Cùng với hỗ trợ từ tài khóa, tiền tệ, ổn định ngoại hối, Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh các định hướng phát triển, giải pháp theo kịch bản ứng phó thuế quan trước mắt lẫn dài hạn.
Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu trong thống nhất khởi động vòng đàm phán. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ngày 10/4 (giờ địa phương) đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu, đã trao đổi, thống nhất với Chính phủ Mỹ về việc sẽ tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Tiếp theo sau Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã đồng ý đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, đảm bảo cân bằng lợi ích ổn định và bền vững lâu dài.
Trước đây Việt Nam đã nhiều lần đề nghị đàm phán ký kết hiệp định thương mại song phương nhưng chưa đi đến thống nhất. Thủ tướng Chính phủ hiện đã chỉ đạo thành lập và cử đoàn đàm phán kỹ thuật cấp Bộ sang Mỹ để đàm phán cụ thể hoá thoả thuận nói trên. Đây là tín hiệu rất tích cực và tác động rất lớn đến tâm lý của các doanh nghiệp và đầu tư quốc tế ở thị trường Việt Nam.
Chúng tôi nhận định trước những khó khăn, thách thức mới phát sinh thì cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh các chính sách phát triển, chủ động các định hướng giải pháp lớn, với các kịch bản ứng phó kịp thời, linh hoạt và hiệu quả với chính sách thuế quan của Mỹ và tình hình biến động của thương mại thế giới cả trước mắt và lâu dài.
Những chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể gây ra những tác động, rủi ro trong ngắn hạn, song đây cũng là cơ hội cho Việt Nam thức hiện tái cấu trúc nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp; điều chỉnh chiến lược xuất nhập khẩu; tái định vị chiến lược thu hút FDI; phát triển nội lực nền kinh tế Việt Nam tự lực, tự cường và nâng cao khả năng chống chịu các cú sốc từ bên ngoài.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải đón đầu, chủ động và thực hiện quyết liệt các định hướng phát triển kinh tế nhằm thích nghi với bối cảnh tình hình thương mại thế giới hiện nay. Chúng tôi kiến nghị một số các giải pháp như sau:
Thứ nhất, trên cơ sở Việt Nam và Mỹ đã có Hiệp định thương mại song phương (BTA) đã được ký năm 2000, Việt Nam cần khẩn trương thúc đẩy tiến trình đàm phán để sớm đạt được sự thống nhất theo hướng nâng cấp Hiệp định BTA, trong đó bổ sung nội dung về thuế và sở hữu trí tuệ.
Đây được coi là một hình thức Hiệp định thương mại tự do (FTA) thu nhỏ. Trong đó, Việt Nam cần chú trọng giải quyết thỏa đáng các vấn đề thương mại mà Mỹ rất quan tâm, đó là xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, mở cửa thị trường và trao đổi cân bằng thương mại phù hợp giữa hai nước trong thời gian tới.
Thứ hai, là các cơ quan hữu quan thường xuyên và kịp thời truyên truyền định hướng và giải thích nhằm ổn định tâm lý tiếp tục duy trì các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là tâm lý bình tĩnh cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh mới đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường phải nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, nhận diện và dự báo diễn biến tình hình kinh tế quốc tế và kinh tế trong nước (bao gồm cả những khó khăn, thách thức và cơ hội phát triển kinh doanh). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên thị trường có thể điều chính các chiến lược, sách lược và kế hoạch kinh doanh và quyết định đầu tư phù hợp.
Trong những ngày vừa qua, do tác động thông tin chính sách thuế quan mới của Mỹ đã tác động tâm lý tiêu cực, hoang mang và lo lắng của các Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đã có một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu hàng hóa, dừng ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, hạn chế nhập nguyên vật liệu sản xuất và ngừng tuyển dụng lao động. Đặc biệt là có sự biến động rất mạnh của các thị trường chứng khoán quốc tế và trong nước.
Thứ ba, chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ tạo ra những rủi ro và ảnh hưởng triển vọng FDI, trong ngắn hạn đối với Việt Nam. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan sát tình hình, chờ đợi thêm thông tin về diễn biến tình hình, kết quả việc Việt Nam và Mỹ đàm phán trong thời gian tới. Các nhà đầu tư quốc tế là luôn chú trọng lập kế hoạch và ra quyết định đầu tư dựa trên triển vọng đầu tư dài hạn. Hiện nay, tâm lý tiếp tục “nghe ngóng thông tin và thận trọng” là xu hướng đang lan rộng trong giới đầu tư. Vì vậy, vấn đề truyền thông tư vấn làm ổn định tâm lý các nhà đầu tư quốc tế, là rất cần thiết đối với Việt Nam.
