551 tỷ đồng tiền phí ô tô ra vào sân bay của ACV xử lý như thế nào?
Bộ GTVT đề nghị không đưa vào ngân sách số tiền gần 551 tỷ đồng ACV đã thu của ô tô ra vào sân bay đưa/đón khách, giai đoạn 2012-2017.
Trước đó, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2012-2017, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thu gần 551 tỷ đồng tiền phí ô tô ra vào sân bay đưa, đón khách và kết luận phải xử lý thu hồi ngân sách.
Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất gửi Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị không xử lý kinh tế số tiền này. Do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách đúng quy định theo đề xuất của liên Bộ Tài chính - GTVT.
Liên quan tới số tiền gần 551 tỷ đồng mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không giai đoạn 2012 – 2017, trong một kết luận ban hành đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ từng nêu rõ: “21 Chi nhánh hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Trách nhiệm thuộc về ACV và 21 cảng hàng không”. Tuy nhiên, phía Thanh tra Chính phủ lúc đó đã không đưa ra kiến nghị xử lý về kinh tế đối với ACV.
Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thu phí phương tiện vào sân bay của ACV, Liên Bộ Tài chính - GTVT đã thống nhất kiến nghị, trước mắt không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012 - 2017 do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách, đóng thuế và hạch toán theo quy định.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Thanh tra Chính phủ đã kết luận ACV thu phí vào sân bay là sai vì hai lý do. Thứ nhất, ACV không phải nộp tiền sử dụng đất. Thứ hai, dịch vụ này không có trong danh mục giá dịch vụ phi hàng không thuộc thẩm quyền quyết định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Cơ quan chức năng đã chỉ ra việc thu phí vào sân bay là trái các quy định của pháp luật. Bản thân đất sân bay là đất công, ACV xây dựng đường dẫn nhưng không phải trả tiền sử dụng đất. Thực tế tới nay muốn xử lý triệt để việc này rất khó. "Bởi sau một thời gian dài người tiêu dùng chịu thiệt thòi vì khoản thu sai quy định của ACV, muốn trả lại tiền cho họ là không khả thi. Bản thân ACV cũng không thể giữ số tiền đó ở lại doanh nghiệp. Có lẽ vì vậy mà gần 551 tỷ đồng thu sai vẫn chưa thể xử lý”, ông Long nói.
Bình luận về phương án xử lý số tiền ACV thực hiện thu phí vào sân bay sai quy định, ông Long đề xuất nên đưa về ngân sách nhà nước. Từ đó, đầu tư trở lại vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các cảng hàng không người tiêu dùng được thụ hưởng.
Riêng với ACV, ông Long đề nghị, về nguyên tắc, doanh nghiệp đã làm sai thì cơ quản quản lý Nhà nước phải có chế độ xử phạt thích đáng. Không thể để xảy ra tình trạng biết sai vẫn cứ làm. Như vậy là coi thường kỷ cương, phép nước.
Nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ đã viện dẫn Luật Đất đai 2003 và 2013 để khẳng định khu vực đất xây dựng đường dẫn vào nhà ga không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Cụ thể, theo khoản 6, điều 33 Luật Đất đai năm 2003, nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau: "Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng các công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục - thể thao phục vụ lợi ích công cộng và các công trình công cộng khác không nhằm mục đích kinh doanh". Nội dung này cũng được quy định tại khoản 2, điều 54, Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, ACV không phải nộp tiền sử dụng đất nên thực hiện việc thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, Bộ GTVT nêu lý do ACV là đơn vị được nhà nước giao quản lý hệ thống 21 cảng hàng không trên cả nước và được giao đầu tư đường tầng, đường giao thông nội cảng, sân đỗ ô tô nên việc ACV thu phí dịch vụ là cần thiết để bù đắp vốn đầu tư cũng như duy tu, bảo trì, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không.
Luật sư Tạ Văn Phú, Công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, đây là đất mà nhà nước giao cho ACV, không thu tiền sử dụng đất nên khi các đơn vị thu phí, lệ phí phải đăng ký khung bảng giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, phải nêu rõ tỉ lệ trích nộp vào ngân sách nhà nước là bao nhiêu và mục đích tái sử dụng đầu tư là gì.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao ACV thu gọn mức đầu tư sân bay Điện Biên?
22:04, 25/08/2020
Vì sao ACV giảm tới 3 lần mức đầu tư sân bay Điện Biên?
11:14, 25/08/2020
ACV mong được cởi những “nút thắt” cơ chế
13:11, 30/05/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] ACV không thoát "vòng xoáy" sụt giảm
04:07, 11/04/2020
Kịch bản nào cho 'ông trùm sân bay' ACV trong năm 2020?
11:00, 05/03/2020
Kiến nghị truy thu tiền thuê đất của ACV vì thu phí đường dẫn vào sân bay
11:00, 14/01/2020