Mệnh danh là doanh nghiệp đầu ngành nhưng Hòa Phát từng phải đối mặt với không ít rủi ro từ việc thị trường thép chậm lại, giá nguyên liệu đầu vào biến động bất thường, đặc biệt là giá quặng sắt.
Có những thời điểm giá quặng 62% Fe đã tăng lên đến 120 USD/tấn, tăng 66% so với đầu năm. Nguyên nhân, là do ảnh hưởng từ vụ vỡ đập ở Brazil của nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới Vale. Trận lốc xoáy ở Veronica, Australia làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất quặng của quốc gia này và nhu cầu quặng sắt tăng đến từ các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc.
Đối mặt với nhiều rủi ro
Mặc dù Hòa Phát đã tự chủ được một phần nguồn quặng sắt đầu vào trong nước thông qua công ty con là CTCP khoáng sản An Thông. Tuy nhiên, nguồn cung này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu hiện tại. Với phần còn lại, Hòa Phát cũng phải nhập khẩu hàng tháng từ các nhà cung cấp lớn trên thế giới ở Brazil, Australia, Nam Phi…
Có thể bạn quan tâm
11:00, 26/02/2020
01:38, 25/02/2020
11:25, 24/02/2020
12:10, 23/02/2020
Tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long từng thẳng nhắn nhìn nhận, giá nguyên vật liệu tăng cao gây ra cho Hòa Phát nhiều khó khăn. "Sau vụ vỡ đập Vale ở Brazil, giá quặng sắt tăng từ khoảng 63-65 USD lên 85-90 USD/tấn. Để sản xuất 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng, đây là lí do chủ yếu khiến cho lợi nhuận sụt giảm”.
Bên cạnh đó, Hòa Phát mua quặng một phần theo hình thức hợp đồng tương lai ở các thời điểm trước đó, một phần theo hình thức mua bán giao ngay, vì thế các ảnh hưởng lớn nhất từ việc giá quặng tăng giai đoạn vừa qua đến kết quả kinh doanh sẽ đến vào các quý tiếp theo trong năm 2019…
Tuy nhiên, trái ngược với các dự đoán, kết thúc năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát đạt gần 65.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 13% kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Lũy kế cả năm, Hòa Phát đã sản xuất hơn 2,8 triệu tấn thép thô và cung cấp 2,77 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao cho thị trường, tăng 16,7% so với cùng kỳ, trong đó có trên 265.000 tấn xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Úc, Mỹ…thị phần đạt 26,2%.
Với lĩnh vực ống thép và tôn mạ, Tập đoàn đạt sản lượng 750.800 tấn ống thép, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu đạt 19.100 tấn tới các nước Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và Mỹ La tinh….tăng 17 %. Thị phần ống thép Hòa Phát đã tăng lên 31,5%. Bên cạnh đó, cuối năm qua, Công ty đã đưa vào vận hành dây chuyền ống thép cỡ lớn, đường kính lên tới 325mm tại Hưng Yên, công suất trên 100.000 tấn/năm, trở thành nhà sản xuất duy nhất ở phía Bắc cung cấp dòng sản phẩm đặc chủng này.
Với thành quả kinh doanh ấn tượng năm 2019, Tập đoàn đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ tiêu thụ 3,6 triệu tấn thép xây dựng, trong đó riêng miền Nam tăng trưởng 100% so với năm 2019; Quý 2 cho ra sản phẩm thép cuộn cán nóng và khối nông nghiệp tăng trưởng vượt bậc so với 2019.
Đẩy nhanh mục tiêu chiếm lĩnh thị trường
Nhìn rõ khó khăn và vạch ra những kế hoạch sản xuất, kinh doanh kỹ lưỡng, hiệu quả là cách người đứng đầu Hòa Phát đang chèo lái con thuyền lớn của ngành thép Việt Nam. Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, ông Trần Đình Long nhấn mạnh, định hướng của Hòa Phát từ trước tới nay không thay đổi, đó là trở thành tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam với thép là lĩnh vực cốt lõi, chiếm 83% và 89% doanh thu, lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và nhận định diễn biến thị trường, xác định đâu là mục tiêu số 1 của Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long “phát lệnh” dốc toàn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, đảm bảo dự án được đưa vào hoạt động đúng tiến độ. “Mục tiêu của Hòa Phát là đẩy mạnh chiếm lĩnh thêm thị phần khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động. Khi có thị phần thì lợi nhuận về sau là tất yếu”, ông Long khẳng định.
Với mục tiêu phát triển bền vững, chiến lược của Hòa Phát luôn là tìm tòi phát triển dự án mới, sản phẩm mới, gia tăng thêm giá trị cho mỗi cổ đông và cộng đồng xã hội, nhưng tập trung vào mảng cốt lõi là sản xuất thép. “Hòa Phát với thông điệp không bao giờ dừng lại, dù thị trường thuận lợi hay khó khăn Tập đoàn vẫn luôn kiên định vững bước, tiến về phía trước”, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long chia sẻ thêm.
Trong số các nhà sản xuất thép tại Việt Nam, "vua thép" Hòa Phát đang là doanh nghiệp có lợi thế lớn nhất về chi phí sản xuất, thấp hơn nhiều so với đa phần các nhà sản xuất thép trong nước khác và ngang bằng với một nhà sản xuất thép tầm trung của Trung Quốc.Theo đánh giá của Bộ phận nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV Research) tại Báo cáo nhận định lần đầu về Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát công bố mới đây, đây là lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cơ bản.
Nguyên nhân Hòa Phát có được lợi thế này, theo KBSV Research, là do Hòa Phát sản xuất bằng công nghệ lò cao BOF, với nguyên liệu đầu vào chủ yếu bao gồm quặng sắt và than cốc cho chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF với nguyên liệu đầu vào là thép phế và điện. Hiện tại, ở Việt Nam, để sản xuất thép xây dựng, chỉ có Hòa Phát và Gang thép Thái Nguyên (Tisco) sử dụng công nghệ lò cao. Tuy nhiên, hệ thống dây chuyền, máy móc của Tisco đã quá cũ và lạc hậu vì thế hiệu quả hoạt động của Tisco không tốt bằng Hòa Phát.
Cùng với đó, lợi thế quy mô lớn hơn hẳn các nhà sản xuất thép khác cũng giúp Hòa Phát tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tỉ trọng chi phí cố định trên từng đơn vị sản phẩm.Trên thực tế, giá thép của Hòa Phát luôn thuộc nhóm rẻ nhất thị trường, tạo tiền đề giúp cho Hòa Phát chiếm thị phần dễ dàng hơn. Với những lợi thế cạnh tranh của mình, KBSV Research cho rằng Hòa Phát sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần thép tại khu vực phía Nam, đặc biệt bằng chiến lược cạnh tranh về giá. Trong phát biểu gần đây của Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long cũng đã khẳng định “Sẽ tiêu thụ hết thép bằng mọi giá”.