LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Liên kết phát triển chuỗi dịch vụ
Trong cấu thành giá thành một sản phẩm nông sản xuất khẩu có 1 chi phí “cao, bất hợp lý”, chiếm tới 30%, đó là chi phí tiếp vận.
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Giải pháp cấp bách để phát triển bền vững
Chia sẻ tại Diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long do VCCI, UBND Cần Thơ chỉ đạo, VCCI Cần Thơ, VLA và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức, ông Phạm Tiến Hoài – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên thông tin công ty ông có trên 10 năm đầu tư cho ngành chế biến nông sản, xuất qua 30 nước trên thế giới, thị trường Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, v.v. và nhận thấy, trong cấu thành giá thành một sản phẩm nông sản xuất khẩu có một chi phí cao, bất hợp lý, chiếm tới 30%, đó là chi phí tiếp vận.
Ông lấy ví dụ, đường đi xuất khẩu một trái khóm qua nhiều công đoạn, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hoạch, rồi người nông dân phải vận chuyển tới 1 cơ sở đóng gói, sau đó lại vận chuyển tới một cơ sở chiếu xạ để tiệt trùng, qua bảo quản kho và xuất đi. Có quá nhiều công đoạn phải xử lý.
Ông Lưu Hoàng Khoa, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Koina Investment Group (Koina) cũng có ý kiến tương tự, ông cho biết quy mô thị trường nông sản nội địa Việt Nam đang rất lớn. Hiện có khoảng 17 triệu tấn nông sản mỗi năm. Trong đó, có khoảng 15 triệu tấn rau và 8 triệu tấn trái cây. Trung bình mỗi người ở vùng tiêu thụ sẽ tiêu thụ 153kg rau và 77kg quả/năm.
Do đó, việc tiêu thụ trong thị trường nội địa rất lớn. Với tư cách một công ty chuyên về nông sản, Koina rất mong muốn là đầu tư sâu vào thị trường nội địa. Cùng với đó là bài toán tiếp vận, phân phối sản phẩm từ người nông dân tới tay người tiêu dùng mà Koina phải giải quyết.
Để giải bài toán đó thì cần phải xử lý rất nhiều khâu, ví dụ liên kết với nông dân, thu hoạch, đóng gói, sơ chế, vận chuyển sau đó đưa về các vùng tiêu thụ, v.v., đó là một quá trình rất dài. Để làm được điều đó, nếu chỉ Koina thì không thể thay thế hết các chuỗi. Do đó, mục tiêu đặt ra là phải tối ưu về mặt vận hành. Vì cứ qua mỗi khâu hiện tại thì giá thành và chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều.
Ngoài ra, theo ông Khoa, khâu quan trọng nhất là sản xuất hiện rất nhỏ lẻ. Do vậy, nếu tổ chức được quy mô thì có thể liên kết được nhiều hộ nông dân lại, cơ giới hóa được tốt hơn. Khi tăng được hiệu quả đầu nguồn như thế thì sẽ tăng được hiệu quả của toàn chuỗi.
Ông Đặng Anh Diệp – Phó Giám đốc Chi nhánh Tân cảng ĐBSCL cho biết ĐBSCL chiếm đến hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo, 75% sản lượng trái cây, 65% thủy hải sản. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nông sản vẫn chưa đạt được kì vọng.
Hiện nay, luồng kênh Quan Chánh Bố đã bị bồi lắng từ đầu năm 2018 đến nay, dẫn đến tuyến luồng chỉ còn 3m so với thiết kế 6,5m, không đảm bảo cho các tàu có trọng tải trên 7.000 tấn có thể lưu thông vào. Như vậy, để chúng ta có thể chờ đợi vùng ĐBSCL đón được tàu lớn quốc tế trong thời gian tới là chưa khả thi.
Hầu hết các container rỗng đều tập kết tại khu vực Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn là khu vực Cái Mép. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu thường mất từ 2-3 ngày để chuyển container rỗng xuống khu vực ĐBSCL để đóng hàng khiến cho thời gian đóng hàng và chi phí tăng cao.
Để tối ưu và giảm chi phí tiếp vận cho vùng ĐBSCL, ông Hoài nêu tầm quan trọng của một trung tâm chuyên cho nông sản xuất khẩu. Trung tâm này có thể gọi là một điểm đến đa dạng dịch vụ, bao gồm tất cả các dịch vụ để mục tiêu là hỗ trợ làm sao cho người nông dân tiếp xúc được trực tiếp với thương nhân, kinh doanh nông sản và với đối tác nước ngoài.
