Seven.AM dính nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc gắn mác Việt
Seven.AM không không phải là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên dính nghi vấn dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2009, thương hiệu Seven.AM của ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng GĐ Công ty cổ phần MHA nhanh chóng chiếm được tình cảm của chị em giới công sở bởi phong cách thanh lịch và giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, những tín đồ của thương hiệu Seven.AM không khỏi hoang mang khi đọc thông tin về những sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc và cắt mác. Cụ thể, sáng 9/11 thông tin trên báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh về những dấu hiệu nhập nhèm nhãn mác của thương hiệu này. Theo đó, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA, trước khi xuất đi hàng chục showroom thì các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào là phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu Seven.AM.
Tổng kiểm tra 5 cửa hàng SEVEN.AM
Sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về thương hiệu thời trang Seven.AM có nhập thêm hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Trung Quốc thành “Made in Vietnam” trên một số sản phẩm khăn, quần áo và đồ lót.
Sáng 11/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo Đội QLTT số 14 chia thành 5 tổ kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.AM trên địa bàn Hà Nội gồm: 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông và 506 Nguyễn Văn Cừ.
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 14 ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các showroom Seven.AM đều có tem của sản phẩm Seven.AM, xuất xứ Made in Vietnam, có gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là “Công ty cổ phần MHA thời trang Seven.AM”.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho Đoàn kiểm tra Đăng ký nhãn hiệu Seven.Am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064. Toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin "sẽ xuất trình sau".
Có thể bạn quan tâm
Liên tiếp phát hiện sản phẩm giả mạo xuất xứ "Made in Việt Nam"
11:15, 03/11/2019
Ông Phạm Văn Tam: “Asanzo không giả xuất xứ hàng hóa”
11:01, 17/09/2019
Khởi tố vụ công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo
11:55, 24/07/2019
Hàng nội gắn mác ngoại tại Con Cưng: Mất mát lớn nhất là sụp đổ niềm tin
11:02, 23/07/2018
Theo ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Seven.AM không có xưởng may mặc riêng, tuy nhiên có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Toàn bộ sản phẩm được Seven.Am thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.
Trong 05 cửa hàng được kiểm tra trong sáng ngày 11/11, Đội chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm. Ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần MHA khẳng định " toàn bộ sản phẩm của Seven.Am đều được sản xuất trong nước".
Ông chủ thương hiệu thời trang SEVEN. am là ai?
Liên quan đến thông tin nghi vấn hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu Seven.AM nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam bán ra thị trường, ngày 11/11, ông Nguyễn Vũ Hải Anh Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MHA cho hay: “Tôi giờ không phải phát ngôn của Công ty Cổ phần MHA, tôi giờ chỉ ở góc độ tư vấn, chăm sóc ở góc cạnh khác nên không thể phát ngôn thay cho phía công ty được”.
Ông Hải Anh cũng thông tin thêm, phía đại diện Seven.AM sẽ sớm có thông cáo báo chí chính thức đến các cơ quan báo chí về vấn đề này. “Khoảng một đến hai hôm nữa phía công ty sẽ có thông cáo báo chí, công ty sẽ có giải thích với người tiêu dùng và các cơ quan ban nghành về vấn đề nêu ở trên”, ông Hải Anh thông tin.
Theo tìm hiểu, cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty Cổ phần MHA tăng vốn điều lệ từ 4,8 tỷ đồng lên 9,9 tỷ đồng hồi giữa năm 2018. Cũng trong năm 2018, Seven.AM đã 2 lần thay đổi người đại diện pháp luật, từ diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh sang một người khác là Nguyễn Vũ Mai Hương và cuối 2018 đến nay là Đặng Quốc Anh.
Hiện, ông Nguyễn Vũ Hải Anh nắm 60%, ông Đặng Quốc Anh nắm 30% (ông Quốc Anh cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty này) và bà Nguyễn Vũ Mai Hương nắm 10%.
Trước đó, trả lời báo chí ông Nguyễn Vũ Hải Anh xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn. “Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ “đây là hàng Trung Quốc”, ông Hải Anh nói.
Có thể bị truy tố nếu làm giả số lượng lớn?
Được biết, năm 2009 hệ thống cửa hàng thời trang Seven.AM chính thức ra mắt, đến nay thương hiệu này đã có mặt tại 18 tỉnh, TP với hệ thống 24 showroom. Thương hiệu thời trang này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: “Top 20 DN Toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng” và “Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 DN Hội Nhập và Phát triển toàn quốc”.
Trước sự việc Seven.AM nhập hàng Trung Quốc sau đó cắt bỏ và dán nhãn hàng Việt, trao đổi trên CafeF, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ: Đây không không phải là lần đầu tiên DN Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc, mà đã trở thành “vấn nạn” chung bởi trước đó ông chủ thương hiệu Khaisilk cũng thừa nhận Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam. Có như vậy là bởi hàng Việt Nam và thương hiệu Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Về hình thức xử lý nếu thực sự Seven.AM có thực hiện hành vi cắt mác Trung Quốc gắn mác hàng Việt, theo Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục, việc Seven.AM nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác "made in Vietnam" là cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.
Tuy nhiên để ngăn chặn tận gốc, không để xảy ra những sai phạm tượng tự bên cạnh lực lượng chức năng, cơ quan quản lý quyết liệt ngăn chặn còn đòi hỏi cơ quan xây dựng pháp luật cần đẩy nhanh việc sửa đổi pháp lý theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt, bởi mức xử phạt hành vi sản xuất hàng giả hiện quá nhẹ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.