Các chuyên gia ADB dự báo tăng trưởng GDP tích cực, nhấn mạnh cải cách sâu rộng kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân...
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái, theo ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm nay.
Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á tháng 4 năm 2025 cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng – khi các dự báo này được tính toán trước khi Hoa Kỳ công bố các biện pháp thuế quan.
“Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024,” Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, nhận định. “Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.”
Môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị, đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng hướng đến xuất khẩu. Những bất ổn bên ngoài—như leo thang thuế quan, các biện pháp trả đũa, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và U-crai-na và tình trạng bất ổn đang tiếp diễn tại Trung Đông—có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn tới trung hạn. Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm lại tại Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các đối thương mại lớn của Việt Nam, có thể ảnh hưởng hơn nữa tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Trong bài phát biểu, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh: "Như chúng ta đều biết, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành cải cách thể chế toàn diện để nâng cao hiệu quả của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững nếu những cải cách sâu rộng đang diễn ra này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Chúng sẽ mang đến cơ hội kích thích nền kinh tế trong nước và tăng hiệu quả quản trị trong ngắn hạn, và do đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn, do đó giúp giảm bớt một số rủi ro và bất ổn bên ngoài.
Báo cáo ADO gần đây của chúng tôi cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc tăng cường giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu (Global value chains - GVC) – một thách thức chính sách quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Khi động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, vai trò của Việt Nam trong việc hội nhập GVC cũng đang phát triển. Việc hiểu được những thách thức và hạn chế của việc tham gia GVC hiệu quả là điều cần thiết để đánh giá quỹ đạo kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước. Chuỗi cung ứng toàn cầu với các công ty FDI đã có mặt tại quốc gia này mang đến cơ hội đa dạng hóa nhu cầu bên ngoài khi thị trường xuất khẩu bị thắt chặt", ông nói.
Trước tác động của chính sách thuế quan của Hoa Kỳ vẫn còn biến động, các chuyên gia cũng lưu ý có thể ảnh hưởng kể đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 và 2026. Duy trì ổn định kinh tế, đảm bảo phúc lợi cho những người dễ bị tổn thương và duy trì việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu, khiến các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung trở nên cần thiết để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Việc gia hạn giảm thuế VAT cho đến cuối năm 2026 là một bước đi tích cực, nhưng các biện pháp rộng hơn - chẳng hạn như cắt giảm thuế thu nhập và phí tiềm năng, cũng như mở rộng chi tiêu xã hội - cũng có thể được xem xét. Ngoài ra, các cải cách cơ cấu hơn nữa để giảm bớt gánh nặng về quy định cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, theo các chuyên gia ADB.
Quá trình lạm phát giảm ở năm 2024 nhưng được dự báo tăng nhẹ trong năm nay, theo chuyên gia Kinh tế Nguyễn Bá Hùng, ADB tại Việt Nam, sẽ khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa sẽ hạn chế. Căng thẳng địa chính trị, tiêu dùng trong nước tăng cao hơn và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có thể khiến lạm phát tăng lên tới 4,0% trong năm nay và 4,2% trong năm 2026.
Trong năm 2025, ngân hàng trung ương đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng tín dụng đạt 16% để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ tăng trưởng của ngân hàng bị hạn chế bởi áp lực lạm phát gia tăng, các khoản nợ xấu tăng lên và đồng tiền Việt Nam suy yếu. Do đó, Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ các chính sách tiền tệ và tài khóa là một việc làm hết sức quan trọng", ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.