VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Tầm nhìn DOANH NHÂN và khát vọng DOANH NGHIỆP Việt toàn cầu
Sau 35 năm đổi mới, khát vọng về những doanh nhân có tầm và doanh nghiệp Việt toàn cầu đang được chính các doanh nhân bồi đắp bên cạnh những nỗ lực đổi mới từ Đảng và Nhà nước.
1.Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW để khơi dậy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân.
Nghị quyết nêu rõ: Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân trong khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một trưởng thành, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không những vậy, Nghị quyết cũng khẳng định: Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.Đến nay, sau 10 năm, Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh ngang ngửa với thế giới về sức phát triển, tốc độ vươn cao.., nhưng chúng ta chưa có một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân có năng lực vượt trội.
Đảng và Nhà nước đang giương cao ngọn cờ cải cách thể chế, đổi mới tư duy để nền kinh tế Việt Nam dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.
Thị trường thế giới đang cấu trúc lại, theo nghĩa chuyển dịch, làm mới bởi sự tham gia của công nghệ, chuyển đổi số và của các đợt xung đột thương mại, những thay đổi chính sách thương mại nhiều quốc gia… Mô hình kinh doanh trên thế giới thay đổi, tạo mới nhanh chóng.
Thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân, đang sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nắm ở vị trí thuận lợi…
Tất cả điều kiện trên đang mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt làm những điều chưa thể làm trong giai đoạn vừa qua, nhất là tạo nền tảng phát triển bền vững.
Cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm giàu, làm nên sức sống bền bỉ của nền kinh tế.
Đất nước sẽ không thể vượt khỏi bẫy thu nhâp trung bình, không thể thực sự chấm dứt giai đoạn chuyển đổi, trở thành nền kinh tế thị trường hoàn thiện nếu chúng ta không vượt khỏi được chất lượng thể chế trung bình. Doanh nghiệp Việt cũng không thể bứt phá, không thể thực sự sánh ngang với các nước nếu không được hoạt động trong một môi trường an toàn, minh bạch, bảo vệ sự sáng tạo.
Lúc này, cả nền kinh tế và doanh nghiệp cần một thể chế vượt trội, cần tư duy quản lý kinh tế 4.0, chứ không chỉ là các thể chế có tính phổ biến, theo thông lệ. Vì chấp nhận đi theo thông lệ, chúng ta sẽ lại đi sau; chọn vượt trội, chúng ta có cơ hội để vượt lên.
2. Công cuộc Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI (năm 1986) đã đánh dấu sự “hồi sinh” của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Thực hiện đường lối Đổi Mới của Đảng, năm 1990, Luật Doanh nghiệp ra đời. Năm 2004, theo đề nghị của Chủ tịch VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp (DN), Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10, ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Năm 2011, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân. Năm 2013, doanh nghiệp doanh nhân được Quốc hội hiến định trong Hiến pháp. Từ điển Tiếng Việt bổ sung thêm hai chữ “doanh nhân”. Đảng ta chủ trương xây dựng đội ngũ doanh nhân cùng với việc xây dựng giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Đó là những dấu ấn đáng tự hào.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ra Nghị quyết 10 khẳng định chủ trương xây dựng khu vực tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng, yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Doanh nhân được tôn vinh là người lính thời bình trong thời kỳ dựng xây đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi. Chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã chọn số 10 để đặt tên cho Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, đặt niềm tin kinh tế tư nhân sẽ tạo ra đột phát cho nền kinh tế thời hội nhập như vai trò “khoán 10” những năm đầu Đổi Mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì nói rằng: Doanh nghiệp, doanh nhân là động lực của nền kinh tế và khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân. Những thông điệp như vậy làm doanh nghiệp, doanh nhân ấm lòng.
Hơn ba thập kỷ qua, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rất đáng tự hào. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh. Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập.
Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường vì lợi ích của người dân. Chúng tôi thật sự cảm ơn Đảng, Nhà nước và tự hào về đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
3. Đại dịch COVID-19 tồn tại hai cuộc chiến. Đó là cuộc chiến vì sinh mệnh của con người và cuộc chiến bảo vệ sinh kế của người lao động.
Doanh nhân chính là chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ sinh kế cho người lao động, họ cũng chính là "lính thời bình" trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Chúng ta đặc biệt trân trọng các doanh nhân đã vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, chịu thua, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì doanh nghiệp, lo việc làm cho người lao động. Họ xứng đáng là những dũng sỹ, những anh hùng.
Dù còn rất gian nan nhưng tinh thần lạc quan, kiên cường, khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt cũng bừng dậy khi theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất mà VCCI thực hiện thì có tới 72,8% số doanh nghiệp Việt cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất trong 2021, chỉ có 17,3% có kế hoạch phải thu hẹp, tạm ngừng hoặc giải thể. Kết quả đó là thấp hơn nhiều so các năm trước, nhưng là tích cực trong bối cảnh có nhiều sóng gió hiện nay.
Thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp.
Thế giới đang định hình phương thức phát triển kiểu mới, dựa trên nền tảng cơ bản công nghệ số, dữ liệu lớn, siêu kết nối, vật liệu mới... Với năng lực khác nhau, dù sớm hay muộn hơn nhau, các quốc gia trên thế giới đều phải nhanh chóng từ bỏ con đường truyền thống để bước vào vạch xuất phát mới. Đây là cơ hội hàng trăm năm có một để chúng ta có thể bứt phá, bằng tư chất thông minh, sáng tạo, năng động, cần cù của người dân Việt Nam, bằng quyết tâm nỗ lực cải cách và đổi mới tư duy của những người đứng đầu cùng cả hệ thống chính trị.
Với các doanh nghiệp Việt, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng chuyển trạng thái từ "đóng băng" sang nắm bắt những thời cơ mới để phát triển. Có thể thấy, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, trong đó doanh nghiệp - doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất – kinh doanh và việc làm cho người lao động. Với những mục tiêu và khát vọng phát triển, khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh hơn, khát vọng trở thành những doanh nghiệp vươn tầm ra biển lớn, nhiều sáng kiến đã được doanh nghiệp triển khai, nhiều chiến lược thích ứng và phát triển đã được hình thành...
Đảng và Nhà nước đang tiếp tục khởi động một giai đoạn đột phá thể chế để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các chuẩn mực toàn cầu. Đó chính là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Vận hội mới cho Đất nước đang đến, thế nước chưa bao giờ vững mạnh và toàn diện như bây giờ. Chúng ta không được phép bỏ lỡ “chuyến tàu lịch sử”, để thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cách đây hơn 70 năm là đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang “sánh vai các cường quốc năm châu”.
Trên hành trình phát triển mới mẻ đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, doanh nhân đóng vai trò là một trong những ”tay chèo” chính, cùng các thành phần khác trong xã hội, đưa con tàu Việt Nam đến bến bờ thành công.
Đất nước đang hướng tới tầm nhìn 2045 - khi nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm. Nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ thịnh vượng, phồn vinh khi có một lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp cũng có tầm nhìn trăm năm…
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về "cam kết bảo lãnh ngân hàng có cũng như không"
16:48, 09/02/2021
Thủ tướng gửi thư đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam
05:53, 03/02/2021
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về cải tạo chung cư cũ
16:57, 11/01/2021
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về Bộ chứng chỉ công trình xanh
12:00, 21/12/2020
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về áp dụng công nghệ hiện đại trong phòng chống thiên tai
19:40, 17/12/2020
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về bê tông hóa các điểm du lịch
16:23, 15/12/2020
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở
17:37, 13/11/2020
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu, xử lý phản ánh của DĐDN về tình trạng "loạn" thị trường xe điện
17:30, 17/09/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp
17:10, 17/09/2020