Khởi tố vụ công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo

Theo Minh Toàn/Nhịp Sống Việt 24/07/2019 11:55

Quá trình điều tra, công an đã tiến hành khởi tố vụ án ở công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mắc Asanzo về hành vi "Buôn lậu".

dgfg

Công an xác định vụ công ty Sa Huỳnh nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo là có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế

Hiện Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TPHCM đã khởi tố vụ án công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo về hành vi "Buôn lậu".

Theo điều tra, khoảng tháng 9/2018, công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh có trụ sở ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM có mở tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng từ nước ngoài về.

Theo khai báo của công ty Sa Huỳnh, lô hàng có xuất xứ Trung Quốc. Hàng là linh kiện của lò nướng thuỷ tinh gồm: nắp đậy nhựa, chậu thuỷ tinh, bộ đếm thời gian của lò nướng… Khai báo còn cho hay, đây là hàng mới 100%, có tổng giá trị là 212 triệu đồng.

Lô hàng này đến Việt Nam qua đường Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thì phát hiện có nhiều nghi vấn nên Cục Hải quan TP HCM phối hợp với Chi cục Hải quan trên để tiến hành kiểm tra.

Cơ quan chức năng phát hiện lô hàng là 1.300 bộ lò nướng thuỷ tinh dạng nguyên bộ chứ không phải dạng linh kiện như công ty Sa Huỳnh khai báo. Mỗi bộ được tháo rời thành 3 bộ phận gồm: nắp đậy nhựa, chậu thuỷ tinh, bộ đếm thời gian. Tất cả lô hàng không ghi rõ xuất xứ nhưng có mang thương hiệu Asanzo.

Sau đó, phía công ty Sa Huỳnh có văn bản giải trình là phía đối tác có sự nhầm lẫn, đã gửi nhầm hàng. Cục Hải quan mời người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Huỳnh Thị Sà Quôl lên làm việc, nhưng bà này không có mặt. Bà Quôl uỷ quyền cho ông Huỳnh Thế Tài lên làm việc nhưng ông này cũng... mù mờ.

Xác minh thêm, bà Quôl cho biết, thông tin thành lập công ty Sa Huỳnh đúng là của bà nhưng bà hoàn toàn không biết gì, có người mạo danh để làm ăn phi pháp. Bà Quôl cũng mong muốn cơ quan chức năng làm rõ việc này.

Bà Quôl cho biết, quê Sóc Trăng, từng có thời gian cùng chồng làm công nhân tại nhà máy của Asanzo tại TP.HCM nhưng sau đó xin nghỉ về quê vì lý do gia đình. Bà thừa nhận, không có trình độ và không biết cái công ty Sa Huỳnh đó là công ty nào.

Quá trình lực lượng Hải quan làm rõ lô hàng thì ông Huỳnh Thế Tài và ông Trương Ngọc Liêm đến làm việc và cho biết, có hùn vốn mở công ty Sa Huỳnh nhưng sau đó thuê bà Quôl làm giám đốc. Khi lô hàng nói trên bị lực lượng Hải quan phát hiện thì 2 ông có nói với bà Quôl ra làm việc, giải quyết nhưng bà không đồng ý.

Khi đó những người này đã giả mạo giấy tờ thể hiện bà Quôl ủy quyền cho ông Tài để đi làm việc với hải quan. Sau đó nhóm người đã làm thủ tục chuyển đổi để ông Liêm đứng tên là đại diện pháp luật, giám đốc của công ty Sa Huỳnh.

Đáng nói, những hồ sơ, giấy tờ có chữ ký, bút tích của bà Quôl được xác định là giả mạo. Ông Liêm cũng đã thừa nhận việc này.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ Asanzo… tới bộ tiêu chí cho

    Từ Asanzo… tới bộ tiêu chí cho "Made in Vietnam"

    05:10, 18/07/2019

  • Chuyển cơ quan điều tra vụ công ty nhập hàng Trung Quốc mang nhãn hiệu Asanzo

    Chuyển cơ quan điều tra vụ công ty nhập hàng Trung Quốc mang nhãn hiệu Asanzo

    14:22, 02/07/2019

  • Asanzo và “điểm mờ” quản lý nhà nước

    Asanzo và “điểm mờ” quản lý nhà nước

    14:00, 01/07/2019

Do xác định vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế và đánh tráo hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt nên Cục Hải quan TP.HCM đã chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý.

Gần đây, trước thông tin điều tra báo chí về nghi án hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt mang thương hiệu Asanzo khiến dư luận xã hội rất quan tâm, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc xác minh, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Phía Cục Hải quan TP.HCM được Tổng cục Hải quan giao kiểm tra sau thông quan đối với 14 trong số 31 công ty nhập khẩu hàng hóa và linh kiện nhãn hiệu Asanzo. Số còn lại do Cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra.

Khi kiểm tra thì 14 công ty này đều đã ngưng hoạt động và địa chỉ "ma". Do đó, phía hải quan không thể thực hiện việc kiểm tra sau thông quan để làm rõ chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho đối tác Trung Quốc, hóa đơn GTGT xuất bán cho đối tác nào trong nội địa, báo cáo quyết toán thuế nội địa...

Chính vì vậy, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM chuyển toàn bộ hồ sơ 14 công ty "ma" cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi tố vụ công ty "ma" nhập hàng từ Trung Quốc gắn mác Asanzo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO