Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon, bao bì nhựa nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi nilon, bao bì nhựa.
Bình luận về đề xuất lần này của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho rằng, để hạn chế sử dụng túi nilon, vấn đề không nằm ở chính sách thuế. Việc tăng thuế dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon.
“Đó là còn chưa kể, nếu mức thuế tăng quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất bao bì”, ông Sang nói.
Theo quan điểm của ông Sang, bản chất của vấn đề là tìm cách hạn chế một cách tốt nhất đối với rác thải nhựa, nghĩa là hạn chế nhựa không phân hủy.
Do đó, ông Sang đề xuất một số giải pháp hạn chế nhựa không phân hủy.
Thứ nhất: Có thể tăng thuế đối với những sản phẩm nhựa mà trên thực tế có thể không dùng, hoặc có sản phẩm khác thay thế, hoặc hạn chế sử dụng. Đơn cử ống hút nhựa, túi nhựa xốp dùng trong siêu thị…. Còn những loại bao bì nhựa, chưa có gì thay thể ngay như bao bì nhựa dùng bảo quản thực phẩm, bao bì nhựa dùng bảo quản thuốc uống… cần phải cẩn trọng, nghiên cứu kỹ, cân nhắc lợi hại, và vì vậy phải có lộ trình.
Thứ hai: Phân biệt kỹ giữa phân hủy và phân rã. Phân rã là biến tướng của không phân hủy.
Thứ ba: Nếu đã đánh thuế sản phẩm nhựa “không phân hủy” thì phải ưu đãi sản phẩm nhựa “tự phân hủy”.
Thứ tư: Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa cần chủ động tiến hành nghiên cứu thị trường, sản phẩm, công nghệ, … để thích ứng với điều kiện mới.
Thứ năm: Nhà nước cần công bố công khai chủ trương, các biện pháp (như tăng thuế) bằng một lộ trình cụ thể. Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tạo ra các nghiên vật liệu mới thay thế nhựa không phân hủy. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tài trợ, miễn giảm thuế, ưu đãi đầu tư cho những cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia sản xuất nhựa “tự phân hủy”, hoặc tham gia quá trình hạn chế rác thải nhựa, sử dụng nhựa tái chế…
Từng đề xuất về cách tính thuế đối với mặt hàng túi nilon để bảo vệ môi trường một cách tích cực hơn nữa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc tăng thuế môi trường nên được tính theo số lượng túi nilon chứ không nên tăng theo kg.
Lý giải điều này, VCCI cho biết, cách đánh thuế hiện nay dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng, điều này không phù hợp vì loại túi nilon mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường. Phương pháp này đang được nhiều nước áp dụng như ở Anh, Iceland mức thuế tương đương 4.500 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.
Trong khi đó đề xuất giải pháp để hạn chế sử dụng túi nilon, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế- Hải quan, Học viện Tài chính nêu lên 3 giải pháp.
Thứ nhất là tăng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không thân thiện với môi trường. Hiện, mức thuế này đã kịch khung nhưng giá thành vẫn chưa tăng đáng kể. Khi giá quá cao, người dùng thấy đắt đỏ sẽ từ bỏ dần thói quen dùng túi nilon.
Thứ hai, công tác quản lý và giám sát phải làm sao để các cơ sở sản xuất túi nilon thực hiện đúng các quy định. Một cân túi nilon hiện tại chỉ vài ba chục nghìn đồng, trong khi thuế đã chiếm tỷ lệ cao. Điều này chứng tỏ, các cơ sở này không đóng góp thuế bảo vệ môi trường, mua bán trôi nổi, không hóa đơn chứng từ. Cơ quan quản lý phải quản lý được nguồn thu từ các cơ sở đó để thu thuế bù đắp các tổn hại môi trường.
Thứ ba là cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế sử dụng túi nilon.