Hà Nội "gỡ vướng" cho các doanh nghiệp trên địa bàn

Nguyễn Minh 10/03/2022 19:38

Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh..., những vướng mắc về thuế, BHXH, vốn vay start-up… của doanh nghiệp, tại “Chương trình Cafe Doanh nhân” được TP.Hà Nội kịp thời tháo gỡ.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phát biểu tại “Chương trình Cafe Doanh nhân”.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phát biểu tại “Chương trình Cafe Doanh nhân”.

Với sự tham gia của  hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tại Chương trình “Cafe Doanh nhân – Số 1/2022” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) thay mặt các Sở, ban ngành TP.Hà Nội khẳng định: ““Chương trình Cafe Doanh nhân” nhằm tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở và thân thiện giữa chính quyền Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; Lắng nghe và tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị, từ đó kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân

>>>Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý: Doanh nghiệp Việt "mất quyền kiểm soát"

“Nút thắt” cần “gỡ”

Là doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng máy móc cơ khí sang Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc cũng như xuất khẩu dịch vụ thiết kế hệ thống cơ điện tử, ông Hoàng Mạnh Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Fumee Tech cho biết: Hiện sản phẩm dịch vụ Công ty xuất khẩu sang các nước giảm lợi nhuận, kém cạnh tranh bởi, công ty đang phải chịu thuế 2 lần (Tại Nhật Bản Công ty phải nộp thuế nhà thầu nước ngoài là 20,42%, Indonesia đang phải chịu thuế 20%).

“Để tránh đánh thuế 2 lần, không phải nộp thuế nhà thầu tại nước sở tại, đối tác có gửi mẫu xác nhận đơn vị nộp thuế tại Hà Nội, Việt Nam. Chúng tôi có mang lên để nhờ cơ quan thuế xác nhận, tuy nhiên cơ quan thuế không xác nhận, dù nội dung đơn giản chỉ là công ty chúng tôi đang thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam” ông Trung bức xúc.

Ở góc độ khác, bà Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty CP tư vấn Lawpro kiến nghị: Công ty hiện đang gặp khó khăn vì, nhiều số nợ khó đòi thậm chí không thể đòi. Nếu không xuất hoá đơn thì không thể yêu cầu khách hàng thanh toán nợ. Do đó với cơ chế hiện nay, khi vướng phải nợ khó đòi thì doanh nghiệp vừa có khả năng mất tiền (do không thu được nợ) vừa phải lo khoản tiền để nộp thuế trên cơ sở tạm tính theo doanh thu đã xuất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dẫn đến phải tái cơ cấu lại doanh nghiệp giảm lương người lao động nhưng Công ty vẫn phải chịu nghĩa vụ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên mức thu nhập cũ đang đóng mà không được điều chỉnh theo mức giảm. "Đề nghị cho phép doanh nghiệp điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp thực tế”. bà Nga nói.

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng, Cục thuế TP.Hà Nội trả lời kiến nghị, đề suất của các doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng, Cục thuế TP.Hà Nội trả lời kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan lĩnh vực thuế.

Liên quan đến start-up, TS.Nguyễn Tuấn Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Blacasa Việt Nam than rằng: Công ty khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp start-up chưa có tài sản thế chấp. Vì hiện tại các khoản vay cho doanh nghiệp đều yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp. Một số doanh nghiệp có sở hữu trí tuệ hoặc hệ thống công nghệ thông tin thì khó để định giá vay vốn.

“Thành phố cần xây dựng một quỹ vay start-up chuyên cung cấp những khoản vay tín chấp dễ tiếp cận đối với doanh nghiệp start-up, đặc biệt là khởi nghiệp trong giáo dục - một trong những lĩnh vực mang lại giá trị lớn cho cộng đồng” ông Nam đề xuất.

>>>Lệch pha cung - cầu: “Cơn khát” đất nền, nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM

Hoá giải vướng mắc doanh nghiệp

Với tinh thần cởi mở và thân thiện, những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp được các cấp chính quyền TP. Hà Nội lắng nghe, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ. Cụ thể, đối với vướng mắc lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng, Cục thuế TP.Hà Nội cho hay: Thực tế Việt Nam đã ký các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 80 quốc gia. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam khi  tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài có xác nhận đã thực hiện nhiệm vụ thế tại nơi công ty cư trú để được giảm trừ phần thuế công ty đã đóng thuế.

Theo đó, căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Căn cứ khoản 3, Điều 70 Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính quy định về xác nhận thực hiện nghĩa vụ thuế. Hàng năm ngành thuế xác nhận rất nhiều cho doanh nghiệp và cũng đảm bảo thời gian xác nhận không quá 7 ngày theo quy định.

“Công ty làm theo mẫu 06 theo Thông tư 80 của bộ Tài Chính và gửi đến cơ quan thuế, ngành thuế Hà Nội cam kết sẽ thực hiện không quá 7 ngày” ông Trường khẳng định.

Về đề xuất, kiến nghị đối với các khoản nợ phải thu khó đòi, ông Trường giải thích: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, hóa đơn là một trong các bằng chứng của việc mua bán hàng hóa dịch vụ giữa hai bên, là cơ sở để doanh nghiệp kê khai nộp thuế, hạch toán các doanh thu, chi phí thực tế phát sinh; đồng thời là bằng chúng, cơ sở để các bên giải quyết các tranh chấp dân sự hoặc ra tỏa (nếu có)

Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi thì được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính và khoản trích lập dự phòng này được tính vào chi phí khi tính thuế TNDN theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015.

Cũng theo ông Trường, nếu doanh nghiệp nợ thuế mất khả năng thanh toán do khách hàng không trả tiền, bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, căn cứ quy định tại Điều 134 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, doanh nghiệp có thể cung cấp các thông tin và hồ sơ có liên quan để cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ theo quy định pháp luật.

Với vướng mắc trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động tại các doanh nghiệp có khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19., ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội chia sẻ: Doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 thì hoàn toàn có thể báo giảm thấp bằng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Điều này được thể hiện Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ LĐTB&XH về việc hưởng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19; Công văn số 264/QHLĐTL-TL ngày 15/6/2021 của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương hưởng dẫn về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan địch đến dịch bệnh Covid-19.

Đối với viêc tiếp cận nguồn vốn  vay start-up Công ty CP Blacasa Việt Nam nêu, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển TP. Hà Nội nhìn nhận: Tùy thuộc vào từng dự án cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển địa phương xem xét, sử dụng các biện pháp đảm bảo tiền vay theo quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư chỉ sử dụng duy nhất biện pháp thế chấp tài sản hình thành trong tương lai thường sẽ không đủ để đảm bảo cho khoản vay, do tài sản này có tính chất đặc thù, tính thanh khoản thấp, tính pháp lý không cao. Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tế, Chủ đầu tư cần lựa chọn biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp để đủ đảm bảo cho giá trị khoản vay.

Việc cho vay ưu đãi đối với các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019 của Thành phố về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” thuộc phạm vi hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ được giao Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố quản lý. Hiện Quỹ đang phối hợp với liên ngành hoàn thiện cơ sở pháp lý (về quy trình, đối tượng, điều kiện,...) để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Các vướng mắc trong quá trình vay vốn, Quỹ sẽ xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể của doanh nghiệp. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, Quỹ sẽ tổng hợp, báo cáo liên ngành, Thành phố xem xét, giải quyết kịp thời.

“Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như tổ chức Blacasa Việt Nam cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ đầu tư vì đã nằm trong đối tượng cho vay. Chỉ cần tổ chức có đề nghị vay vốn. Việc vay vốn phục vụ cho dự án đầu tư được phê duyệt theo quy định pháp luật”, ông Hiệp bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Lệch pha cung - cầu: “Cơn khát” đất nền, nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM

    Lệch pha cung - cầu: “Cơn khát” đất nền, nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM

    14:03, 10/03/2022

  • Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030: 4 vấn đề cần lưu ý

    Lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030: 4 vấn đề cần lưu ý

    03:00, 10/03/2022

  • Hà Nội lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch

    Hà Nội lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch

    20:00, 09/03/2022

  • Vinhomes Oscars Night vinh danh những đại lý bất động sản xuất sắc nhất khu vực Hà Nội

    Vinhomes Oscars Night vinh danh những đại lý bất động sản xuất sắc nhất khu vực Hà Nội

    09:15, 09/03/2022

Nguyễn Minh