TP Hà Nội còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành, như quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập...
>>Nữ đại biểu Quốc hội: Thể hiện trí tuệ, bản lĩnh với các vấn đề quan trọng của đất nước
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải cho biết về việc giám sát công tác quy hoạch Hà Nội, ngày 9/3.
Ngày 9/3, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Thành phố Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự cuộc làm việc.
Theo báo cáo, Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu.
Thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định; lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt.
Với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trái tim của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, Thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch.
Đến ngày 7/3 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, như vậy dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng Hà Nội là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải cho biết, TP Hà Nội còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành, như quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập;14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo.
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành và cũng chậm, hiện đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, mới được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh.
Với tiến độ như thế sẽ tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là rất lớn, càng chậm thì càng cản trở sự phát triển không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nền kinh tế.
Đặt câu hỏi cho lãnh đạo TP Hà Nội trong việc chậm lập quy hoạch, các ý kiến của đoàn giám sát đã nêu nhiều vấn đề, như Hà Nội cần làm rõ việc điều chỉnh những nội dung gì và chất lượng của việc sau khi điều chỉnh có phù hợp với các quy định của pháp luật, có làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật hay không; đồng thời đặt câu hỏi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
>>Chủ tịch Quốc hội: Khâm phục kỳ tích của các “cô gái vàng” bóng đá Việt Nam
Về sự lúng túng của TP Hà Nội trong việc lập quy hoạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan nêu ý kiến: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, các văn bản hướng dẫn đã tương đối đầy đủ. Bây giờ chỉ có tổ chức thực hiện, không vướng gì”.
Nhưng thành phố Hà Nội lại cho rằng, vẫn vướng và vẫn cần phải có sự hướng dẫn. Vậy cụ thể, lúng túng vấn đề gì, do văn bản hướng dẫn thiếu hay là do yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác lập quy hoạch của Thủ đô chúng ta đặc thù, yêu cầu cao hay là do các văn bản hướng dẫn không cụ thể. Đề nghị chúng ta nói rõ thêm về nội dung này.
Trả lời những câu hỏi của các thành viên đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Dương Đức Tuấn cho rằng, hệ thống luật pháp về quy hoạch còn thiếu thống nhất, đồng bộ và có sự mâu thuẫn, đây là lý do chính mà Hà Nội chậm trễ trong việc thực hiện việc quy hoạch. Nội hàm của Luật quy hoạch chưa thẩm thấu được vào nội hàm của Luật quy hoạch đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: "Đối chiếu với hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, các loại vùng, các loại ngành, để dẫn tới tỉnh mà tỉnh quy hoạch thành phố Hà Nội, tức là quy hoạch Thủ đô theo cách gọi của Luật quy hoạch, chúng tôi chưa nhận được định hướng nào. Mà định hướng ở đây là dựa vào định hướng hệ thống quy hoạch cũ đã có, nhìn về khả năng điều chỉnh phát triển của nó, để điều chỉnh định hướng mới. TP rất lúng túng về vấn đề này".
Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.
Đoàn giám sát ghi nhận báo cáo của Hà Nội với nội dung chi tiết, là một trong những báo cáo tốt mà Đoàn giám sát nhận được. Đoàn giám sát sẽ ghi nhận, tiếp thu tất cả khó khăn, vướng mắc, kiến nghị mà Hà Nội nêu; đồng thời đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo và kiến nghị cụ thể hơn, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tế của Thủ đô trong công tác chuẩn bị quy hoạch và triển khai đồng bộ.
Về việc thúc đẩy theo các mốc thời gian, do thời gian còn rất ít nên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan hữu quan phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là chất lượng của công tác tư vấn, thẩm định.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đoàn giám sát sẽ đánh giá khách quan, đúng tình hình và nêu những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện Luật quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
19:28, 08/03/2022
15:37, 08/03/2022
16:54, 04/03/2022
17:26, 28/02/2022
16:16, 21/02/2022
18:52, 19/02/2022
18:25, 11/02/2022
01:26, 10/02/2022