"Đòn giáng” COVID-19 và “phác đồ” mới của Vietravel
Dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty du lịch trở tay không kịp. Dịch bệnh như một "đòn giáng” vào các công ty du lịch Việt Nam và Vietravel cũng không ngoại lệ.
Sau quý I/2020 lỗ nặng do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ban lãnh đạo Vietravel dự kiến bỏ ngỏ kế hoạch kinh doanh năm nay và xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận từ năm trước.
Năm 2019, Vietravel ghi nhận 7.432 tỷ đồng doanh thu, tăng 3% so với năm liền trước. Khoản lợi nhuận sau thuế công ty thu về giảm 24%, nhưng vẫn đạt hơn 44 tỷ đồng.
“Khởi nghiệp” lại
Tuy nhiên, trong quý đầu tiên của năm 2020, khi doanh thu từ dịch vụ du lịch giảm một nửa so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietravel đã đối mặt với khoản lỗ trước thuế hơn 38 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 6,6 tỷ).
Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty cũng giảm hơn 46 tỷ so với cùng kỳ, và báo số âm 41,5 tỷ đồng. Đây là số lỗ quý lớn nhất trong nhiều năm hoạt động của doanh nghiệp và là quý lỗ thứ 2 liên tiếp.
Doanh thu chính của Vietravel đến từ dịch vụ lữ hành (chiếm khoảng 80% cơ cấu doanh thu). Nguồn tiền này đến từ du lịch nội địa, đưa du khách nước ngoài vào Việt Nam (inbound tour) và đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound tour).
Ảnh hưởng của Covid-19, thị trường khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, đặc biệt là khách Trung Quốc và du lịch nội địa giảm mạnh.
Vietravel chỉ còn mảng outbound tour để “gỡ gạc” trong thời gian tới. Đây cũng là thị trường sống còn của hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam hiện nay.
Thời gian gần đây, khách du lịch Việt Nam ưa chuộng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc cao cấp hơn là Mỹ, châu Âu… Ngành du lịch các nước này cũng đang chịu thiệt hại do lượng khách Trung Quốc giảm đột biến, nên sẽ tìm cách thu hút khách từ các thị trường khác.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường không dễ dàng đối với các công ty du lịch Việt vì visa vào các thị trường này khó hơn, đặc biệt, giá cả luôn là yếu tố “đau đầu” nhất.
Thực tế, Vietravel có đủ năng lực và kinh nghiệm tổ chức tour tới các thị trường này nhờ vào chiến lược định vị phân khúc khách hàng trung lưu trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, với thương hiệu đã được khẳng định, khả năng thu hút khách hàng của Vietravel trong “cuộc chiến” giảm giá giữa bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch là rất cao.
Tuy nhiên, với gánh nặng từ chi phí vận hành hệ thống, việc giảm giá liên tục sẽ là thử thách lớn đối với sức chịu đựng và có thể làm lung lay mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu trong số các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam của Vietravel.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel, Covid-19 đã trả tất cả điều kiện cần phải có của ngành du lịch về con số 0.
Không thị trường, không khách hàng, không hoạt động… và Vietravel đang phải khởi nghiệp lại từ con số 0 sau 25 năm phát triển.
Trong khi đó, việc sở hữu Hãng hàng không Vietravel Airlines chưa thể hiện rõ lợi thế của Vietravel. Vẫn biết việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng và nằm trong kế hoạch của Vietravel.
Bởi hơn 10 năm trước, Vietravel từng thắng rất đậm với chiến lược đầu tư xe du lịch cỡ lớn để cung cấp phương tiện di chuyển cho khách du lịch trong nước.
Nhưng “nước cờ” đầu tư vào hàng không ở thời điểm hiện tại có phần mạo hiểm, vì thị trường hàng không đã mở cửa hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm.
Phác đồ mới của Vietravel
Vietravel là doanh nghiệp bắt đầu chiến dịch quảng bá du lịch an toàn từ tháng 3, một phần của dự án “Vietnam – I am Safe” (Tôi an toàn) mà hãng này đề xuất triển khai trong toàn ngành du lịch.
Doanh nghiệp này tiên phong thực hiện bằng cách phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ để đưa ra các sản phẩm an toàn từ điểm đến, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển và nhân viên được tập huấn bài bản cho các ứng phó an toàn.
Vietravel đề xuất các tour tuyến liên kết với hệ sinh thái của nhiều địa phương. Mới đây nhất là “tam giác” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng, trong chương trình chung cả ba địa phương thống nhất giảm 50% giá vé cho tất cả di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Sau đó Quảng Bình và Bình Định dự kiến kết nối vào mạng lưới này. “Chúng tôi đứng ra kết nối toàn bộ, mình phải làm mới có sản phẩm đưa khách đến,” ông Kỳ nói.
Tình hình “sống chung với dịch” là kịch bản của cả ngành du lịch. Kịch bản kinh doanh được Vietravel xây dựng trên lộ trình nền tảng du lịch nội địa hồi phục trước.
Theo đó, đơn vị lữ hành này dự tính từ nay đến tháng 8 thị trường nội địa phục hồi khoảng 30%, nếu thời gian nghỉ hè của học sinh được một tháng, tỷ lệ phục hồi lên 40–50%.
Kịch bản cho thị trường quốc tế, khách outbound sẽ mở dần từ tháng 8–10 và sớm nhất đến quý IV/2020 du lịch inbound mới bắt đầu mở lại.
“Dù thị trường nội địa phục hồi thì ngành du lịch Việt Nam muốn vững vàng vẫn phải đợi thị trường quốc tế hồi phục cả outbound và inbound, vốn chiếm tỉ trọng lớn về doanh thu lẫn lợi nhuận cho ngành,” ông Kỳ cho biết.
Các doanh nghiệp đều xây dựng kịch bản kinh doanh cho riêng mình, nhưng theo ông Kỳ, để ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững cần kịch bản hồi phục tổng thể toàn ngành.
Ngành du lịch thế giới còn chìm khá sâu và lâu, đưa Việt Nam lên thành điểm sáng thì cần những bước đi hết sức khoa học, chín chắn, vừa thận trọng vừa đột phá táo bạo.
“Như người trải qua cơn bạo bệnh, ngành du lịch cần một phác đồ điều trị tổng thể, muốn phục hồi nhanh thì thể trạng phải tốt,” ông Kỳ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm