Thế khó của Mobifone

Hà Phương 07/09/2019 03:04

Áp lực cạnh tranh lớn, hạ tầng viễn thông chưa hoàn toàn độc lập, cùng lộ trình cổ phần hóa (CPH) chưa rõ ràng… đã và đang dồn Tổng công ty Viễn thông MobiFone vào thế khó.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, MobiFone chỉ đạt 15.168 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.115 tỷ, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

p/Doanh thu và lợi nhuận của Mobiphone giai đoạn 2012- 2018

Doanh thu và lợi nhuận của Mobiphone giai đoạn 2012- 2018

Mở rộng mạng lưới hoạt động

Sau khi tách khỏi VNPT và tái cấu trúc, MobiFone trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong giai đoạn này, MobiFone tập trung đầu tư phát triển mạng 4G, hoàn thành phát sóng hơn 12.000 trạm 4G mới, nâng tổng số trạm đầu tư mới trong giai đoạn 2015-2017 lên hơn 30.000 trạm cả 3G và 4G. Đến nay, mạng lưới của MobiFone có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho 46 triệu thuê bao 2G/3G và 16 triệu thuê bao sử dụng data, trong đó có 4 triệu thuê bao 4G.

Xu hướng người dùng điện thoại di động đã thay đổi từ việc gọi điện và nhắn tin bằng dịch vụ thoại truyền thống sang các dịch vụ OTT đặt ra nhiều thách thức với Mobiphone. Theo đó, MobiFone chuyển hướng đầu tư thêm các hệ thống tối ưu dữ liệu data (3G, 4G), đồng thời miễn phí các dịch vụ truyền thống, ưu tiên phát triển dịch vụ nội dung, dữ liệu và các dịch vụ số.

Theo Ban Lãnh đạo MobiFone, trong năm 2019, MobiFone tiếp tục phủ sóng 4G cả nước và thử nghiệm 5G giai đoạn đầu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh các dịch vụ data tốc độ cao. Bên cạnh đó, Mobiphone tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghệ thông tin trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh như IoT, M2M, Big Data, bên cạnh hệ thống hỗ trợ an ninh mạng, khắc phục xử lý sự cố.

Sức ép hạ tầng viễn thông

Các chuyên gia cho rằng, chiến lược phát triển dịch vụ của một mạng viễn thông phải dựa vào sức mạnh hạ tầng băng rộng, nhưng lâu nay MobiFone hoạt động dựa vào mạng lưới và hạ tầng của tập đoàn mẹ- VNPT. Điều này sẽ đặt ra không ít thách thức cho Mobiphone trong phát triển hạ tầng viễn thông.

Thực tế thị trường cho thấy, hàng loạt nhà mạng thất bại vì gặp trở ngại trong kết nối và chia sẻ tài nguyên. Với sự bùng nổ các dịch vụ nghe gọi trực tuyến, cộng với nền tảng hạ tầng viễn thông dựa vào công ty mẹ sẽ làm hạn chế hoạt động kinh doanh của MobiFone, đây cũng sẽ là thách thức khi Tổng công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần.

2.115
tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế của Mobiphone trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, trên thị trường còn thiếu vắng các dịch vụ cao cấp, đòi hỏi năng lực công nghệ vượt trội và tính bảo mật cao như nền tảng cho chính phủ điện tử, y tế giáo dục điện tử, các hệ thống quản lý tập trung về ngành giao thông vận tải, kết nối ngân hàng và thanh toán… Những cơ hội đó chỉ hiện thực hóa khi MobiFone được cấp quyền phát triển hạ tầng độc lập, tạo nền tảng cung ứng dịch vụ linh hoạt ra thị trường. Bởi vậy, nếu không được đầu tư bài bản, MobiFone sẽ khó bắt nhịp với các ông lớn trong ngành viễn thông.

Thách thức cổ phần hóa

Từ những phân tích trên cho thấy, thế khó nhất của MobiFone trước thềm CPH, đó là hướng đi. Tuy nhiên đến nay, MobiFone vẫn chưa có giải pháp hay lộ trình CPH rõ ràng như VNPT.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, CPH là nhiệm vụ quan trọng mà Mobipone cần tập trung thực hiện, nhưng việc xác định giá trị sử dụng đất, định giá, đấu giá,… hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, Ủy ban sẵn sàng hỗ trợ để Mobipone hoàn thành việc CPH. “Lộ trình và hướng đi của Mobipone sau khi CPH thế nào thì chính bản thân Tổng Công ty phải lên phương án và đề xuất lộ trình…”, bà Hà nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • MobiFone trước ngày cổ phần hoá: Tiền mua AVG đã được trả lại, cơ hội bán vốn giá tốt có còn nguyên vẹn?

    MobiFone trước ngày cổ phần hoá: Tiền mua AVG đã được trả lại, cơ hội bán vốn giá tốt có còn nguyên vẹn?

    16:42, 28/08/2019

  • Trường kỳ và trắc trở cổ phần hóa MobiFone

    Trường kỳ và trắc trở cổ phần hóa MobiFone

    11:07, 19/08/2019

  • Đề xuất bán vốn các

    Đề xuất bán vốn các "ông lớn" Vinamilk, MobiFone, FPT... lấy tiền xây cảng nước sâu

    00:00, 18/08/2019

  • MobiFone tiên phong ứng dụng trí tuệ vào cuộc sống số

    MobiFone tiên phong ứng dụng trí tuệ vào cuộc sống số

    09:30, 25/07/2019

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp- Bộ Tài chính cho biết, việc CPH VNPT, MobiFone còn nhiều khâu vướng mắc do vấn đề định giá, nhưng CPH phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai minh bạch theo cơ chế thị trường... “Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý từng trường hợp một trong thời gian tới”, ông Tiến khẳng định.

Cách thức để MobiFone gỡ thế khó, đề xuất lộ trình CPH và tạo thế chân vạc với 2 ông lớn trong ngành như Viettel và VNPT, theo ông Võ Trí Thành- chuyên gia kinh tế, đó là cần sự thay đổi lớn về chính sách phát triển hạ tầng viễn thông để giải quyết những bất cập trong quản lý ngành, đặc biệt đối với những công ty viễn thông mà Nhà nước không sở hữu 100% vốn. Do vậy, để MobiFone có thể phát huy hết sở trường sau CPH, cần có một hành lang pháp lý hoàn thiện cùng với lộ trình phát triển rõ ràng.

Cuộc đua giành thị phần viễn thông

Theo các chuyên gia, tác động của những chính sách trong dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến lớn về thị phần giữa các nhà mạng.

Theo thống kê không chính thức, đã có hàng nghìn thuê bao tham gia sử dụng dịch vụ này và con số sẽ còn gia tăng gấp nhiều lần. Điều đó khiến các nhà mạng phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt nhằm giữ vững thị phần. Theo đó, các nhà mạng phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng công tác chăm sóc khách hàng,…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông phải luôn chủ động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển để đón đầu trong xu thế công nghệ mới, như vậy mới có thể bắt kịp và khai thác hiệu quả các cơ hội to lớn do cuộc cách mạng số mang lại.

Cùng với dịch vụ chuyển mạng giữ số, nếu các nhà mạng triển khai 5G có hiệu quả, sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút sự quan tâm của khách hàng và mở rộng thị phần. Nhưng quá trình làm chủ công nghệ mới, nhất là phải cân đối hiệu quả đầu tư cho 5G trong bối cảnh hạ tầng 4G mới xây dựng và triển khai, chưa thể thu hồi vốn, cũng sẽ là bài toán đầy thách thức đối với mỗi nhà mạng.

Thực tế cho thấy, dù 4G đã được triển khai gần hai năm qua, nhưng vẫn chưa đạt được chất lượng và hiệu quả tối ưu do việc cấp phép băng tần vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục đấu thầu. Những khó khăn này cần sớm được tháo gỡ để tài nguyên băng tần được sử dụng một cách hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng mạng 4G hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mạng 5G trong thời gian tới.

Hà Phương