Cắt giảm chi phí logistics "tiếp sức" doanh nghiệp ngành gỗ

ANH DUY 14/04/2022 13:37

Doanh nghiệp ngành gỗ cho biết, các yếu tố chi phí trong đó có logistics đang kéo biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp xuống rất thấp và sự cạnh tranh về nguyên liệu, giá cả ngày càng khốc liệt hơn.

>>>Doanh nghiệp ngành gỗ lo "kìm chân" vì phụ thuộc nguyên liệu

Tại Hội thảo Xu hướng logistics trong tình hình mới - Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng để phát triển, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho biết, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn trong hoạt động lưu thông hàng hóa do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua.

Hội thảo Xu hướng logistics trong tình hình mới - Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng để phát triển

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA).

Chi phí “kìm chân”

Cộng thêm sự biến động giá xăng dầu vượt tầm kiểm soát như hiện nay đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của nhiều ngành nghề, trong đó có ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ. 

Theo đó, Phó Chủ tịch HAWA cho biết, đặc thù của ngành gỗ là kích thước lớn, cồng kềnh, chi phí đóng gói cao, thị trường chủ yếu là các nước châu Âu, chi phí logistics thường chiếm từ 20% - 30% tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Do đó, làm cách nào để tối ưu hóa chi phí logistics là vấn đề quan trọng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Cụ thể về vấn đề này, ông Võ Quốc Lợi, Ủy viên Ban chấp hành HAWA thông tin, các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức lớn khi mọi chi phí đồng loạt tăng cao, trong đó phải kể đến chi phí vận hành, chi phí nguyên vật liệu, chi phí xăng dầu, vận chuyển ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị ngành gỗ. Riêng chi phí vận chuyển container năm 2020 đã tăng 165% và năm 2021 tiếp tục tăng thêm 63%. 

ông Võ Quốc Lợi, Ủy viên Ban chấp hành HAWA.

Ông Võ Quốc Lợi, Ủy viên Ban chấp hành HAWA.

Trong số các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, Mỹ chiếm trên 60% kim ngạch, nhưng đây cũng là một trong những thị trường có cước vận chuyển đắt đỏ nhất, trung bình trên 10.000 USD/container. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục tăng kiến chi phí vận chuyển nội địa tăng theo. 

Đặc biệt, theo vị đại diện HAWA, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 kéo dài cộng với những biến động về chính trị giữa Nga - Ukraine mới đây đang thúc đẩy giá nguyên liệu gỗ tăng cao. Theo ước tính của các doanh nghiệp, giá gỗ sồi nguyên liệu đã tăng thêm 28%, gỗ tròn tăng 40%, gỗ dương xẻ cũng tăng 40%, nhiều nguyên, phụ liệu khác trong chuỗi giá trị ngành gỗ cũng có chiều hướng gia tăng.

Theo ông Lợi, các yếu tố chi phí đang kéo biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp xuống rất thấp và sự cạnh tranh về nguyên liệu, giá cả ngày càng khốc liệt hơn. 

Ở góc độ doanh nghiệp logistics cũng “gặp khó”, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng gặp khó khi biến động giá xăng dầu, việc thiếu container rỗng, tình trạng kẹt cảng nhiều nơi trên thế giới…

ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Phân tích cụ thể về vấn đề này, bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng ban Vận tải VLA cho biết, nguyên nhân gia tăng cước vận tải biển xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu do dịch COVID-19 khiến công suất vận hành một số cảng biển lớn giảm sút, thời gian quay đầu của tàu lâu hơn bình thường.

Tình hình này chưa được cải thiện khi hiện tượng kẹt cảng tại các khu vực quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu vẫn tiếp diễn và có xu hướng kéo dài. Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero COVID”, do vậy các cảng lớn vẫn có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào. Điều này làm cho cước vận chuyển quốc tế tiếp tục bất ổn đến hết năm 2023. 

“Riêng Mỹ, đây không chỉ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam mà cũng là điểm đến mục tiêu của rất nhiều ngành hàng, quốc gia xuất khẩu khác trong khu vực. Các cảng của Mỹ luôn trong tình trạng nhộn nhịp, nhu cầu đặt tàu, container đến Mỹ luôn cao hơn các thị trường khác cũng đẩy giá vận tải đến khu vực này cao hơn. Trong quý I/2022, giá cước đi bờ Đông đã tăng 232%, cước đi bờ Tây tăng tới 318%”, bà Võ Thị Phương Lan nhấn mạnh.

>>>Ngành gỗ cần chính sách hỗ trợ

>>>KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp ngành gỗ đề xuất bỏ "ba tại chỗ"

Liên kết tối ưu hoá

Đáng lưu ý, các ý kiến đều nhận định cước vận tải nội địa năm 2022 được dự báo sẽ tăng khi giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng, cộng với việc TP Hồ Chí Minh áp dụng thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ tháng 4/2022. 

Theo đó, chi phí vận tải (bao gồm vận tải nội địa và quốc tế) đang tăng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn doanh nghiệp logistics. Trong trường hợp hoạt động các cảng lớn trên thế giới được cải thiện sớm, từ quý III/2022 giá cước có thể giảm nhẹ so với năm 2021 nhưng rất khó để quay lại mức giá trước năm 2020.

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA).

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VLA và HAWA nhằm tăng cường hợp tác hỗ trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hai bên.

Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực VLA nhận định, các doanh nghiệp logistics cũng cần nỗ lực trong việc duy trì chuỗi cung ứng để kịp thời luân chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu… phục vụ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ.

“Theo đó, các doanh nghiệp logistics cần chuyển hướng tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác. Đồng thời thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics. Tạo cơ hội hợp tác giảm chi phí logistics thông qua hợp tác chiến lược giữa hội viên hai bên nhằm cắt giảm chi phí hiện tại mức 20-30%”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Đại diện Ban Vận tải VLA cũng cho rằng, về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách swap container - có nghĩa là khi nhập khẩu một lượng nguyên liệu về, doanh nghiệp thỏa thuận với hãng tàu giữ lại số container rỗng để chuyển hàng xuất khẩu và ngược lại. Việc này giúp việc xuất - nhập khẩu không bị gián đoạn do phải chờ container rỗng và đặt chỗ trên tàu, nhờ đó giảm được chi phí và thời gian vận chuyển.

Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các đại lý hãng tàu cấp 1, có uy tín trên thị trường để hạn chế tình trạng đặt chỗ qua tay nhiều đại lý dẫn đến giá cước vận chuyển và phụ phí bị đẩy lên cao so với giá công bố của hãng tàu. Đồng thời, phải nắm rõ và kiểm soát được cấu trúc chi phí vận chuyển theo từng tuyến, theo từng đơn vị hàng hóa để có lựa chọn tối ưu cho việc vận chuyển.

Có thể bạn quan tâm

  • Chi phí logistics nông sản “leo thang” theo căng thẳng Nga – Ukraine

    03:42, 03/03/2022

  • Tối ưu hoá chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may "cán đích"

    16:01, 16/12/2021

  • Chi phí logistics "phi mã": Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực nguy cơ mất thị trường

    04:15, 02/08/2021

  • Gỡ “nút thắt” chi phí logistics: Cần gấp rút lập Tổ công tác liên bộ

    04:30, 11/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cắt giảm chi phí logistics "tiếp sức" doanh nghiệp ngành gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO