'Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết doanh nghiệp đang phải khởi nghiệp lại từ con số 0 sau 25 năm phát triển.
Tăng trưởng du lịch Việt Nam được xem là cao nhất thế giới, với mức trung bình trên 20%/năm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến du lịch toàn cầu đóng băng, ngành du lịch Việt dự tính thiệt hại hơn 7,7 tỷ USD. Trong khó khăn chung, giới chuyên môn quan ngại không ít cho Vietravel, thương hiệu lữ hành hàng đầu Việt Nam. Bởi, COVID-19 khiến thương hiệu này bước vào thế khó chồng thêm khó.
Để duy trì được nhân lực hoạt động ở tổng công ty, cùng 9 công ty con và mạng lưới 55 chi nhánh trong và ngoài nước, khi du lịch trở về số 0, thực sự là thử thách với Vietravel.
Nhân dịp này, Zing đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel.
- COVID-19 được xem là sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới trong hơn ba thập kỷ trở lại đây, trong đó du lịch là nạn nhân đầu tiên. Ông sợ con virus này chứ?
Tôi vừa gửi đi lá thư cho tất cả thành viên. Trong thư, tôi gọi và tin toàn bộ nhân viên của mình sẽ là những chiến binh tháng 6. Bởi, đây là giai đoạn sống còn của Vietravel. Chúng tôi đang ở vạch xuất phát, chúng tôi đang phải khởi nghiệp lần 2, sau gần 25 năm vượt lên và khẳng định mình trên thương trường kinh doanh du lịch.
COVID-19 đã trả tất cả điều kiện cần phải có của ngành du lịch về con số 0. Không thị trường, không khách hàng, không hoạt động…, “size” ảnh hưởng của COVID-19 vượt xa dự báo và lớn hơn gấp nhiều lần so với SARS 2003 hay suy thoái kinh tế toàn cầu 2008…
Một con virus nhỏ có thể khiến 1/2 nhân loại ở nhà, tôi đương nhiên là… sợ. Ban đầu, tôi cũng có giây phút hoang mang, cố gắng tìm hiểu, giải thích xem chuyện gì đang xảy ra. Khi có đủ thông tin, nhận thức được dịch bệnh này chưa có tiền lệ, tôi biết, mình phải có những bước đi hết sức khẩn trương và cẩn trọng.
Vietravel là một trong những đơn vị kiến nghị đóng cửa biên giới ngay đầu tháng 3/2020 và kiểm soát các chuyến bay cũng như tiến đến giãn cách xã hội. Những kiến nghị này, đều ảnh hưởng trực diện đến du lịch, đến Vietravel. Tháng 3/2020 cũng là thời gian tôi chủ động đưa Vietravel vào giai đoạn “ngủ đông”.
- Quyết định này giúp Vietravel tiết giảm chi phí vận hành, vốn chiếm khá lớn trong bài toán kinh tế của tổng công ty?
Chúng tôi “ngủ đông” tích cực. Dù tạm dừng các hoạt động chính, Ban tiếp thị và xây dựng sản phẩm lại phải vận dụng toàn lực để xây dựng những chương trình tiếp thị thương hiệu bằng những hoạt động hướng đến cộng đồng, chung tay chống dịch, đồng thời thiết kế những sản phẩm đặc thù, đón đầu, kết nối mọi thứ sẵn sàng để ngay sau khi đất nước bước vào trạng thái bình thường mới là có thể tái hoạt động.
Du lịch quốc tế vẫn đóng băng nhưng ngành du lịch vẫn có cơ hội lớn là thị trường trong nước. Ngay sau thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu du lịch của người dân sẽ rất lớn, khách hàng sẽ chọn giải pháp du lịch quãng ngắn, các điểm đến an toàn.
Nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên ngay khi hoạt động trở lại, chúng tôi bắt nhịp rất nhanh, phục vụ hơn 10.000 lượt khách, với doanh thu gần 70 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần.
- Nghĩa là, chính sách kích cầu du lịch nội địa hậu COVID-19 của Nhà nước đã đón trúng điểm rơi?
