NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 8) Vun bồi đạo đức và văn hóa kinh doanh
Đạo đức doanh nhân sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời tự nâng tầm doanh nhân lên cao hơn để theo kịp sự phát triển và trào lưu của thời đại.
>>NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 7) Tiếp sức cho doanh nghiệp khu vực tư nhân
Chia sẻ tại Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh các góc độ khác còn là góc độ văn hoá doanh nhân doanh nghiệp thể hiện ở đạo đức kinh doanh.
Ông Dương Trung Quốc đánh giá rất cao việc VCCI đã ban hành bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Sáu nội dung bao gồm Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình là sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế với trách nhiệm xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn về nội dung “yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình” và đề xuất nên cụ thể hơn thêm về đối tượng người lao động. “Chúng tôi cũng nghĩ rằng việc doanh nhân tham gia phát triển kinh tế, đóng thuế, cùng các hoạt động xa hội, từ thiện…là đóng góp cho xã hội thực tiễn. Nhưng vẫn cần làm rõ nhân tố cực kỳ quan trọng, tạo ra giá trị trong nền kinh tế đó là người lao động”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
>>NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 6) Nguồn nhân lực cho thời kỳ mới
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Covid-19 là tai hoạ nhưng cũng là cơ hội. Bởi lịch sử cũng ghi nhận, những dịch bệnh lớn trên thế giới tuy tạo ra những trang sử rất ảm đạm về xã hội và y học nhưng là bức tranh sáng, bước ngoặt về kinh tế sau đó.
Những con số đang cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này. Nhưng nếu chúng ta vội thoả mãn với cơ hội với thành tựu đó chúng ta sẽ dễ chủ quan mà đổ vỡ. “Người Việt giỏi thích ứng nhưng lại không giỏi làm bền vững. Nếu chúng ta không củng cố nền tảng, liên kết, tạo nền tảng vì cộng đồng thì chữ “yêu nước” phải làm thế nào cho đủ. Chúng ta phải tìm được cốt lõi để bền vững”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Quốc cho biết, nghiên cứu lịch sử doanh nhân Việt Nam thời kỳ đầu tiên tiếp cận nền kinh tế tư bản phương Tây cho thấy họ đã hình thành đội ngũ doanh nhân mà cốt lõi là chữ Tín. Như vậy, làm sao trong 6 chuẩn mực này lấy chữ Tín là chuẩn mực là thước đo.
“Sự trung thực ngay thẳng, dù đã được nêu trong Quy tắc đạo đức doanh nhân nhưng phải lấy đó là chuẩn mực, là thước đo là nền tảng”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.
TS Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp cũng cho rằng, doanh nghiệp thường xem việc xây dựng và quảng bá thương hiệu là nhân tố quan trọng để tạo nên sự khác biệt với đối thủ. Nhưng hiểu sâu xa, thương hiệu không đơn giản là vật phẩm nhận diện như logo, bao bì, nhãn mác… mà còn chứa đựng “cái hồn” của doanh nghiệp trong việc thể hiện hình ảnh, màu sắc, ngôn từ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cái hồn ấy xuất phát từ giá trị, niềm tin, nguyên tắc trong văn hóa của doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công thì dễ dàng tạo được khối đoàn kết nội bộ, kết hợp những cá nhân khác biệt thành một đội ngũ, với những con người có phẩm chất, phong cách sống, niềm tin, thái độ khác nhau nhưng đều có mục tiêu là thể hiện bản thân qua công việc. Khi tổ chức phát triển, họ cũng được phát triển, khi mục tiêu của doanh nghiệp đạt được thì bản thân họ cũng thành công.
>>NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 5) Lấp đầy đứt gãy của các chuỗi cung ứng
Ngược lại, những công ty chưa quan tâm phát triển văn hóa doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giữ chân khách hàng, kết nối với đối tác, cũng như bảo đảm sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Trong đại dịch Covid-19, những công ty có sẵn nền tảng văn hoá không những tồn tại mà còn linh hoạt thích ứng, biến mối nguy thành cơ hội phát triển.
Do đó, văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, đồng thời giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp cả trong hoàn cảnh bình thường lẫn khủng hoảng. Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp cũng là cốt cách, hình hài, là nền tảng vững chắc xây dựng, bảo vệ doanh nghiệp phát triển bền vững.
TS Dương Thị Kim Liên cũng cho rằng, đạo đức là điều đặc biệt quan trọng với mỗi người và điều đó cần được trau dồi bằng giáo dục. Tương tự, với mỗi một doanh nghiệp chỉ cần người lãnh đạo và đội ngũ quản lý cấp trung ý thức được việc đó và áp dụng những chuẩn mực đạo đức cũng như văn hoá kinh doanh vào trong doanh nghiệp, thì những thái độ về văn hoá sẽ được thay đổi đổi dần dần.
Việc thay đổi này sẽ không thể diễn ra ngay trong một ngày, nhưng mỗi ngày chỉ cần 5 phút, thậm chí 1 phút người quản lý nhắc nhở công nhân tuân thủ nguyên tắc lao động, thì sau 1 tháng hay 2 tháng sẽ vào quy chuẩn.
Tất nhiên, việc này cần có thưởng, phạt rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể. Đặc biệt, không chỉ chú trọng đến việc làm tốt, như Hồ Chủ tịch đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Lời dạy này chúng ta đã nghe từ rất lâu, nhưng đã có một quãng thời gian bỏ qua mất việc đó và không thấy nhắc lại.
>>NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 4) Chuyển đổi số với 6 trụ cột
Thực tế, tại các nước phát triển họ luôn đề cao chuẩn mực đạo đức của người làm nghề mà không cần ai phải “giám sát” và “nhắc nhở”, họ tự tuân thủ các quy tắc đó đến cuối đời.
Đồng quan điểm trên, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD); Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam cho biết, nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của Quản trị hoạt động – Quản trị doanh nghiệp, thì thế kỷ 21 là thế kỷ của Quản trị công ty (QTCT) và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm.
Trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua “cơn bão” của Covid-19. Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, theo bà Hà Thu Thanh đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Ở đó, các doanh nghiệp huy động được một nguồn lực rất to lớn mà trước nay chưa được gọi tên, đó chính là nguồn lực xã hội (social capital). Khi khủng hoảng ập đến, nguồn lực tài chính (financial capital) chính là những thứ bị cuốn đi đầu tiên.
Tuy nhiên, nguồn lực con người (human capital) nằm trong nguồn lực xã hội, trong sự tương tác của nguồn lực con người trong chính doanh nghiệp, trong sự tương tác giữa doanh nghiệp với các đối tác, nguồn lực xã hội được bền vững trên nền tảng của văn hóa doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 7) Tiếp sức cho doanh nghiệp khu vực tư nhân
04:00, 26/08/2022
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 6) Nguồn nhân lực cho thời kỳ mới
04:00, 25/08/2022
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 5) Lấp đầy đứt gãy của các chuỗi cung ứng
04:00, 24/08/2022
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 4) Chuyển đổi số với 6 trụ cột
04:00, 23/08/2022
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 3) Đổi mới sáng tạo, mạnh mẽ để thích nghi
04:30, 22/08/2022
Năng lực cạnh tranh toàn cầu bắt đầu từ tư duy lãnh đạo
03:08, 22/08/2022
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 2) Định hướng mới của quản trị công ty
16:40, 21/08/2022
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 1) Tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh
11:00, 20/08/2022
Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững
14:12, 19/08/2022
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”
13:15, 19/08/2022