Apple “rẽ hướng” sang Việt Nam
Apple chính thức chuyển sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam. Dây chuyền trên dự kiến đi vào hoạt động năm 2021.
Cụ thể, Foxconn đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Vậy tại sao Foxconn chuyển hướng sang Việt Nam?
Đối với Foxconn, một công ty đa quốc gia tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường sử dụng nhiều lao động, chi phí lao động là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất.
Với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng, cộng với thời gian làm thêm giờ vào khoảng 1,7 – 2,8 triệu đồng, thu nhập hàng tháng của họ sẽ là 6 – 7 triệu đồng.
Trong khi Foxconn tuyển lao động tại Trung Quốc, lương tháng của lao động phổ thông khoảng 14 – 21 triệu đồng, vị trí càng cao sẽ lên tới 35 triệu đồng, cao hơn nhiều so với lương ở Việt Nam.
Theo ông Liu Young, Chủ tịch Foxconn cho rằng, việc di dời liên quan nhiều đến chi phí hơn là vì thương chiến. Trung Quốc đã tăng cường chuỗi giá trị về công nghệ, quy định chặt chẽ hơn và mức lương cao hơn cho nhân công và điều đó cũng đang khiến các công ty bỏ đi.
Nếu các tập đoàn đa quốc gia có thể tìm thấy một lực lượng lao động tương tự với dịch vụ hậu cần tốt, trong một môi trường thuế thấp và quy định cởi mở, họ sẽ đến đó.
Giới phân tích nhận định, việc Foxconn, Samsung và các công ty khác chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về “an ninh chuỗi cung ứng”.
Họ cho rằng, chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia RECP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) vào giữa tháng 11 năm nay, một tín hiệu rất tích cực trong việc mở cửa thương mại.
Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
“Mọi thứ đang thay đổi theo từng ngày do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, vì vậy rất khó để đưa ra bất kỳ bình luận về cung và cầu lúc này”, lãnh đạo một nhà cung cấp cho Apple nói.
Một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
COVID-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai.
Foxconn trên thực tế đã từng có “lời hẹn ước” rất lớn với Việt Nam, từ năm 2007. Vào thời điểm đó, sau khi đầu tư các dự án quy mô nhỏ ở Bắc Ninh và Bắc Giang, lãnh đạo của Foxconn đã tuyên bố sẽ đầu tư tới 5 tỷ USD tại Việt Nam.
Tháng 2/2008, Foxconn cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Sản xuất điện thoại di động, quy mô 200 triệu USD và KCN Bình Xuyên 2 trên diện tích 485 ha, vốn đầu tư 25 triệu USD.
Nhưng sau đó, kế hoạch bất thành. Sau nhiều lần trì hoãn xây dựng nhà máy, Foxconn đã bị thu hồi dự án sản xuất điện thoại di động. Kế hoạch đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên 2 cũng bị giảm quy mô từ 485 ha xuống còn 45,6 ha.
Foxconn cũng “lơ” luôn cả kế hoạch “phủ sóng” tại Việt Nam. Nhưng giờ đây Foxconn đang trở lại để thực hiện “lời hẹn ước” năm nào.
Có thể bạn quan tâm
Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển một số bộ phận sản xuất MacBook và iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam
14:48, 27/11/2020
“Huynh đệ tương tàn” giữa Foxconn và Luxshare!
05:04, 27/10/2020
Foxconn “bẻ lái” sang xe điện
13:19, 21/10/2020
Sự lựa chọn bất ngờ của Foxconn và Pegatron
05:04, 25/08/2020
Foxconn lên kế hoạch cho sự chia rẽ “không thể tránh khỏi” giữa Mỹ và Trung
07:19, 13/08/2020
Lý do Samsung, Foxconn và LG chọn đặt nhà máy ở phía Bắc?
15:16, 26/08/2019
Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp rắp tivi tại Quảng Ninh
00:00, 22/06/2019
Foxconn: Danh tiếng và tai tiếng
11:00, 19/04/2019