Thị trường trong nước thực sự tiềm năng vì sở hữu lượng khách hàng lớn, thu nhập tương đối. Dù thực tế hạ tầng còn chưa tương xứng, phát triển điểm lưu trú nhiều hơn các dịch vụ du lịch, những điểm đến vốn được thiên nhiên ban tặng cũng đã thu hút hàng triệu lượt khách hàng/năm. Tính riêng Vietravel, mỗi năm, lượt khách nội địa của chúng tôi cũng đã lên đến hơn 500.000 lượt.
Chính sách kích cầu du lịch nội địa hiện nay triển khai có thể nói là kịp thời, nhưng chưa sâu sát. Để khởi động cho cả đoàn tàu du lịch, bao gồm các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, lữ hành, giải trí, ăn uống… cần có một bài toán tổng hoà, trong đó, các công ty lữ hành giữ vai trò đầu tàu.
Nếu chính sách kích cầu nội địa tiếp cận trực tiếp đến khách hàng, hiệu quả sẽ rõ rệt. Ví dụ, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ mỗi khách hàng du lịch trong nước 1 triệu đồng để mua tour. Con số này, Nhà nước không chi mà sẽ trừ thẳng vào quyết toán thuế cho các doanh nghiệp. Ai cũng biết, du lịch thu 3 thì xã hội thu 7.
Khách hàng mua tour du lịch, thấp nhất cũng từ 3 đến 5 triệu đồng. Khi đi, họ tiếp tục chi dùng ở các dịch vụ ăn uống, giải trí… sự lan toả kinh tế sẽ lớn dần, tạo điều kiện khôi phục guồng vận hành của các doanh nghiệp trong nước.
Thống kê của tổng cục du lịch cho thấy khách du lịch nội địa trong cả năm 2019 ước đạt 85 triệu lượt, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ thị trường trong nước đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018
Theo tính toán của Vietravel, từ tháng 5 đến tháng 8, du lịch nội địa có thể đạt 10 triệu lượt khách. Nếu kích cầu hỗ trợ cho 10 triệu lượt khách, mỗi khách 1 triệu đồng, nhà nước hụt thu chừng 10.000 tỷ nhưng có thể tạo doanh thu 30.000 tỷ cho du lịch và các ngành khác 70.000 tỷ đồng - một con số thiết thực, thúc đẩy chi dùng nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vực dậy sau giai đoạn khó khăn vừa qua.
- Ông tin tưởng bao nhiêu phần trăm vào bài toán kích cầu du lịch Vietravel đề xuất?
Tôi tự tin hoàn toàn với giải pháp kích cầu du lịch nội địa của Vietravel. Đây không phải là sáng kiến mới mẻ mà đã được kiểm chứng. Giai đoạn khó khăn 2003 và 2008, Nhật Bản đã áp dụng chính sách tương tự để phát triển du lịch nội địa trở lại với khoản hỗ trợ mà Nhà nước dành cho người dân lên đến 2/3 chi phí. Kết quả đạt được ngoài mong đợi, thị trường Nhật Bản quay trở lại, phát triển như chúng ta đã thấy.
Với điều kiện hiện có, Việt Nam không thể ứng dụng dập khuôn nên mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người dân là vừa đủ. Đây là hỗ trợ rẻ nhất, nhanh nhất, không chỉ dành cho kích cầu du lịch mà sẽ kéo theo rất nhiều doanh nghiệp ngành nghề khác cùng có điều kiện tái khởi động.
Tất nhiên, quả ngọt chỉ dành cho ai chăm cây, doanh nghiệp nào năng động, tích cực mới có thể tranh thủ được cơ hội từ thị trường này. Đến lúc thị trường đã có “trớn”, Nhà nước có thể giảm xuống mức hỗ trợ rồi sau đó là các ngành tự vận động. Khi đã có gia tốc, tất yếu bánh xe thị trường sẽ quay theo đúng quỹ đạo của nó.
- Những con số ông đưa ra rất dễ khiến mọi người cho rằng ông “đếm cua trong hang”?
Tôi từng nghe vài người bảo giải pháp mà Vietravel đề xuất là đếm cua trong hang đấy. Nhưng tôi không giận, cũng không quan tâm. Chỉ biết rằng, nếu chúng ta triển khai thì có thể đạt kết quả ấy. Còn không, chắc chắn chúng ta không đạt.
