Ðất vàng “nằm im”
Năm 2018, HHA đạt doanh thu 679,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 34,9 tỷ đồng, trả cổ tức 20%. Mặc dù tình hình kinh doanh khởi sắc, nhưng lật lại biên bản cuộc họp ÐHCÐ năm 2018 cho thấy nhiều vấn đề nóng đã được cổ đông chất vấn như việc nghi ngờ có lợi ích nhóm khi chuyển nhượng dự án Hồng Hà Office Tower tại 94 Lò Ðúc.
Có thể bạn quan tâm
6 mẹo tăng tốc Internet cực dễ dàng, không cần mua thêm băng thông hay cầu cứu đến nhà mạng
13:45, 28/07/2019
Không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kì trường hợp nào
06:25, 16/07/2019
Tăng thuế bảo vệ môi trường không hạn chế được sản xuất, sử dụng túi nilon
11:05, 01/07/2019
Quán Karaoke không đặt chốt cửa bên trong phòng hát
07:10, 21/06/2019
Có cổ đông nêu ý kiến, từ năm 2009 - 2017, HÐQT không làm được gì ở dự án này. Việc Công ty chào bán 40% phần dự án có nhiều vấn đề như Công ty P.P là bên chào giá cao nhất, nhưng HÐQT đã dùng thủ pháp kỹ thuật để P.P không được mua dự án. Cổ đông đề nghị ÐHCÐ thống nhất dừng chuyển nhượng dự án 94 Lò Ðúc.
Tại đại hội năm 2019, ÐHCÐ đã thông qua phương án chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư dự án với Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Văn phòng.