Thứ tư, là Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng thực hiện quản lý đồng bộ, hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để góp phần vừa ổn định kinh tế vĩ mô; vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh ổn định, hiệu quả. Ổn định tiền tệ để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Chủ động đảm bảo ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo dự trữ ngoại hối. Về chính sách tiền tệ, tiếp tục ổn định tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất và triển khai các nhóm giải pháp cần thiết, cấp bách như gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Thứ năm, là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh gắn với sự phát bền vững kinh tế số, kinh tế xanh và thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư chất lượng cao; định vị lại cơ cấu hàng hóa và cấu trúc thị trường xuất nhập khẩu; đồng thời thúc đẩy thực hiện hiệu quả 17 FTA đã ký và tiếp tục đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới, với các đối tác tiềm năng ở các thị trường mới như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Nam Mỹ, Châu Phi, v.v. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng trên thị trường toàn cầu. FTA là chìa khóa để Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà xuất khẩu và hấp dẫn thu hút FDI trong thời gian tới.
Sự nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng mạng lưới FTA, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và mở rộng sang nhiều thị trường khác có tiềm năng là hướng đi phù hợp nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Thứ sáu, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi từ chiến lược xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng và nâng cao giá trị nội tại của sản phẩm nhằm đối phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Mỹ cả trước mắt và lâu dài; đồng thời xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường và được hỗ trợ bởi một hệ thống đảm bảo tăng trưởng có tính ổn định hơn và bền vững cao.
Thứ bảy, các doanh nghiệp cần chủ động tài cấu trúc tổ chức theo hướng nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản lý chi phí hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam, ngay trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cần chú trọng và chủ động chuyển sang ứng dụng quản trị số, AI, Blocchain, Fintech, kinh doanh xanh bền vững và chú trọng yếu tố ESG trong hoạt động kinh doanh nhằm phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới và nâng cao năng lực hội nhập cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách đổi mới trình độ công nghệ, sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường để hướng đến sản xuất cung ứng hàng hóa xanh cho người tiêu dùng, gia tăng hàm lượng giá trị xuất khẩu và xây dựng thương hiệu vững mạnh trên thị trường.
Thứ tám, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng các gói tín dụng đang được triển khai hiệu quả. Trong đó, nỗ lực phấn đấu phát triển ngành Dịch vụ du lịch nhanh và bền vững, với việc thực hiện thành công mục tiêu năm 2025 đón được khoảng 22–24 triệu khách quốc tế; đi đôi với việc khích thích gia tăng chi tiêu, mua sắm và lưu trú dài ngày của khách du lịch. Phát triển ngành Du lịch sẽ có những tác động tích cực và kích hoạt cho sự các ngành, lĩnh vực khác phát triển; đồng thời góp phần kích thích tiêu dùng nội địa.
Thứ chín, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bằng cách kích cầu nội địa và đầu tư công. Trong điều kiện thị trường có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhiều ngành kinh tế và doanh nghiệp trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động.
Chính phủ đã chỉ đạo cho ngành Ngân hàng triển khai ngay gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số, khuyến khích đầu tư và giải phóng các nguồn lực xã hội là rất quan trọng, cần thiết và đúng thời điểm. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và năng lực triển khai các chính sách này của Việt Nam sẽ là yếu tố quyết định thành công.
Thứ mười, Việt Nam có lợi thế vị trí địa chính trị, là quốc gia có tình hình chính trị ổn định và đang có nhiều FTA với các nước lớn trên thế giới; đồng thời có nhiều cơ hội và triển vọng đầu tư lớn trong trung và dài hạn.
Vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút đồng bộ các dòng vốn đầu tư quốc tế, bao gồm các kênh dẫn vốn FDI, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động lớn, đặc biệt là chính sách thuế quan và thương mại, tạo ra nhiều bất ổn trên thị trường quốc tế; đi đôi với các nhân tố rủi ro tiềm tàng về chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, bất ổn địa chính trị và quyết sách của các Chính phủ nền kinh tế lớn làm tác động sâu sắc đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Đặc biệt Việt Nam chú trọng thu hút các dòng vốn FDI thế hệ mới, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật hàng không và các ngành công nghệ có trình độ kỹ thuật cao.
Mười một, tình hình cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều bất cập và chúng ta cần phải lưu ý giải quyết bài toán này, hài hòa và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, năm 2024 và 03 tháng đầu năm 2025, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nguồn cung hàng hóa, đặc biệt nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2024, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã đạt mốc kỷ lục mới, với mức 205 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 144 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ là 119,5 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ chỉ đạt 15,1 tỷ USD.
Mười hai, trong bối cảnh chính sách thuế quan mới, Chính phủ Mỹ hết sức quan tâm đến vấn đề xuất xứ nguồn gốc hàng hóa khi xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, cần phải tăng cường kiểm soát nguồn gốc nguyên vật liệu sản xuất, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại, cam kết minh bạch chuỗi cung ứng và chống chuyển tải hàng hóa xuất khẩu. Siết chặt quản lý xuất xứ (C/0), áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và thực hiện số hóa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Mỹ nhằm phòng chống tình trạng gian lận thương mại đem đến nhiều hệ lụy rủi ro tiềm tàng cho quan hệ thương mại với các đối tác.