Có đi nhiều mới biết, tiềm năng phát triển du lịch quốc gia của Việt Nam không hề nhỏ. Chúng ta có tất cả điều kiện để biến Việt Nam thành điểm đến của thế giới. Nhưng trước khi làm thoả mãn khách quốc tế, chúng ta phải lấy được niềm tin của khách trong nước. Rõ ràng du lịch nội địa cũng còn nhiều hạn chế nhất định, cần phải được khắc phục.
Vietravel đang thực hiện chiến lược chia Việt Nam thành 5 khu vực phát triển trọng điểm để hình thành các tuyến du lịch đặc trưng như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Bình Định - Phú Yên - Khánh Hoà - Đăk Lắk; TP.HCM - Cần Thơ - Phú Quốc…
Những địa phương cùng tuyến du lịch có thể ngồi lại với nhau, cùng đưa ra các giải pháp kích cầu như giảm chi phí tham quan, đồng hành với khách trong nước. Rất may là đề xuất này được các địa phương hưởng ứng, triển khai. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự kết nối, liên kết vùng… để cùng nhau vượt khó.
Cũng không được quên, khách hàng ngày nay rất khác, họ tinh tế hơn, hiện đại hơn với du lịch ít “chạm”. Muốn phát triển du lịch, chúng ta phải nắm bắt được những thay đổi này.
- Ngày 3/4, Thủ tướng đồng ý thành lập Vietravel Airlines. Nhận được phê duyệt đầu tư trong bối cảnh cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, cảm giác ông thế nào?
Kế hoạch cho Vietravel Airlines đã triển khai khá lâu nhưng thời điểm nhận phê duyệt lại rơi vào đợt dịch Covid. Chúng tôi sẽ tận dụng “biến nguy thành cơ” bởi giai đoạn này ngành hàng không thế giới đang rơi vào khủng hoảng.
Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), sự kết hợp giữa huỷ chuyến bay và hạn chế nhập cảnh đã khiến công nghiệp hàng không lỗ khoảng 880 tỷ USD. Rất nhiều hãng hàng không lẫy lừng thế giới đứng trên bờ vực phá sản. Hiện có hơn 63.000 máy bay trên thế giới đang nằm bãi.
Với chúng tôi, đây lại là cơ hội. Sau dịch, chúng tôi sẽ thuê được máy bay với giá tốt. Xăng dầu thế giới cũng đang rẻ, giúp chi phí vận hành sau này của Vietravel Airlines cũng giảm. Quan trọng hơn cả, chúng tôi có cơ hội tiếp nhận được lực lượng lao động lành nghề, từ nguồn cắt giảm bắt buộc của các hãng hàng không khác trong dịch COVID-19.
Dự kiến, đầu năm 2021, Vietravel Airlines có thể bay lên bầu trời. Ngoài các đường bay phục vụ lữ hành, Vietravel Airlines cũng tham gia vận chuyển thương mại nhưng đây chỉ là mảng thứ yếu.
- Vietravel thì tái khởi nghiệp từ con số 0, Vietravel Airlines cũng ở điểm bắt đầu…, mức độ tự tin của ông thế nào cho những thử thách này?
Gần 25 năm, Vietravel trải qua không ít biến cố, ngoài thiên tai, dịch bệnh, suy thoái chung, chúng tôi cũng có giai đoạn khủng hoảng vị trí lãnh đạo, khiến hệ thống mất định hướng, mất khách hàng… nhưng mọi thứ cũng nhanh chóng quay về trục phát triển đúng với tiềm năng.
Nay, với COVID-19, tất cả vẫn còn nguyên, từ 25 năm kinh nghiệm cùng hệ thống đã kiện toàn và đội ngũ nhân lực “thiện chiến”. Thách thức này rõ ràng không đơn giản. Như việc Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé lại có thể khống chế tốt dịch bệnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái khởi động, nếu chúng ta quyết liệt, nỗ lực không ngừng, chúng ta sẽ thành công. Đã đến lúc bắt đầu lại. Tôi tin, Vietravel vẫn sẽ làm mọi thứ lại huy hoàng hơn trước.