Xuất khẩu thủy sản đối mặt với ba thách thức lớn trong nửa cuối năm
Khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào là ba thách thức cho xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm 2022.
>>Việt Nam – EU: Thông qua EVIPA và tháo gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản
Sau gần 2 năm khó khăn vì dịch COVID-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng nổ mạnh, nguồn cung không đủ đáp ứng, lạm phát cũng gia tăng. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thủy sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đến cuối tháng 5/2022 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thủy sản.
Mặc dù tình hình xuất khẩu đang rất khả quan, song theo nhận định của VASEP, xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt với ba thách thức lớn trong những quý cuối năm. Đó là sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng.
Đơn cử như mặt hàng tôm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, các đơn hàng xuất khẩu thời điểm này là đơn hàng đã ký trước và trong giai đoạn dịch Covid-19, giá xuất chưa bù đắp được sự tăng chi phí sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp đã và đang phải đàm phán điều chỉnh giá theo tỉ lệ đơn hàng để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
>>Quảng Ninh: Phát triển công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản
Giá xuất khẩu tôm dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có thể tăng vọt, nhất là đến cuối quý III. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, thời điểm cuối năm là lúc đã qua vụ thu hoạch của các vùng tôm nguyên liệu trong nước. Do vậy, người nuôi và các doanh nghiệp chế biến trong nước không tận dụng được cơ hội này.
Cùng với sự khan hiếm nguồn cung thì các thị trường chắc chắn sẽ lại chú trọng kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc như "thẻ vàng IUU" mà châu Âu đang gắn cho sản phẩm thủy sản từ Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng cũng là những thách thức lớn với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 9,5 - 10 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt khoảng 4,1 - 4,2 tỷ USD, cá tra sẽ bội thu 2,4 - 2,5 tỷ USD, còn lại là hải sản với khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Trước cơ hội thị trường như vậy, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đang đẩy mạnh năng lực sản xuất, đáp ứng đơn hàng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP chia sẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng mọi nhu cầu bổ sung đối với những thị trường riêng lẻ trong khối, dán nhãn chính xác sản phẩm.
Đồng thời, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu, nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu. Thời gian tới, còn nhiều dư địa để phát triển nên cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.
Hiện các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn khi TP HCM thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu... Đó là chưa kể nhưng khó khăn khách quan còn tồn đọng chưa thể xử lý.
Do đó, doanh nghiệp cần có hướng dẫn sát sao hơn từ cơ quan có thẩm quyền và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bám sát tình hình kinh tế, chính trị và đại dịch COVID-19 để có những dự đoán và giải pháp thích ứng, kịp thời, linh hoạt.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam – EU: Thông qua EVIPA và tháo gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản
11:30, 18/05/2022
Tăng tỷ lệ chế biến sâu nông, thủy sản chủ lực
00:30, 28/04/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản
20:05, 27/04/2022
Quảng Ninh: Phát triển công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản
00:26, 24/04/2022
Quy chuẩn nước thải "đánh đố" nuôi trồng thuỷ sản
22:19, 13/04/2022