GÓC NHÌN DOANH NHÂN: Sáng tạo thật sự có tồn tại?
Sáng tạo - tiếng anh có nghĩa là "Create" - tạo ra. Khá nhiều doanh nghiệp hiện nay lấy "sáng tạo" là một trong những giá trị cốt lõi trong phát triển. Nhưng chúng ta có thực sự "tạo ra" điều gì?
Cá nhân tôi không quá kỳ vọng với từ “Sáng tạo” hay chính xác hơn là “Creative”, dù là DLS có làm về thiết kế và hàng năm chúng tôi cung cấp rất nhiều sản phẩm “sáng tạo” ra thị trường quốc tế. Nhưng phải thú thật là chúng tôi chẳng thực sự tạo ra cái gì. Chúng tôi gần như chưa bao giờ là người khởi đầu cho một thứ gì đó. Việc của chúng tôi chỉ là mang về một thứ gì đó và làm nó tốt hơn đối thủ.
Từ chuyện con Rồng đến Pinkfong và Baby Shark
Thử nhìn các sản phẩm “sáng tạo” từ xưa đến nay để nhìn thấy sự tài tình trong “lắp ghép". Ví dụ như Rồng, một sản phẩm “kinh điển” của trí tưởng tượng con người. Tính ứng dụng của hình ảnh Rồng trong hàng ngàn năm nay, kể cả đến thời hiện đại là cực kỳ “đại chúng”, từ chính trị, đến văn hóa, qua văn học, kiến trúc, điện ảnh… Từ Đông sang Tây, nhưng đặc biệt là trên khắp lục địa Đông Á, thật khó có một ngày bình thường mà không thấy hình ảnh của “Rồng”, hiện diện từ đình chùa miếu mạo, tranh, ảnh, phim, từ trang sức, phụ kiện cho tới áo thun cotton cho tới Hunter của Bitis...
Vừa vĩ đại lại vừa thân quen thế nhưng người ta đã tạo ra “Rồng” như thế nào?
Định nghĩa Rồng: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.
Vậy đấy, một huyền thoại hóa ra cũng là một bản remix thú vị đến không ngờ! Đấy là Rồng, rồi tiếp theo là Kỳ Lân (Châu Á) được định nghĩa là “Đầu rồng, thân thú”, lại tiếp tục một bản remix của remix.
Rồi tiếp theo Tỳ Hưu khá nổi tiếng trong “Long sinh cửu tử” cũng được mô tả là: đầu lân thân gấu, toàn thân được bao bao bọc bới lớp vẩy như rồng, trên đầu có sừng, lưng có cánh. Vậy đấy, nó lại là remix của remix của remix.
Nếu Rồng Lân là sáng tạo từ “truyền thuyết” xa xưa, thì bây giờ chúng ta sẽ xem thế giới hiện đại nghĩ thế nào về “Sáng tạo" nhé!
Steve Job - một người được thế giới công nhận là tượng đài về “sáng tạo” định nghĩa: “Sáng tạo chỉ là kết nối mọi thứ với nhau”. Giới hoạ sỹ nói riêng, giới nghệ thuật nói chung tuy luôn được coi là “giới tinh hoa sáng tạo” nhưng chính đại danh hoạ Picasso lại có câu nói nổi tiếng: “Good artists copy - Great artists steal”. “Lời tiên tri” này có lẽ chính là “tiền đề” của clone với copycat, không chỉ là “thuật ngữ” của ngành CNTT mà trên hầu hết các lĩnh vực của thời hiện đại, tất nhiên bao gồm cả nghệ thuật!
Nếu có thời gian, bạn có thể tìm hiểu về Baby Shark - một sản phẩm sáng tạo digital được nhiều người xem nhất mọi thời đại. Bạn sẽ thấy rằng về bản chất thì Pinkfong không phải người “tạo” ra Baby shark phiên bản đầu tiên. Họ chỉ là là người remix, hay nói đúng hơn là cải tiến, rồi tiếp tục cải tiến phiên bản cải tiến (để đạt được những thành công vang dội mà chúng ta dễ dàng kiểm chứng trên youtube).
Rõ ràng chúng ta đều nhận thấy trên thế giới cực kỳ hiếm những điều “thực sự mới” (hoặc thứ thực sự mới nó không có nhiều giá trị như chúng ta tưởng, nên khi đã nổi tiếng thì nó đã là phiên bản F(x) rồi). Vậy nên, “CREATIVE - SÁNG TẠO” có vẻ như chính là thứ “trong truyền thuyết”.
Còn hầu hết những sản phẩm mà chúng ta đang nghĩ nó được “sáng tạo" ra, thì thực ra đều là phẩm của “INNOVATIVE - CẢI TIẾN”.
Vậy động lực cho cải tiến đến từ đâu?
Hãy nhìn lại chuyện con Rồng – rõ ràng là nó được ghép từ những thứ con người “từng biết”. Và việc tạo nên Rồng không hề là “think outside the box”, mà là ghép các thứ trong “the box” vào với nhau để tạo ra. Tức là ghép những thứ mà chúng ta “đã biết” để tạo nên một thứ (có vẻ) mới.
Vậy đấy, kiến thức, hay nói chính xác hơn là trải nghiệm, chính là yếu tố tiên quyết của CẢI TIẾN. Và lưu ý là trải nghiệm này có thể đến từ bất kỳ điều gì. Trải nghiệm càng đa dạng, càng phong phú thì càng bổ trợ mạnh cho cải tiến. Bạn hãy học hỏi nhiều nhất có thể, thu thập nhiều trải nghiệm. Hãy biến mình thành một miếng bọt biển, sẵn sàng hấp thụ kiến thức mọi lúc mọi nơi.
