Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẵn sàng giải quyết các vấn đề căng thẳng, như nhập khẩu xe điện,... khi kế hoạch thuế quan của ông Trump gây lo ngại.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, Trung Quốc đang thường xuyên có các cuộc đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này theo khối, với các kế hoạch giải quyết các vấn đề song phương và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc gọi video với Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic vào thứ Ba vừa qua, trong đó cả hai bên đã nhất trí bắt đầu đàm phán ngay lập tức về giá xe điện (EV) và thảo luận về quan hệ đầu tư trong lĩnh vực ô tô, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc vào thứ Năm tuần này.
Họ cũng bày tỏ sự sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt và ủng hộ việc nối lại đối thoại khắc phục thương mại song phương để giải quyết các xung đột thương mại liên quan đến mối quan ngại của EU về việc chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc.
Sau một cuộc tranh chấp về xe điện vào năm ngoái, Trung Quốc và EU đã bắt đầu đàm phán về cơ chế "cam kết giá" đối với các phương tiện nhập khẩu bởi các quốc gia thành viên EU, nhằm giải quyết mối lo ngại liên quan đến trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc và tác động của chúng đến ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thỏa thuận.
Vào cuối tháng 10/2024, EU đã tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên tới 45% sau một cuộc điều tra chống trợ cấp.
Tính đến thứ Năm, Mỹ đã áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 125% trong năm nay đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh các mức thuế trước đó 20%.
Trước khi Mỹ áp mức thuế tăng thêm 21% mới nhất, Trung Quốc đã quyết định nâng thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ lên mức 84%, bắt đầu từ trưa thứ Năm.
Tương tự, EU gồm 27 quốc gia cũng đã áp dụng biện pháp trả đũa đối với Mỹ, với mức thuế lên tới 25% đối với các sản phẩm của Mỹ.
Trung Quốc và EU chia sẻ một số mối quan ngại chung khi bối cảnh thương mại và kinh tế quốc tế đang được tái định hình bởi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Mỹ đang dỡ bỏ nhiều nguyên tắc từng định hướng cách tiếp cận thương mại và đầu tư toàn cầu của nước này, tạo ra mức độ bất ổn kinh tế chưa từng có. Trung Quốc đang có cơ hội để tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư”, Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố phản hồi về việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết một số thành viên của họ vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại. “Cuộc chiến tranh thương mại sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại chiến lược kinh doanh và chuỗi cung ứng. Điều này sẽ dẫn đến chi phí vận hành tăng đáng kể, kèm theo sự kém hiệu quả, và cuối cùng là giá thành cao hơn cho người tiêu dùng", tuyên bố nêu rõ.
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – cũng đang tăng cường trao đổi với các đối tác thương mại Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn.
Mới đây, ông Vương Văn Đào đã có cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz. Malaysia hiện là nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
“Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi và phối hợp với các đối tác thương mại, bao gồm cả ASEAN, để cùng giải quyết các mối quan tâm chung thông qua đối thoại bình đẳng và tham vấn trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau duy trì hệ thống thương mại đa phương,” ông Vương Văn Đào nói với ông Zafrul.
Cũng trong ngày hôm đó, Trung Quốc đã nộp đơn khiếu nại mới lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc Mỹ tăng thuế, thể hiện mối quan ngại sâu sắc và sự phản đối kiên quyết.