Doanh nghiệp gỗ cần làm gì để vượt qua khó khăn chưa có tiền lệ?
Từ quý 2 sang quý 3/2022, ngành gỗ đã phải đối mặt với những khó khăn khách quan chưa có tiền lệ.
>>>Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh thu xuất khẩu gỗ giảm gần 40%
Thay đổi bất lợi khó lường
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: chỉ trong mấy tháng gần đây, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thay đổi khó lường. Từ quý 2 sang quý 3/2022, ngành gỗ đã phải đối mặt với những khó khăn khách quan chưa có tiền lệ khi lạm phát toàn cầu tăng, chi phí vận chuyển tăng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên hàng hoá thiết yếu, cắt giảm hàng gia dụng, trong đó có đồ gỗ khiến cầu về gỗ giảm mạnh.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ, ván dán nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiện, gỗ và lâm sản của Việt Nam xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng 5 thị trường là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chính với tổng giá trị ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ - thị trường chủ lực giảm mạnh; các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng từ hơn 10% đến hơn 20%.
Ngoài ra, một số mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao như dăm gỗ (tăng 29,8%), viên nén (tăng 78%) kéo theo giá xuất khẩu tăng cao, đạt trung bình 170 USD/tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối mặt với thực tế khó khăn trên, ông Hà Công Tuấn cho rằng: các doanh nghiệp ngành gỗ đã có kinh nghiệm với các vụ kiện và các giai đoạn khủng hoảng nên cần bình tĩnh để có giải pháp chủ động thích ứng.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các bộ ngành cũng rất quan trọng trong lúc này. Cụ thể, theo ông Hà Công Tuấn, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về cơ chế, thủ tục cho doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua việc tổ chức các hội chợ trong nước và tham gia hội chợ quốc tế.
Các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng và cung cấp thường xuyên các bản tin trên cơ sở nắm tình hình thực tế để đưa ra dự báo thị trường, các giải pháp thích ứng với tình hình mới.
Các giải pháp về cơ chế, chính sách, ông Hà Công Tuấn kiến nghị, các bộ tham mưu để có chính sách giãn nợ, kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội, lùi thời gian đóng phí công đoàn… nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp ngành gỗ.
Liên kết để phát triển
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp gỗ, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: sau mấy năm tăng trưởng ngoạn mục, ngành gỗ đang chịu nhiều tác động do yếu tố khách quan mang lại khiến xuất khẩu giảm hơn so với năm trước. Các yếu tố tác động là dịch bệnh Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine khiến các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành gỗ.
Trên cơ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên mức lãi suất 2,5%, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ ra rằng: các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn nhận đúng tình hình thế giới, xác định rõ từng yếu tố để vượt qua những tác động bất khả kháng.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cần tăng cường cập nhật thông tin thị trường một cách căn cơ, bài bản, phân tích thực trạng và nguyên nhân từ đó đưa ra những dự báo chính xác, các giải pháp ứng xử với từng thị trường.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đồng tình với chủ trương của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam về việc hình thành trung tâm hội chợ quốc tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực tìm hiểu những thị trường trọng điểm như cách một số ngành hàng nông nghiệp đã thực hiện thành công.
Với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: trong giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội để đổi mới quản trị doanh nghiệp, sản xuất bài bản, căn cơ giúp giảm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, liên kết vùng để tạo sự ổn định…
“Trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp ngành gỗ cần bình tĩnh, chia sẻ, liên kết, hỗ trợ nhau về thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị… qua đó nâng cao sức mạnh chung của ngành gỗ Việt Nam thay vì cạnh tranh” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) nắm bắt thông tin, yêu cầu của DOC để xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Thách thức kép với ngành gỗ
18:50, 28/07/2022
Cắt giảm chi phí logistics "tiếp sức" doanh nghiệp ngành gỗ
13:37, 14/04/2022
Ngành gỗ cần chính sách hỗ trợ
04:00, 27/03/2022
Doanh nghiệp ngành gỗ lo "kìm chân" vì phụ thuộc nguyên liệu
04:19, 01/03/2022
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp ngành gỗ đề xuất bỏ "ba tại chỗ"
05:01, 26/09/2021
Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: Đề xuất đưa nguyên liệu ngành gỗ vào "luồng xanh"
13:25, 08/08/2021