Và hãy luôn nhớ rằng: trên thế giới vốn dĩ không có người giỏi sáng tạo, chỉ có người nhiều trải nghiệm hơn mà thôi!
Trải nghiệm là nền tảng, vậy điều kiện “đủ” của cải tiến, để biến trải nghiệm thành cái mới, là gì? Đó là động lực!
Trong cuộc sống có quá nhiều thứ chúng ta biết là làm sẽ tốt hơn nhưng vẫn không làm, chẳng phải là do thiếu động lực hay sao? Rõ ràng là tôi không ngại nhưng tôi cần một lý do để bắt đầu.
Về mặt logic, động lực đến từ việc biết rõ về hiệu quả của hành động. Tôi muốn làm, tôi biết rõ là tôi cần làm. Không có hiệu quả thì làm làm gì cho mất công!
Động lực của cải tiến cũng có thể đến từ việc “liều” hay nói đúng hơn là “không sợ sai”. Sợ sai là kẻ thù số 1 của cải tiến, hay nói chính xác hơn chính vùng an toàn (Comfort Zone) của bạn là kể thù của cải tiến. Lập luận là “thôi mọi việc vấn ổn mà, thay đổi làm cái gì. Nhỡ may thất bại thì sao?”.
Chúng ta phải học cách hiểu và vượt qua thất bại. Nên nhớ là “hiểu” chứ không phải là che dấu hay coi thường nỗi sợ của mình. “Hãy tin vào một ngày mai tương sáng”? Thế lỡ “Ngày mai tối thui” thì bạn sẽ xử lý thế nào?
Cách đúng để đối diện với nỗi sợ là “hiểu rõ”. Ví dụ, chúng ta hiểu rằng với kiến thức, trải nghiệm hiện có thì mình có thể thất bại 10 lần mới có 1 lần thành công. Vậy nếu 15 lần thất bại mà chưa có thành công thì điều tôi xem xét lại là kiến thức, trải nghiệm và mục tiêu của mình có phù hợp chưa? Chứ không phải “tự kỷ ám thị” là cứ nỗ lực theo một cách rồi kiểu gì mình cũng thành công!
Cần lưu ý là cải tiến - sáng tạo là một chạy marathon mà ngoài thể lực (Kiến thức) bạn cũng cần chuẩn bị tâm thế đúng nữa. Bạn không thể nào chạy như km tiếp theo là đích được, loại động lực đó chỉ duy trì cho bạn được 1 vài km mà không thể mang bạn đến cuối đường. Thẳng thắn với nỗi sợ, không tô hồng, không bôi đen nó là cách tốt nhất trên con đường cải tiến - sáng tạo.
Và khi đã thẳng thắn đối diện với nỗi sợ, bạn sẽ khám phá ra rằng, động lực lớn nhất của hành trình cải tiến chính là “sợ chết”. Thật đấy! Và trong kinh doanh thì chúng ta gọi là phá sản.
Thiếu sự “sợ chết” cũng là lý do kinh điển cho sự quan liêu khi doanh nghiệp phát triển lớn. Tại sao có những doanh nghiệp lớn lại thấy ít đổi mới, cải tiến hơn doanh nghiệp bé? Có phải thật sự do họ quá lớn không? Chưa chắc! Hãy tự hỏi tại sao Pepsi lại phải có Coca? Và tại sao 2 ông “siêu lớn" này phải cải tiến liên tục? Nếu không có Coca thì liệu Pepsi có thể trường tồn hay không?
Trở lại câu chuyện về case của Pinkfong, bạn sẽ thấy họ có đủ cả các loại động lực trong lần cải tiến thứ 2 của Babyshark: Sự sắc bén trong logic khi họ “sense” được tiềm năng của video cũ dựa trên những hiểu biết vốn có trong lĩnh vực công nghệ, kèm theo nỗi sợ sâu sắc về việc chuẩn bị phá sản!
Đại hành trình không hồi kết
Doanh nghiệp của tôi cũng vậy, châm ngôn của DLS là: “First we clone and then we innovative”. Cải tiến, thay đổi, làm mình tốt hơn mỗi ngày với một tốc độ thật nhanh. “Chúng tôi thật sự chẳng tạo ra thứ gì quá khủng khiếp. Bên trong DLS chỉ là hàng trăm, hàng nghìn cải tiến được thực hiện, mỗi ngày.
Còn bạn thì sao. Nếu bạn là Pinkfong thì sau khi cải tiến bạn sẽ tiếp tục làm gì? Bao nhiêu người sẽ dừng câu chuyện Baby Shark để tìm tiếp “Baby Dog, Baby Cat” và tiếp tục trong hành trình “biến cát thành vàng”?
Bao nhiêu người sẽ tiếp tục phát triển Baby Shark của mình lên như Pinkfong để “biến vàng thành kim cương”?
Bởi vậy, “cải tiến” là một đại hải trình mà có lẽ chúng ta không bao giờ đi đến đích…
Có thể bạn quan tâm
Tạo cơ hội cho thanh niên tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
04:04, 31/01/2021
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm
04:56, 29/01/2021
Vai trò của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học
10:30, 28/01/2021
Đổi mới sáng tạo để giải bài toán năng suất: Giải pháp căn cơ
05:00, 23/01/2021
Đổi mới sáng tạo để giải bài toán năng suất: Nâng “chất” nguồn nhân lực
11:00, 22/01/2021
Đổi mới sáng tạo để giải bài toán năng suất: Động lực từ... “động cơ số”
11:00, 21/01/2021
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển
03:58, 17/01/2021
Đổi mới sáng tạo - “chìa khoá” thành công!
14:10, 09/01/2021