Dự báo xuất siêu năm 2022
Năm 2022 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu, nhưng dự báo không cao như những năm trước, đạt khoảng 1 tỷ USD.
>>NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 5) Lấp đầy đứt gãy của các chuỗi cung ứng
Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến năm 2023 mà Bộ Công thương gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu đã được nêu khá cụ thể.
Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm 2022 (kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 371,3 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD), Bộ Công thương cho biết, năm 2002, cả nước sẽ tiếp tục xuất siêu.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Đó là khu vực kinh tế trong nước còn nhập siêu lớn cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Nguyên nhân chủ yếu do khu vực này còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (26,2%), trong khi chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong tổng kim ngạch nhập khẩu (35,1%).
Những tháng cuối năm 2022, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí, một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, các doanh nghiệp, ngành hàng cần tiếp tục nỗ lực.
Đánh giá về khả năng tận dụng các FTA để mở rộng xuất khẩu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, 15 FTA đang thực thi trở thành động lực, giúp thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
>>Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bước sang năm thứ tư thực thi, tiếp tục tạo động lực giúp các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP trong 7 tháng của năm 2022 đạt gần 31,5 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021, vượt mức tăng xuất khẩu chung của cả nước (16,6%).
Những con số này phần nào cho thấy, doanh nghiệp đã thể hiện khả năng thích ứng, bắt nhịp nhanh, linh hoạt với các thị trường CPTPP.
Cho biết tại Diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức; ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cho rằng Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập kinh tế thông qua ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhờ vậy, trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan.
Ông Trịnh Minh Anh nhận định, cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng. “Điều này đồng nghĩa, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các hiệp định này...”, ông Trịnh Minh Anh nhận định.
Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Trịnh Minh Anh khuyên doanh nghiệp cần các giải pháp đồng bộ. Đầu tiên là đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hồng Kông...; Thứ hai, cần chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Bởi Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, hàng hóa đúng chuẩn hay phi chuẩn...
Thứ ba, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA; đặc biệt là EU và Hoa Kỳ một cách đa dạng. Trong đó, quan tâm tới xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; ăn theo xu hướng đầu tư, sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc gia khác.
Thứ tư, hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) hải quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý vấn đề này; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Thứ năm, để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính…). Trong đó, cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này...
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt nông sản xuất khẩu cán mốc 2 tỷ USD
15:09, 30/08/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
02:03, 24/08/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra "gỡ gạc" ở thị trường nhỏ
04:00, 21/08/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc
18:20, 19/08/2022