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Năm giải pháp để phát triển
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Thời điểm" vàng" trong giai đoạn 5-10 năm tới
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Góc nhìn từ vùng "gạo trắng, nước trong"
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Hạ tầng cảng biển là một yếu tố quan trọng
Tuy nhiên, để phát triển nhiều trung tâm tiếp vận thì ngoài những chính sách của chính quyền địa phương, chính phủ cần những chính sách mạnh mẽ hơn, chuyên sâu hơn. Những chính sách đó để hỗ trợ cho 4 nhà: Nhà Nông: người nông dân khi tới những vựa thu mua, tập trung đưa về trung tâm cần có những chính sách, hỗ trợ chi phí vận chuyển đến trung tâm, hỗ trợ chi phí bảo quản kho lạnh, có những lớp đào tạo, tập huấn để họ kiểm soát được chất lượng nông sản, kiểm soát được dư lượng chất bảo vệ thực vật. Hỗ trợ những thương nhân kinh doanh nông sản (nhà sản xuất). Khi họ tập trung tới các trung tâm, ngoài những chính sách của địa phương họ phải được hưởng những chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được tiếp cận những lớp tập huấn để đào tạo, được tiếp cận những chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài. Đối với nhà nhập khẩu: Chính phủ cần những chính sách đối với ngành tiếp vận hãy tính giá sản xuất đừng nghĩ nó là giá thương mại dịch vụ.
"Cần sự đồng lòng, quyết tâm của 3 nhà: nhà nông – kinh doanh – nhà nhập khẩu" - ông Đặng Anh Diệp nói và đề xuất 3 giải pháp chính: Thứ nhất, Tổng công ty tân cảng Sài Gòn đang liên kết hãng tàu Maersk, bao gồm vận chuyển bằng đường, thủy bộ kết hợp cho việc đưa container rỗng xuống khu vực Tân Cảng Cái Cui. Sản lượng từ đầu năm 2021 đến nay là gần 2.000 container cho sản lượng đóng hàng nông sản.
Thứ hai, cung cấp các dịch vụ trọn gói bao gồm cả dịch vụ lấy rỗng bằng đường thủy. Như vậy, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn làm địa điểm đóng hàng, tập kết hàng hóa cũng như một số giải pháp dự phòng để đảm bảo chủ động các chi phí phát sinh.
Thứ ba, là giải pháp về hàng lạnh. Hiện tại, ở Cái Cui, Tân cảng đang có 60 ổ cắm lạnh có thể hỗ trợ, kết nối với tất cả các khách hàng lạnh ở khu vực này để sử dụng và kết nối với khu vực cảng ở TP Hồ Chí Minh, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.
Ông Tôn Thất Anh Minh, TGĐ Công ty CP ASEAN Cargo Gateway đề xuất, nên có một chuyến bay vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ Cần Thơ đi đến các nước. Vì đặc thù của hàng nông sản là thời hạn sử dụng ngắn, dễ hư hỏng. Vì vậy, khi đưa hàng hóa vào tiêu thụ càng sớm thì giá trị càng tăng. Đặc biệt, đường bay sẽ giúp cho hàng hóa nông sản Việt Nam đa dạng hóa thị trường, chánh bị lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư
Ông Võ Quan Huy – PCT VIDA, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An kiến nghị: Nông nghiệp Việt Nam còn đang nhỏ lẻ, Chính phủ cần phổ biến các cách làm mới, khuyến khích người nông dân liên kết. Thay đổi tư duy nhỏ lẻ bằng tư duy liên kết.
Về chính sách, ông Huy kiến nghị ban hành một chính sách đủ mạnh tạo chuỗi liên kết. Từ người trông tới thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đi bán, xuất khẩu, v.v.. Hình thành một chuỗi đủ mạnh như vậy thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh, bền vững, thậm chí là giảm chi phí. Ngoài ra, một sàn thương mại điện tử về nông sản cũng sẽ là một giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí tiếp vận.
Có thể bạn quan tâm
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Bảy đề xuất phát triển toàn diện và liên kết vùng
10:02, 26/05/2022
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Hạ tầng cảng biển là một yếu tố quan trọng
09:42, 26/05/2022
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Góc nhìn từ vùng "gạo trắng, nước trong"
09:38, 26/05/2022
LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam
09:30, 26/05/2022