[DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Minh Phú tự vượt lên từ các cuộc “khủng hoảng”
Ít ai biết được rằng, Minh Phú cũng đã phải trải qua thời kỳ khủng hoảng, sa lầy.
Quyết định sai lầm của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú khởi đầu từ năm 2003 khi mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo đó, Thủy Sản Minh Phú (MPC) đổi giấy phép hoạt động với việc bổ sung thêm một số ngành nghề trong chức năng kinh doanh như kinh doanh bất động sản, kinh doanh cơ sở hạ tầng, thi công, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Đặc biệt, năm 2006, khi MPC được niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của công ty tăng lên mạnh mẽ. Thế nhưng, giá cổ phiếu đã không ổn định mà lao đao theo sự đầu tư vào tài chính, bất động sản của công ty.
Nhận ra sai lầm và lặng lẽ “rút êm”
Đặc biệt, việc đầu tư vào mảng tài chính năm 2007 và khoản đầu tư lên đến 200 tỷ vào Quỹ Tầm Nhìn SSI, quỹ đầu tư chứng khoán do SSI quản lý chính là sai lầm lớn nhất. Khoản đầu tư này, theo ông Quang không thu được đồng lãi nào nhưng mỗi năm phải trích lập dự phòng tài chính lên đến hơn 50 tỷ đồng. Chính vì vậy, “vua tôm” đã phải rất đau đầu suy tính làm như thế nào để “rút êm” sao cho ít thiệt hại nhất.
[DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Hòa Phát “kiên định” thép là cốt lõi
11:00, 27/02/2020
[DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Tôn Hoa Sen và hành trình “vượt ải”
11:00, 26/02/2020
[DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] Kangaroo với tâm thế “kẻ dẫn dắt thị trường”
12:10, 23/02/2020
Ông Quang chia sẻ, sai lầm đó là do áp lực từ nhiều phía nói rằng làm tôm không bao giờ giàu nhanh, chỉ có đầu tư tài chính mới có thể gia tăng tài sản lên nhiều lần. “Làm công việc mình không thích và bị chi phối bởi phong trào, đó là sai lầm lớn nhất trong đời tôi. Tôi đã học được một bài học quý, đó là không nên làm những gì mình không thích, không hiểu sâu sắc”, ông Quang nói.
Khủng hoảng tiếp theo là bị cáo buộc về việc nhập khẩu tôm Ấn Độ để chế biến tại Việt Nam và xuất sang Mỹ nhằm né thuế bán phá giá đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Theo cáo buộc, Minh Phú được cho là mua tôm đông lạnh từ Ấn Độ sau đó chế biến “tối thiểu” tại Việt Nam và xuất khẩu bán vào thị trường Mỹ như sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Cùng thời điểm này, tôm Ấn Độ xuất vào Việt Nam cũng tăng mạnh.
Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cho rằng, năm 2018 xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 133.779 tấn với giá trị 833 triệu USD. Mặc dù giảm 15% về khối lượng và 28% về giá trị so với năm 2017, nhưng Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Năm 2018, Việt Nam chiếm tỷ trọng gần 22% xét theo giá trị tôm xuất khẩu của Ấn Độ với mức giá xuất khẩu trung bình 6,22 USD/kg, chỉ cao hơn Trung Quốc, trong tổng 11 quốc gia nhập khẩu tôm Ấn Độ.
Phản hồi các thông tin trên, Minh Phú cho biết đây là thông tin không mang tính chính thống, đang xác minh và làm rõ. Nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam khẳng định, luôn tuân thủ các quy định với các thị trường nhập khẩu khắt khe như Mỹ. Trước đó, Minh Phú cũng từng dính vụ việc tương tự và vượt qua các cáo buộc này.
Vào ngày 16/1/2020 vừa qua, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lại nhận được thông tin qua báo chí về việc Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (Thuế CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Tập đoàn Minh Phú tại Hoa Kỳ, (Điều tra EAPA) và áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức "Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Hoa Kỳ" (AHSTEC).
Phản hồi lại, Công ty trong thông cáo mới nhất cho rằng chưa nhận được văn bản chính thức nào từ CBP về vấn đề này. Trong khi đó liên quan đến sản phẩm tôm của Minh Phú bị Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) Mỹ áp dụng biện pháp tạm thời, Bộ Công thương khẳng định kiên quyết chống lẩn tránh thuế song cũng sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Tạo vị thế bằng tự chủ nguồn nguyên liệu
Tuy nhiên, có một thực tế là từ nhiều năm nay thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác và tôm nguyên liệu. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nguyên liệu cũng chưa đáp ứng tốt đã gây không ít khó khăn cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Nhằm “chữa lửa”, Minh Phú đã có những biện pháp theo dõi tình hình nguồn nguyên liệu, giá thành, mở rộng vùng nuôi, chủ động nguồn cung nguyên liệu nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.
Để giải bài toán khi nguồn cung nguyên liệu trong nước thiếu hụt do dịch bệnh, Minh Phú đã tận dụng quy luật là hiếm khi tôm mắc dịch bệnh đồng thời ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Vì vậy, nếu tôm Việt Nam mắc dịch bệnh, để đủ nguyên liệu sản xuất, Minh Phú nhập khẩu một phần từ Ecuador để duy trì sản xuất ổn định, tạo ra giá trị thăng dư dựa trên trình độ tay nghề của 15.000 lao động. Mới nhất, để tự chủ nguồn nguyên liệu, cuối năm 2018 Minh Phú vừa hợp tác chiến lược với Nhựa Tiền Phong, Hòa Phát cung cấp nguyên liệu phát triển mô hình ao nổi nuôi tôm.
Hiện nay, một nửa tôm Việt Nam xuất khẩu là hàng có giá trị gia tăng và sản phẩm chế biến là một trong các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Sản phảm tôm Việt Nam xuất chủ yếu vào Mỹ là tôm bao bột, cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tôm Việt chế biến thủ công nhờ nhân công có tay nghề trong khi Trung Quốc sản xuất theo dây chuyền công nghiệp nên tỷ lệ sai hỏng cao. Các nhà sản xuất Việt Nam như Minh Phú rất tự tin kỹ thuật chế biến cao và giá nhân công rẻ là lợi thế để tôm Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, mặc dù sản lượng và năng suất có thể thấp hơn so với cơ giới hóa.
Trong công bố báo cáo tài chính năm 2019, lũy kế cả năm Minh Phú đạt doanh thu thuần 16.395 tỷ đồng, không chênh lệch đáng kể so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn năm trước 1%, lợi nhuận gộp của "vua tôm" giảm 24% so với năm trước, đạt 1.677 tỷ đồng.
Theo lý giải của Minh Phú, thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu trong năm 2019. Ngoài ra, nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, làm tình hình cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn, giá nguyên liệu trong nước tăng cao trong khi giá bán không tăng tương ứng dẫn đến kết quả kinh doanh Minh Phú không đạt được kỳ vọng. Về vùng nuôi, do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn.