Để đảm bảo an toàn, các phòng hát không được đặt chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động, trừ thiết bị báo cháy.
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 54 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường.
Theo đó, Nghị định cũng quy định điều kiện kinh doanh chung đối với dịch vụ karaoke và vũ trường là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, bảo đảm các điều kiện phòng chống cháy nổ, không được đặt chốt cửa hoặc thiết bị báo động (trừ thiết bị báo cháy) bên trong phòng hát hoặc vũ trường.
Thời gian kinh doanh dịch vụ, Nghị định quy định rõ doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 8 giờ sáng, với dịch vụ vũ trường thời gian quy định không được hoạt động từ 2 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
Cũng theo nghị định này, địa điểm kinh doanh vũ trường cũng phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 mét trở lên, đồng thời không hoạt động từ 2h đến 8h sáng. Đặc biệt không cung cấp dịch vụ cho người dưới 18 tuổi.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự. Phòng hát phải có diện tích tối thiểu từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ.
Sau 01/12, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng không đảm bảo các điều kiện kinh doanh mới phải chấm dứt hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
06:59, 25/09/2018
07:57, 05/07/2017
00:00, 26/09/2013
Trước đó, một số quy định về hoạt động karaoke, vũ trường tại Nghị định số 103/2009/ NĐ-CP đã không còn phù hợp. Trong đó, Nghị định 103 chưa có khái niệm về dịch vụ karaoke, vũ trường, tạo nên hiện tượng biến tướng lách luật; trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường đã có cải cách nhưng còn thiếu quy định về việc cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép. Đáng chú ý, khi phát hiện sai phạm, chưa có quy định về tạm dừng kinh doanh để khắc phục vi phạm và thu hồi giấy phép...
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là các ngành nghề kinh doanh phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội, rất dễ bị lợi dụng, biến tướng.
Do vậy, việc ban hành Nghị định riêng để quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là cần thiết trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Nghị định, bao gồm: Đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Đơn giản, minh bạch thủ tục hành chính; tạo hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giúp cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được thuận lợi, hiệu quả..., nhưng phải khắc phục bằng được tình trạng biến tướng.
Trong phiên chất vấn đầu tháng 6, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện việc quản lý các quán karaoke, vũ trường được nêu tại nghị định 103 năm 2009. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống, các cơ sở này phát triển mạnh nên tồn tại hiện tượng như cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thường cải tạo công năng từ nhà ở không đảm bảo cách âm, không đảm bảo an toàn cháy nổ, tiếng ồn. Một số trường hợp xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người, Bộ trưởng nói.
Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có hiệu lực từ 01/9/2019.