Đà Nẵng: Doanh nghiệp lao đao vì giá xăng, dầu
Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng, dầu hiện tại tăng cao đã tiếp tục “giáng đòn” xuống cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đang trên đà nỗ lực phục hồi.
>>Bình ổn giá vật liệu xây dựng
Nỗi lo xăng, dầu tăng định kỳ
Trong giai đoạn giá xăng, dầu tăng mức kỷ lục, ngoài ngành vận tải thì thủy sản được đánh giá là nhóm ngành chịu tác động mạnh. Bởi lẽ nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt ở ngoài khơi nên khi xăng, dầu tăng giá sẽ làm đội chi phí của nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng rất khó để có thể tăng giá thành sản phẩm. Để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho đối tác, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu cảnh cắt lãi để “giữ mối” và đẩy mạnh tiêu thụ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản bị ảnh hưởng lớn. Trong đó, ông Lĩnh phân tích rằng một phần do thời tiết nhưng nguyên nhân chính do giá xăng, dầu tăng đột biến khiến ngư dân ngại ra khơi.
“Khi giá xăng tăng đến mức kỷ lục như thời gian qua thì tình hình ngày càng ảm đạm hơn ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Ngoài ra, còn hàng loạt khó khăn khác như giá thành xuất khẩu sản phẩm thành phẩm không tăng, trong khi giá USD đang giảm, lãi suất vay ngân hàng tăng đè nặng doanh nghiệp vì hầu hết đều vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng không can thiệp giá xăng, dầu sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến không chỉ lĩnh vực vận chuyển mà nhiều lĩnh vực khác”, ông Trần Văn Lĩnh nói.
Cùng với ngành thủy sản, nhóm ngành sản xuất sản phẩm hóa chất, cao su cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá nguyên, nhiên liệu leo thang. Không chỉ là giá xăng, dầu mà hàng loạt nguyên vật liệu như sắt, thép, nhôm kính cũng liên tục “phi mã” đã khiến doanh nghiệp đau đầu
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho hay khi giá xăng tăng khiến hàng hóa đồng loạt tăng giá, người dân thắt chặt chi tiêu nên việc kinh doanh tại thị trường nội địa của công ty giảm sâu. Cùng với đó, ông Nhựt cho rằng các chi phí logistics tang cao cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
“Để xoay xở với tình hình này, DRC đang tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu”, vị này cho biết.
Khó khăn chồng chất
Theo ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng thời gian qua các chi phí sản xuất và vận chuyển của công ty đều bị đội lên so với cuối năm 2021. Ông Trinh cho rằng nguyên nhân chính là do dầu - nguyên liệu để pha chế sơn PU phun lên gỗ tăng qua cao. Cùng với đó là cước xe container từ công ty (quận Cẩm Lệ) đến cảng Đà Nẵng để xuất khẩu cũng tăng tăng 20%.
“Giá xăng, dầu tăng khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chưa kể đến các dịch vụ như vận tải, phí thuê kho bãi cũng tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất khó tăng giá sản phẩm vì nếu hàng hóa có giá bán cao thì doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp đầu ra đối với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu”, ông Huỳnh Trinh nhìn nhận.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc giá xăng, dầu tăng nhanh với biên độ lớn dẫn đến doanh nghiệp khó tính toán việc sản xuất, kinh doanh do đa số đơn hang. Bởi lẽ, các đơn hàng mà doanh nghiệp và đối tác ký hợp đồng đều được thực hiện trước từ 2-10 tháng.
Những biến động giá xăng, dầu khi đàm phán, ký kết với đối tác bạn hàng cũng đã được tính đến trong biên độ biến động giá của hợp đồng, cùng với giá nhân công, giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, đến nay, biên độ tăng của giá xăng, dầu nằm ngoài tính toán của doanh nghiệp nên nhiều đơn vị rơi vào thế có nguy cơ lỗ hoặc hòa vốn khi thực hiện các đơn hàng.
Bên cạnh đó, nỗi lo chi phí vận tải lại đè nặng doanh nghiệp với khả năng một đợt điều chỉnh giá mới sắp tới và tình trạng thiếu container vẫn chưa được khắc phục. Chưa kể đến, dự báo giá xăng, dầu trong những phiên điều chỉnh sắp tới có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng thông tin các doanh nghiệp đều phải tính toán cắt giảm những khâu không quan trọng, giảm chi phí sản xuất để duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện tại. Ông Bình cho rằng một số doanh nghiệp có nguồn lực sẽ chủ động trong việc dự trữ nguyên vật liệu, đa dạng nguồn cung… tuy nhiên, các giải pháp trên không thể thực hiện trong lâu dài.
“Chưa có giải pháp nào tối ưu cho sản xuất, kinh doanh trong tình hình này, hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang chờ chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục khôi phục, phát triển sản xuất”, ông Phạm Bắc Bình chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm