Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Cẩn trọng không bao giờ thừa
Thời điểm cuối năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Để tránh rủi ro không đáng có, doanh nghiệp cần thận trọng trong việc tìm hiểu thông tin đối tác.
>> Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu (xuất khẩu) ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, 7 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả…
Dự báo kim ngạch xuất khẩu cuối năm tiếp tục tăng trưởng mạnh vào nhiều thị trường lớn trong khu vực. Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như RCEP, EVFTA, CPTPP,… tiếp tục mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng.
Bài học xương máu từ vụ 100 container hạt điều
Dịp Tết Nguyên đán đầu năm nay, một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị xuất khẩu hạt điều số lượng lớn. Mừng quá không ăn Tết mà huy động người làm, trả công gấp nhiều lần để đóng gói kịp xuất hàng đi. Nhưng kết quả là gần 100 container hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy lao đao. Đến nay vụ việc đã cơ bản được xử lý thành công với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Thương vụ Việt Nam tại Italy và các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Điều Việt Nam, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, từ vụ việc này là hồi chuông cảnh báo mà các doanh nghiệp cần lưu ý để tránh rủi ro trong giao thương quốc tế. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi tìm hiểu thông tin đối tác, nhất là các bạn hàng mới giao dịch lần đầu.
Xác minh thận trọng thông tin môi giới
Trao đổi với báo chí, ông Bạch Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Vinacontrol TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nêu kinh nghiệm, nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp Việt bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới và không kiểm tra thông tin đối tác, bởi công ty này đã hoạt động tại Việt Nam 15 năm nay mà chưa hề xảy ra bất kỳ vụ lừa đảo nào.
>>Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm
>>Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng
Trong thương mại quốc tế, vai trò của công ty môi giới là rất quan trọng nhưng các doanh nghiệp cần kiểm tra thông tin đối tác một cách độc lập. Nhiều nghi vấn đã bị bỏ qua như việc thị trường Italy trong nhiều năm qua nhập khẩu số lượng hạt điều rất thấp. Trong khi đó, các địa chỉ, thông tin về đối tác nhập khẩu sau đó được Thương vụ Việt Nam tại Italy tìm hiểu trực tiếp thì đều là thông tin giả. Trụ sở các công ty lừa đảo thậm chí là những ngôi nhà hoang nằm ở vùng biên giới hẻo lánh, nhưng quy mô và uy tín “tự phong” lại khá dễ dàng bị làm giả với sự trợ giúp của công nghệ số.
Ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao nhìn nhận, các doanh nghiệp vẫn có tâm lý chủ quan khi xác minh thông tin đối tác, đặc biệt là thông tin môi giới. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại khi liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại các nước cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều sự việc đáng tiếc. Bởi, việc xác minh cần phải đến tận nơi để xác nhận các thông tin về địa chỉ, trụ sở, nhân sự. Việc này thường gây mất nhiều thời gian và nhiều doanh nghiệp Việt không đủ khả năng làm điều này. Do đó, theo ông Linh, việc xuất khẩu cần phải thẩm tra, xác minh thận trọng trước các công ty môi giới, bạn hàng.
Vụ việc đến nay vẫn như bài học lắng lại cho doanh nghiệp Việt, bởi những vụ việc tương tự không phải hiếm. Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn cần kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng thông tin đối tác, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu. Đồng thời, cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp và nên có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp hoặc thuê tư vấn pháp lý để tránh những “gài, cắm” đầy tính toán của các đối tác trong hợp đồng. Đặc biệt, không thể bỏ qua những nghi vấn trong khâu thanh toán khi bị đốc thúc từ phía bạn hàng.
Việt Nam có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu Thế giới, nhất là nông sản, nhưng đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thiếu kinh nghiệm về phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế. Từ nay đến cuối năm, giao dịch thương mại sẽ càng trở nên sôi động hơn do nhu cầu thị trường tăng cao. Do đó, cẩn trọng không bao giờ là đủ trong giao thương quốc tế để tránh những rủi ro có thể xảy ra, các chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm: Tiêu và Cà phê tăng trưởng nhờ đâu?
04:40, 27/07/2022
Hỗ trợ kết nối giao thương, xuất khẩu nông sản sang EU
03:40, 16/07/2022
“Mở toang” cánh cửa xuất khẩu nông sản Việt nhờ số hóa
04:23, 14/05/2022
Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm
08:00, 04/04/2022