Kiến nghị

Thuế Mỹ chặn cửa, ngành gỗ Việt “gõ cửa” chính sách

Phương Thanh 26/04/2025 11:10

Mặc dù được gia hạn 90 ngày đàm phán thuế quan, nhưng nhiều doanh nghiệp gỗ xuất khẩu vẫn lao đao, mong Chính phủ hỗ trợ lãi suất và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Gồng mình chờ giải pháp

Kết quả đàm phán thuế quan chưa thống nhất, nhưng hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang bị ảnh hưởng nặng nề do các đối tác từ Hoa Kỳ cắt giảm đơn hàng và hoãn nhập khẩu.

111.jpg
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 80% thị phần

Chia sẻ tới Diễn đàn Doanh nghiệp ông Nguyễn Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Transformer Roboticts PTE cho biết: Transformer Roboticts PTE và nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn vì đơn hàng sụt giảm. Hiện tại có 60 - 70% các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam xuất khẩu thị trường Mỹ, riêng tỉnh Bình Dương nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 80% thị phần. Do đó nếu kết quả cuộc đàm phán không thành công, mức thuế vẫn giữ mức 46% hoặc ở mức cao thì doanh nghiệp có nguy cơ mất thị trường này vào tay những quốc gia có mức thuế thấp.

Trước khó khăn này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, các doanh nghiệp có thể hạn chế tối đa rủi ro, trong trường hợp thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam bị áp thuế quan. Theo đó, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia các cuộc “điều trần” nếu như phía Hoa Kỳ yêu cầu chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ – là “quan hệ bổ trợ cho nhau”. “Các doanh nghiệp Việt Nam phải định vị rõ thị trường, sản phẩm gì bán cho thị trường nào, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm đó lấy ở đâu, nếu là rừng trồng trong nước thì phải xác định trồng loại cây gì phù hợp” - ông Hoài khuyến nghị.

Ở hướng tích cực hơn, một số doanh nghiệp cho rằng, việc Hoa Kỳ xem xét áp thuế đối ứng 46% là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, hội nhập sâu đi kèm với áp lực lớn. Ngành gỗ Việt Nam – sau nhiều năm tăng trưởng nóng cần bước vào giai đoạn "thanh lọc" và tái thiết, với trọng tâm là minh bạch hóa, chủ động pháp lý và nâng cấp chuỗi giá trị, để sẵn sàng bước vào các thị trường mới.

Cũng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần chú ý đến những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc vì hai thị trường này chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu viên nén, dăm gỗ. Đồng thời tăng cường chế biến để có sản phẩm cao cấp, tinh tế hơn, nhằm khẳng định được thương hiệu Việt Nam cạnh tranh tốt trên các khu vực.

222.png
Việc mở rộng thị trường không phải phương án tối ưu cho tình huống khẩn cấp.

Không thể chờ đợi

Tuy nhiên Công ty TNHH Transformer Roboticts PTE cho biết, việc mở rộng thị trường không phải phương án tối ưu cho tình huống khẩn cấp. Bởi “nước xa không cứu được lửa gần”, ông Phúc ví von. Bởi theo ông Phúc việc tìm kiếm thị trường mới đòi hỏi thời gian dài cho các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, nghiên cứu văn hóa tiêu dùng và đàm phán hợp đồng – quá trình này có thể kéo dài từ 1- 2 năm. Nếu nhanh cũng phải ngoài 01 năm mới có đơn hàng mới.

Do đó ông Phúc đề xuất, Chính phủ cần có giải pháp nhanh cho doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn với lãi suất ưu đãi để thanh toán tín dụng và mong muốn được giảm tiền thuê đất để duy trì nhà xưởng, bởi nguyên liệu sản xuất còn tồn đọng nhiều, hàng hóa không xuất khẩu được.

Bên cạnh đó, ông Phúc kiến nghị được tinh giản tối đa về thủ tục hành chính, rút gọn hơn nữa về thời gian hoàn thuế VAT. Theo ông Phúc nhiều quy định hành chính còn nhiêu khê, gây khó khăn, hạn chế năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Điển hình như các quy định về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn phức gây tốn kém chi phí đầu tư của doanh nghiệp và giảm thu hút đầu tư vào ngành chế biến gỗ. Cụ thể như theo quy định hiện hành một nhà xưởng phải đầu tư khoảng từ 5-10 tỷ đồng tùy theo diện tích nhà máy mới đáp ứng được quy định.

“Trong bối này Chính phủ cần nhanh chóng xem lại và rút bỏ tối đa quy trình thẩm duyệt thiết kế về hệ thống PCCC với mô hình nhà xướng sản xuất gỗ, tạm dừng các việc thanh tra, kiểm soát để doanh nghiệp còn tập trung mọi nguồn lực, vực dậy trong lúc này”- ông Phúc đề xuất.

Trong ngắn hạn ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đề xuất: Ngành gỗ đã tham mưu cho Chính phủ công suất tối đa để nhập nguồn liệu từ Hoa Kỳ và đã đưa ra mức thuế chấp nhận được khi vào thị trường Hoa Kỳ là 20%. Để giữ vững thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ, BIFA đề xuất cần có giải pháp đối thoại thương mại để đề ra hướng đi giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Đặc biệt mong Chính phủ có các biện pháp quyết liệt ngăn chặn việc gian lận trong xuất xứ hàng xuất khẩu, đây là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Trong dài hạn, các chuyên gia khuyến nghị;

Thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam cần nâng cấp, đầu tư vào hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, sử dụng gỗ có chứng chỉ hợp pháp như FSC, PEFC, và loại bỏ hoàn toàn nguyên liệu từ nguồn không rõ ràng, đặc biệt từ Trung Quốc – nếu không thể chứng minh được tính minh bạch.

Thứ hai, chuẩn bị pháp lý đầy đủ về hồ sơ phòng vệ thương mại chủ động, khi cần doanh nghiệp nên phối hợp với luật sư, hiệp hội ngành hàng và Bộ Công Thương để chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại. Việc chủ động hợp tác điều tra, cung cấp thông tin chính xác cho phía Mỹ trong trường hợp cần thiết, sẽ giúp giảm rủi ro áp thuế đồng loạt và có thể xin được miễn trừ đối với doanh nghiệp có minh chứng đầy đủ.

Thứ ba, xây dựng cho kế hoạch dài hạn, bằng cách đa dạng hóa thị trường và chiến lược dịch chuyển sản phẩm. Hoa Kỳ tuy là thị trường chủ lực, nhưng cũng là thị trường nhiều rủi ro pháp lý. Doanh nghiệp nên thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, nơi các tiêu chuẩn khác nhau nhưng ổn định hơn về chính sách phòng vệ. Song song với đó, cần chuyển hướng từ sản phẩm gỗ gia công giá rẻ sang các dòng sản phẩm giá trị gia tăng cao, thiết kế riêng, gắn với thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế Mỹ chặn cửa, ngành gỗ Việt “gõ cửa” chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO