Chuyên đề

Thích ứng chính sách thuế quan, linh hoạt hơn nữa tiền tệ và tỷ giá

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia Kinh tế 04/04/2025 04:05

Tiền lệ cho thấy, các biện pháp thuế quan không phải là cố định. Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động.

Thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng và bền vững

Tại cuộc họp sáng ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cùng với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Hoa Kỳ, để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan...

cang bien
Theo Báo cáo gần đây nhất của Đại diện thương mại Mỹ, mức thuế suất bình quân của biểu thuế của Việt Nam chỉ là 9,4%. Dù vậy, nhiều định chế tài chính và các chuyên gia đều cho rằng "trả đũa thuế quan" không phải là lựa chọn. Ảnh minh họa: ITN

Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Do đó, kỳ vọng mức độ tác động từ các rủi ro tiềm ẩn sẽ giảm và các chính sách thích ứng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Nhìn chung việc Mỹ áp mức thuế 46% lên phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp và Chính phủ phải tìm ra chiến lược thích ứng phù hợp để bảo vệ lợi ích kinh tế của đất nước.

Tăng cường các giải pháp chủ động và thích ứng

Tiền lệ cho thấy, các biện pháp thuế quan không phải là cố định mà có thể được điều chỉnh nếu đạt được thỏa thuận đáp ứng lợi ích song phương. Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại theo hướng cân bằng và bền vững hơn.

Đẩy mạnh đàm phán song phương: Việt Nam cần chủ động tiếp xúc với Hoa Kỳ thông qua các kênh đối thoại chính thức và không chính thức để thảo luận về những biện pháp giảm thiểu tác động của thuế quan.

Việt Nam có thể chủ động đàm phán với Mỹ để giảm tác động tiêu cực từ mức thuế mới như: Mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ - Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, tài chính và năng lượng.

Trên thực tế, Chính phủ đã và đang rất chủ động thực hiện các giải pháp hết sức cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ đại diện hơn 60 công ty Mỹ, khuyến khích họ đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và giải quyết các vấn đề thương mại song phương. ​

Hợp đồng thương mại hơn 90 tỷ USD giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm có giá trị lớn là một dấu ấn đáng ghi nhớ.

Tới đây, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ ngày 6 đến ngày 14/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tham dự chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), thăm làm việc tại Mỹ và thăm chính thức Cộng hòa Cuba.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng với sự chủ động ứng phó của Chính phủ, cùng chuyến đi của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, sẽ giúp hai bên có thể đàm phán để đạt được một thỏa thuận cân bằng hơn, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Cải thiện tiêu chuẩn thương mại: Chứng minh cam kết nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện tiêu chuẩn lao động để tạo dựng thiện chí trong quan hệ song phương.

Đàm phán miễn trừ thuế quan đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bằng cách cung cấp bằng chứng về tác động tiêu cực đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng Mỹ.

Nhấn mạnh lợi ích song phương: Chứng minh tầm quan trọng của hàng hóa Việt Nam đối với người tiêu dùng Mỹ và vai trò của đầu tư Mỹ đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Tăng cường nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại: Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam là do thặng dư thương mại lớn. Để giảm áp lực này, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp nhằm gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt với mặt hàng công nghệ và hàng không.

Đáng chú ý, Việt Nam đã cho phép SpaceX thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghệ viễn thông với Mỹ.

Tận dụng yếu tố địa chính trị: Nêu bật vai trò chiến lược của Việt Nam trong khu vực, cho thấy việc duy trì quan hệ thương mại tốt đẹp với Việt Nam là phù hợp với lợi ích dài hạn của Mỹ.

Tăng cường hợp tác đa phương: Hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác thương mại khác là một chiến lược quan trọng nhằm tạo thế cân bằng trong đàm phán với Mỹ. Việc mở rộng quan hệ kinh tế với các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, tạo ra thế chủ động hơn trong các cuộc đàm phán thương mại.

Việt Nam dự kiến sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo EU trong thời gian tới, để thảo luận về cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư - cũng nằm trong chính sách này.

Có thể nói, Việt Nam đang thực hiện chiến lược linh hoạt, kết hợp cả đối thoại song phương lẫn hợp tác đa phương để ứng phó với các thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Mở rộng tài khóa - tiền tệ, linh hoạt điều hành tỷ giá

Trong nước, trước ứng phó để vượt những thách thức bên ngoài, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và điều chỉnh tài khóa hợp lý. Tăng cường hỗ trợ xuất khẩu bằng việc áp dụng trợ cấp hoặc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng do thuế quan của Mỹ.

Kinh tế Việt Nam khởi đầu tháng 1 có nhiều điểm tích cực, với dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm. Điều này, cộng hưởng vốn FDI nhảy vọt, giúp giảm áp lực cho tỷ giá. Ảnh minh họa: ITN
Kinh tế Việt Nam khởi đầu quý I có nhiều điểm tích cực, vốn FDI giải ngân tích cực, giúp giảm áp lực cho tỷ giá. Ảnh minh họa: ITN

Đối với chính sách tiền tệ, việc thúc đẩy mở rộng tiêu dùng nội địa và đầu tư sẽ góp phần hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8%. Đến hiện tại theo cuộc họp được Chính phủ chủ trì, Việt Nam không thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Điều này cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ và các Bộ ngành, với các chính sách hướng đến thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (ngoài xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với tài khóa, tiền tệ phối hợp đồng bộ nhuần nhuyễn, mở rộng có trọng tâm trọng tâm và hướng đến hiệu quả cao như Chính phủ đang chỉ đạo xuyên suốt từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường ngoại hối cần điều chỉnh linh hoạt tỷ giá.

Bên cạnh đó, duy trì tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu mà không làm gia tăng rủi ro về trừng phạt thương mại, đồng thời đảm bảo chính sách tiền tệ minh bạch trong quá trình phục hồi kinh tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, mặc dù có thách thức song sự chủ động tìm kiếm phương thức đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là vô cùng cần thiết. Nhiều thị trường vẫn có tiềm năng và có nhu cầu đối với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, có chi phí vận chuyển thấp hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải tăng cường hàm lượng nội địa hóa, tránh trở thành trung gian cho hàng hóa xuất xứ khác gắn nhãn "Made in Vietnam". Qua đó giữ vững mục tiêu giảm thâm hụt thương mại và tăng cường phát triển chuỗi cung ứng nội địa, củng cố nội lực tăng trưởng trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thích ứng chính sách thuế quan, linh hoạt hơn nữa tiền tệ và tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO