Chuyển đổi số: Bài toán khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thực tế, việc chuyển đổi số trong bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn là một bài toán khó bởi lẽ đây là bộ phận còn yếu về công nghệ.
Chuyển đổi số trong bối cảnh hiện tại chính là yếu tố giúp cộng đồng doanh nghiệp “đổi vận” sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Cần minh bạch, tiết kiệm
Trong thời đại mới, việc chuyển đổi số vừa là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng tốc độ khôi phục, tăng trưởng kinh tế, vừa là chìa khoá để mở ra cơ hội phát triển thông qua tối ưu vận hành. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn khó khăn trong khi dịch COVID-19 vẫn còn đang tác động tiêu cực.
Thông qua công nghệ, mọi công việc đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian và công sức của doanh nghiệp lẫn khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với tính kế thừa trong hệ thống quản trị, tính tiện ích và hiệu quả quản trị được gia tang, từ đó mang lại đa lợi ích cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại đại bộ phận doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Việc chuyển đổi công nghệ, hướng đến chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn nên cần có một chính sách chuyển đổi số hợp lý để phía doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước nhận định vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là chuyển đổi số của Chính phủ. Theo ông Lĩnh, chuyển đổi số thực chất cũng chỉ là một phương tiện để các doanh nghiệp hoạt động ở thời điểm hiện tại và tương lai.
“Vấn đề quan trọng khi thực hiện phải đồng bộ, trong đó yếu tố con người mới là quan trọng nhất. Vàvấn đề là khi thực hiện sẽ như thế nào, có tốn kém hay không?”, ông Trần Văn Lĩnh nêu vấn đề.
Ngoài ra, ông Lĩnh cũng nêu ra ba điều kiện cần thiết để việc chuyển đổi số đạt được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra. Trong đó, thứ nhất là người đứng đầu phải thực sự có trách nhiệm, thứ hai là phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thứ ba là đồng bộ, phát triển trên toàn thể hệ thống của doanh nghiệp.
“Nhà nước cần nên làm, viết một phần mềm chung rồi bán cho toàn thểdoanh nghiệp. Như thế sẽ rẻ hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự mài mò để làm. Đặc biệt,phải làm với một tinh thần đầy trách nhiệm, đồng bộ, trên nhiều modern.Mỗi modern phù hợp với từng lớp doanh nghiệp thì như thế doanh nghiệp mới được hưởng lợi chung”, ông Trần Văn Lĩnh đề xuất.
Doanh nghiệp gặp khó
Trên thực tế, việc chuyển đổi số chỉ thành công nếu như toàn thể các doanh nghiệp cùng tham gia. Có nghĩa rằng công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập. Đồng thời, giá thành phải rẻ, dễ sử dụng, tiện ích để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và thay đổi.
Vì vậy, muốn phát triển, chuyển đổi nhanh thì cần phải có chính sách hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ cần đi lại gần với năng lực của doanh nghiệp nhiều hơn. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ khi đưa ra nên sát thực để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và phát triển.
Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng việc thay đổi cần phải đi theo từng bước, không vội vàng để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận được kể cả chuyển đổi số, công nghệ cao,... tất cả đều phải có bước khởi đầu. Ông Bình cũng cho rằng cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận, cơ hội chuyển giao nền kinh hiện hữu sang nền kinh tế số.
“Đổi mới công nghệ trong thời kỳ hiện tại các DNNVV vẫn chưa có công nghệ nên chưa thể đổi mới. Có khu công nghệ cao (CNC) nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được CNC thì rất khó bởi công nghệ thấp các doanh nghiệp còn chưa có thì rất khó để tiếp cận được CNC”, ông Phạm Bắc Bình nói.
Cũng theo vị này, cộng đồng DNNVV trên cả nước mong được quan tâm bởi vì đóng góp GDP hiện nay phần lớn vẫn là từ cộng đồng DNNVV. Nhưng thực tế DNNVV trong nước khá ít được quan tâm, kể cả luật DNNVV đã có nhưng vẫn còn đi rất chậm trong khi DNNVV mới là lực lượng chính đóng góp cho đất nước.
Do vậy, lực lượng này mong muốn có chính sách hỗ trợ, không phải hỗ trợ về tài chính mà là hỗ trợ về công nghệ để cộng đồng DNNVV tiếp cận được nền khoa học hiện đại, nền kinh tế số và họ bền vững đươc với ngành công nghệ cao. Nhất là công nghệ phụ trợ, trước đây đã có đề cập đến nhưng thực tế vẫn là không.
“Lâu nay chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng để chúng ta rước các công ty FDI thiên về du lịch, nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát thì chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều, bây giờ chúng ta quay lại công nghiệp nhưng cũng là công nghiệp CNC thì các DNNVV người ta vẫn rất loay hoay, chưa có cơ hội tiếp cận và phát triển. Phải có từ thấp đến bình thường, rồi đến cao như thế mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm