Từng là một trong những quốc gia giành được ưu thế trong chiến lược "Trung Quốc + 1", nhiều nền kinh tế Đông Nam Á hiện đang ở thế yếu trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ.
Đông Nam Á phụ thuộc vào xuất khẩu có thể mất đi sự hấp dẫn của mình như là một điểm đến để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng với hàng loạt quốc gia trong khu vực.
Các quốc gia thành viên ASEAN đã bị tấn công dữ dội bởi các khoản thuế mới của chính quyền Trump, từ mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ đến các khoản thuế đối ứng lên tới 49%.
Bà Katrina Ell, Giám đốc và Trưởng bộ phận Kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics, nhận định: “Các mức thuế mới nhất này là một đòn giáng mạnh vào Đông Nam Á, nơi mà xuất khẩu là xương sống của khu vực, và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn cho hàng hóa từ khu vực này.”
Bà cho biết sự phụ thuộc của khu vực vào Mỹ như điểm đến cuối cùng cho hàng hóa đã gia tăng trong những năm gần đây, thể hiện qua mức thặng dư thương mại ngày càng lớn mà các nền kinh tế như Việt Nam và Thái Lan đạt được với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chính sách thuế mới nhất của ông Trump đã cho thấy rất rõ ràng rằng ASEAN không còn là một lựa chọn khả thi để tránh các mức thuế đánh lên Trung Quốc,” bà nói với tờ The Business Times.
Khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, các quốc gia Đông Nam Á từng nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc muốn né tránh hạn chế từ Mỹ, hoặc các công ty áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, lợi thế đó có thể sẽ nhanh chóng phai nhạt. Ông Chua Hak Bin, đồng Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực của Maybank, cho rằng câu chuyện “Trung Quốc +1” chưa kết thúc, nhưng có thể đang tạm dừng.
Ông lưu ý: “Các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải cân nhắc lại về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tương lai do sự thay đổi đột ngột trong bất lợi thuế quan, cùng với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu bị dồn ép bởi bức tường thuế quan mới từ Mỹ.”
Cụ thể, chuyên gia này chỉ ra rằng các công ty đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với mức thuế đối ứng lên đến 46% từ Mỹ, khiến khoảng cách với thuế áp lên Trung Quốc bị thu hẹp đáng kể.
Đối với Trung Quốc, tổng mức thuế cuối cùng đã vượt quá 65%, nếu tính cả mức thuế mới công bố là 34%, cộng với 20% áp dụng từ tháng 3, và các mức thuế trung bình hiện tại khoảng 10-15%.
Các chuyên gia kinh tế của OCBC trong một bản ghi chú phát hành hôm thứ Năm tuần trước cũng đồng ý rằng chiến lược trước đây của Trung Quốc – chuyển hướng xuất khẩu qua ASEAN – nay có thể kém hiệu quả hơn.
“Cục diện thương mại có thể thay đổi một lần nữa, đẩy Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu trực tiếp sang Bắc Mỹ, bất chấp môi trường thuế quan rộng lớn,” nhóm chuyên gia này cho biết.
Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực, và nhiều tổ chức nghiên cứu đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á.
Chuyên gia Chua của Maybank cảnh báo rằng ASEAN sẽ phải tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới từ trong khu vực và từ các thị trường ngoài Mỹ.
Từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump năm 2017, các quốc gia thành viên ASEAN đã đa dạng hóa đối tác thương mại, tăng cường quan hệ với các khối kinh tế khác và đẩy mạnh giao thương nội khối. Những điều này giúp khu vực có vị thế tốt hơn để chống chọi trước những cú sốc lớn.
Ông Stephen Olson, nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho biết các hiệp định thương mại khu vực sẽ trở nên quan trọng hơn như “nơi trú ẩn an toàn” trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ nếu các mức thuế tiếp tục tăng – điều mà sắc lệnh hành pháp của ông Trump đã mở đường.
“Hiệp định CPTPP có thể trở nên đặc biệt quan trọng, với khả năng nhiều quốc gia sẽ muốn tham gia khi Mỹ ngày càng nghiêng về xu hướng bảo hộ,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, bà Katrina Ell lưu ý: “Các hiệp định thương mại song phương và việc tìm kiếm các thị trường thay thế chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ, vì không có đủ lựa chọn để thay thế Mỹ như điểm đến cuối cùng cho nhu cầu hàng hóa.”
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn khả năng giảm nhẹ tác động, thậm chí có thể có triển vọng tích cực.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs trong một báo cáo nghiên cứu cho biết một phần các mức thuế đối ứng có thể được đàm phán giảm bớt, nếu các quốc gia bị ảnh hưởng đồng ý giảm thuế quan của mình hoặc cam kết mua thêm hàng hóa từ Mỹ.
Ông Ben May, Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics, cho rằng ngoài các nhượng bộ từ các chính phủ, một yếu tố tích cực tiềm năng khác là việc ông Trump có thể tự rút lại kế hoạch của mình, có thể do phản ứng tiêu cực từ thị trường tài sản hoặc dữ liệu kinh tế suy yếu.
Ông cho biết thêm, điều này sẽ không quá bất ngờ, bởi vì ông Trump đã từng trì hoãn việc tăng mạnh thuế đối với Canada và Mexico, cũng như đưa ra các miễn trừ.
Ông Olson kết luận: “Một số quốc gia có thể thành công trong việc gỡ bỏ các mức thuế, trong khi những nước khác có thể bị tăng thuế. Nhưng thật khó tưởng tượng bất kỳ kịch bản nào mà trong đó khu vực này không tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.”