Trong danh sách 93 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ cổ phần hóa đến hết năm 2020, có Tổng công ty viễn thông MobiFone là được trông đợi nhất.
Tại thời điểm 30/6/2019, Tổng tài sản của Tổng công ty mẹ MobiFone đạt 29.181 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước tại MobiFone đạt 15.000 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 5.080 tỷ và lợi nhuận chưa phân phối 150 tỷ đồng.
Ở thời điểm trên, MobiFone đang gửi ngân hàng 11.678 tỷ đồng và tiền mặt 1.744,5 tỷ đồng. Số tiền gửi ngân hàng bao gồm 8.445 tỷ đồng tiền gốc và 329 tỷ đồng tiền chênh lệch nhận được so với tiền gốc đầu tư ban đầu, MobiFone đã nhận lại trong thương vụ hoàn trả việc mua 95% cổ phần AVG. Riêng lãi tiền gửi ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty đạt 418 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ 2018. Kết quả kinh doanh 6 tháng 2019 của MobiFone đạt 15.168 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 2.644 tỷ đồng, tăng 8,6%, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.115 tỷ, tăng 8,4%.
“Khởi động” từ năm 2005
MobiFone là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam và trong một thời gian dài được xem là nhà mạng dẫn đầu Việt Nam về mọi mặt. Có rất nhiều thuận lợi, thế nhưng câu chuyện CPH mạng MobiFone thực sự là trường kỳ và gặp nhiều trắc trở. MobiFone “khởi động” kế hoạch CPH từ năm 2005 khi hoàn tất bản hợp đồng đối tác liên doanh giữa VNPT và Comvik (Thụy Điển). Lúc đó, Chính phủ đã yêu cầu và Bộ TT-TT phải CPH MobiFone.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 18/08/2019
09:30, 25/07/2019
19:54, 08/07/2019
Năm 2008, Tập đoàn Tài chính ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) được chọn làm tổ chức tư vấn CPH cho MobiFone và đưa ra mức định giá khoảng 2 tỷ USD với mạng di động này vào đầu năm 2009. Tiến trình CPH tưởng sắp được hoàn tất. Thế nhưng tất cả vẫn giậm chân tại chỗ với hàng loạt lý do khác nhau. Mãi đến khi tách khỏi Tập đoàn VNPT vào tháng 8/2014, MobiFone đã khởi động lại quá trình CPH.
Tháng 9/2015, MobiFone chọn nhà tư vấn CPH là Công ty Chứng khoán Bản Việt. Bản Việt sẽ chịu trách nhiệm tư vấn định giá và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho nhà mạng này. Tháng 6/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể tăng lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016 - 2017.
AVG “đánh chìm” kế hoạch
Thế nhưng, câu chuyện mua AVG đã “đánh chìm” kế hoạch CPH MobiFone. Tháng 1/2016, MobiFone phát thông cáo về việc mua 95% cổ phần AVG nhưng không nói đến giá trị thương vụ. Khi báo chí - truyền thông đề cập vấn đề này, lãnh đạo MobiFone lúc đó cho biết đây là “tài liệu mật” nên không công khai. Thương vụ này bị phát lệnh thanh tra toàn diện từ đầu tháng 8/2016 và đến tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra.
Khi đó, phía Thanh tra Chính phủ cho biết thời hạn thanh tra trong vòng 50 ngày. Đến giữa tháng 11/2016, dưới nhiều sức ép, MobiFone đã công bố thông tin hoạt động liên quan đến thương vụ mua 95% cổ phần của AVG, vốn trước đó được xem là “tài liệu mật”. Đáng chú ý nhất là việc MobiFone đã chi khoảng 8.889 tỷ đồng để sở hữu AVG. Quá trình thanh tra dự án này không phải 50 ngày như kế hoạch ban đầu, mà phải đến ngày 14/3/2018 (tức là hơn 16 tháng), Thanh tra Chính phủ mới chính thức công bố kết luận thanh tra vụ việc này.
Theo Thanh tra Chính phủ, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm trong dự án này đã dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc CPH MobiFone.
Cơ hội nào cho Mobifone?
Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp: “Sức mạnh cạnh tranh chính của các mạng di động dựa vào hạ tầng tài nguyên quốc gia từ băng tần đến kho số. Thực tế thị trường cho thấy hàng loạt nhà mạng thất bại vì gặp trở ngại trong kết nối và chia sẻ tài nguyên, sự ưu đãi “bất thành văn” cho các mạng 100% nhà nước từng làm hạn chế hoạt động kinh doanh của các mạng đối thủ.”
Cơ hội mới của MobiFone theo các chuyên gia vô cùng lớn. Đặc biệt trong thị trường còn thiếu vắng các dịch vụ cao cấp, đòi hỏi năng lực công nghệ vượt trội và tính bảo mật cao như nền tảng cho chính phủ điện tử/y tế giáo dục điện tử, các hệ thống quản lý tập trung về ngành giao thông vận tải, eCommerce/mCommerce, kết nối ngân hàng và thanh toán...
Theo ông Diệp, những cơ hội đó chỉ hiện thực hóa khi MobiFone được cấp quyền phát triển hạ tầng độc lập, tạo nền tảng cung ứng dịch vụ linh hoạt ra thị trường. “Thị trường chờ đợi và có thể nghi ngờ khả năng MobiFone có được quyền cung cấp hạ tầng đến mức mạng WAN (mạng dữ liệu băng rộng kết nối các mạng đô thị - MAN) hay không”.
Cách thức để MobiFone tạo thế chân vạc với Viettel và VNPT trên thị trường như kỳ vọng theo các chuyên gia còn cần sự thay đổi lớn về chính sách phát triển hạ tầng viễn thông để giải quyết những bất cập trong quản lý ngành, đặc biệt đối với những công ty viễn thông nhà nước không nắm 100% vốn. “MobiFone chỉ có thể phát huy hết sở trường sau cổ phần hóa khi có một môi trường sinh thái và hành lang pháp lý hoàn thiện cho cả thị trường viễn thông cùng ý chí phát triển của chính MobiFone,” theo ông Diệp.
Nói với Forbes Việt Nam, ông Võ Trí Thành nhận định, việc cải cách và mở cửa đối với lĩnh vực viễn thông ở hầu hết các thị trường đều rất khó khăn. Quá trình phát triển và cạnh tranh ở lĩnh vực này tại Việt Nam đã đạt được một số yếu tố tích cực, nhưng thị trường cần những nhân tố mới làm động lực mạnh mẽ hơn cho việc phát triển kinh tế. Công nghệ thông tin không chỉ là lĩnh vực ngành mà là kết cấu hạ tầng cho phát triển và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
“Việc cổ phần hóa MobiFone nằm trong ý tưởng phải mang lại những công nghệ quản trị tốt hơn, sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường để bản thân ngành đó phát triển, mà quan trọng nhất là mang lại tính lan tỏa cho nền kinh tế,” ông Thành khẳng định.