Việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, các doanh nghiệp gỗ trong nước có thời gian chủ động chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu.
Tái cấu trúc nguồn nguyên liệu
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhìn nhận: “Việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày là tin tốt cho ngành gỗ bởi các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Thực tế, chuỗi cung ứng gỗ không thể dịch chuyển nhanh trong 6 tháng hay 1 năm. Trong thời gian này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phối hợp với đối tác để tìm phương án thích ứng phù hợp với tình hình mới, tránh tình trạng đứt gãy đơn hàng, ảnh hưởng đến dòng tiền”.
Ông Phương chia sẻ, trong ngành chế biến gỗ, nguyên liệu gỗ chiếm khoảng 50–60% tổng cấu thành sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm đồ gỗ hiện đại không chỉ bao gồm gỗ mà còn tích hợp nhiều vật liệu khác như vải, da, phụ kiện kim loại. Do đó, câu chuyện nội địa hóa nguyên vật liệu và tăng giá trị gia tăng đang là một trong những hướng đi được ngành đặc biệt quan tâm.
Tỷ lệ giá trị nội địa trong ngành gỗ Việt Nam hiện nay không phải là điều đáng lo ngại. Nhờ vào nguồn rừng trồng trong nước, Việt Nam có thể chủ động được khoảng 60–65% nguyên liệu gỗ. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng hiện chủ yếu là cây keo lai và tràm - những loại gỗ thích hợp cho các phần kết cấu bên trong như khung xương hay ván nền. Các loại gỗ này được sử dụng để sản xuất ván ép, MDF, các vật liệu nền tảng trong sản phẩm đồ gỗ và vẫn giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Dù vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu từ nhiều khu vực trên thế giới. Số liệu cho thấy mỗi năm, ngành gỗ nhập khoảng 2-2,2 tỷ USD nguyên liệu. Trong đó, nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 350 triệu USD, từ châu Âu khoảng 250 triệu USD. Ngoài ra, nguồn gỗ còn đến từ Úc, New Zealand, Brazil, Chile và cả Trung Quốc, Thái Lan. Ngoài ra, thị trường châu Phi cũng đóng vai trò cung ứng các loại gỗ nhiệt đới phục vụ tiêu dùng nội địa.
Thực tế trong ngành gỗ, phần nội địa hóa và giá trị gia tăng tương đối lớn. Nó không phải đến từ công nghệ, mà đến từ bản thân nguyên liệu, đó là một điểm mà ngành gỗ không quá lo lắng.
Đáng chú ý, Việt Nam đang có xu hướng tăng nhập khẩu gỗ từ Mỹ để tạo ra sự hỗ trợ tương hỗ giữa hai bên. Việc nhập gỗ Mỹ và xuất khẩu ngược lại đồ gỗ sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu đó sẽ tạo ra lợi thế thương mại, đặc biệt nếu hai quốc gia đạt được một thỏa thuận về chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
“Nếu chúng ta có CO (chứng nhận xuất xứ) giữa hai nước, tạm gọi là “form US” thì bàn ghế làm từ gỗ Mỹ xuất sang Mỹ sẽ chắc chắn có ưu đãi. Trên thực tế, các hình thức CO đã từng tồn tại trong các đàm phán thuộc WTO và ngành gỗ đang kỳ vọng có thể xây dựng một biểu mẫu tương tự với thị trường Mỹ”, ông Phương nhận định.
Hiện tại, phía Mỹ đã có định hướng về vấn đề này, tuy nhiên các hướng dẫn thực thi vẫn chưa cụ thể và phía Việt Nam mới chỉ tiếp cận được ở mức thông tin. Dù vậy, các chuyên gia trong ngành đánh giá đây là một hướng đi có tiềm năng, nếu các doanh nghiệp biết tận dụng thời gian 90 ngày hiện tại để rà soát và chuẩn bị hệ thống chứng nhận xuất xứ một cách bài bản.
Quản trị xuất xứ hàng hoá
Một vấn đề đáng lưu tâm khác mà Phó Chủ tịch HAWA cho biết đó là bên cạnh nguyên liệu gỗ, các vật liệu phụ trợ khác như vải, kim loại vẫn là điểm yếu trong chuỗi cung ứng nội địa. Các loại vật liệu này thường được sản xuất tại các quốc gia có thị trường tiêu thụ lớn, các khu vực “upstream” (thượng nguồn) như Trung Quốc, nơi có khả năng cung ứng mạnh nhờ quy mô cầu lớn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chủ yếu thực hiện các công đoạn “downstream” (hạ nguồn) - tức là gia công thành phẩm.
Chính vì vậy, để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và kiểm soát tốt hơn về xuất xứ hàng hóa, ngành gỗ cũng cần chuyển hướng đầu tư vào các loại nguyên phụ liệu như vải, da, kim khí. Tỷ lệ nội địa hóa càng cao sẽ càng đảm bảo tính minh bạch và chính xác về xuất xứ, yếu tố quan trọng trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt các quy định về truy xuất nguồn gốc.
Với thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế, ông Phương khuyến cáo: “Các doanh nghiệp phải chuẩn bị về quản trị xuất xứ hàng hóa, tương tự cách chứng minh xuất xứ khi xuất khẩu châu Âu (EU). Việt Nam có thể đàm phán biểu mẫu riêng cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để doanh nghiệp dễ thực hiện”. Ông cũng khẳng định với ngành gỗ, tỉ lệ nội địa hóa hơn 50% không khó khi nguyên liệu gỗ trong nước chiếm gần 60%.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hoá, Giám đốc công ty TNHH Lâm Thanh Hưng cũng cho biết trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nhiều biến động và chi phí đầu vào liên tục gia tăng, doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc toàn bộ quy trình sản xuất nhằm kiểm soát tốt hơn chi phí, đặc biệt là chi phí nhân công và nguyên liệu. Việc tối ưu vận hành nhà xưởng, ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất hay khai thác nguồn nguyên liệu trong nước một cách hiệu quả sẽ giúp giảm đáng kể giá thành sản phẩm mà vẫn giữ được chất lượng ổn định.
“Song song với đó, cải tiến mẫu mã và thiết kế sản phẩm được xem là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và đáp ứng thị hiếu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Chúng tôi đầu tư mạnh vào đội ngũ R&D, liên kết với các nhà thiết kế trong và ngoài nước để tạo ra những dòng sản phẩm vừa hiện đại, vừa mang bản sắc riêng. Mặt khác, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi linh hoạt theo từng thị trường, từng mùa vụ, kết hợp với chính sách hậu mãi rõ ràng như kéo dài thời gian bảo hành, hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng, nhằm xây dựng niềm tin và giữ chân khách hàng lâu dài.
Đặc biệt trong 90 ngày hoãn thuế từ phía Mỹ, đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp rà soát toàn diện các khâu từ sản xuất, xuất xứ đến chiến lược thị trường, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian tới”, bà Thanh bày tỏ.
Như vậy, cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam vẫn còn rộng mở nếu các doanh nghiệp kịp thời thích ứng, xây dựng chiến lược nội địa hóa nguyên liệu và chứng minh xuất xứ minh bạch. Khoảng thời gian 90 ngày có thể trở thành đòn bẩy giúp ngành gỗ củng cố nền tảng, vượt qua rào cản thương mại, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong dài hạn.