Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 04/04/2022 08:00

Trong khi xuất khẩu đường của Việt Nam đang ở thế “dồn vào chân tường”, doanh nghiệp ngành mía Việt lại mở ra một hướng đi mới hứa hẹn nhiều khởi sắc…

>> Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng

Vùng trồng mía trắng tại tỉnh Hòa Bình (ảnh: Kim Dung)

Vùng trồng mía trắng tại tỉnh Hòa Bình (ảnh: Kim Dung)

Nước mía ở Đức chỉ dành cho… “đại gia”

Tháng 11/2021, sau nhiều năm nghiên cứu thị trường, chuyến mía đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đã được xuất sang Đức. Đây là tín hiệu đáng mừng, không chỉ với Hòa Bình mà còn cho nông sản Việt Nam nói chung.

Loại mía xuất khẩu là mía trắng, do Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sản xuất. Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) thu mua, sơ chế đóng gói và xuất qua công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa. Đối tác là một tập đoàn tại thành phố Hamburg, Đức.

Sản phẩm mía trước khi được xuất sang thị trường Đức đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch vô cùng khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt. Mía được chọn lọc và thực hiện qua công đoạn sơ chế, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình cho biết, để xuất khẩu được mía sang thị trường Đức đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng được sự kiểm tra gắt gao về vi sinh vật, côn trùng, đất, dư lượng nitrat, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng các trang thiết bị hiện đại của các nước nhập khẩu. Do vậy, hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm từ trồng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…

Mía được sơ chế bằng máy trước khi đóng gói xuất khẩu

Mía được sơ chế bằng máy trước khi đóng gói xuất khẩu

Bà Lê Thị Nhâm –  Phó Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân cho rằng, Đức là thị trường khá khó tính tại EU. Khác với người châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) thường ưa thích vị ngọt đậm, mía của Việt Nam có vị ngọt thanh mát nên được người châu Âu rất ưa chuộng và cũng là điểm mạnh của mía Việt Nam. Bà cho biết, giá thành phẩm của mía cắt khúc của công ty sản xuất, khi đóng gói xuất khẩu phải có quy trình xử lý sơ chế, đóng gói, bảo quản nghiêm ngặt, cùng với chi phí vận chuyển cao nên khi mía thành phẩm xuất sang châu Âu được dùng làm nước ép có giá thành rất đắt. Mỗi cốc nước mía ép có giá bán khoảng 5 đô la Mỹ (tương đương 125 nghìn đồng Việt Nam). Bà ví rằng, nước mía ở Đức chỉ dành cho các… “đại gia”.

Cây mía trắng được chọn lọc và thực hiện 2 công đoạn sơ chế, bỏ 100% đầu mấu, cạo vỏ, cắt khúc 35cm, đóng gói vào túi PE (hút chân không) trọng lượng 2,5kg/túi và cấp đông, đóng 10kg/thùng carton, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Mỗi chuyến mía được vận chuyển bằng container di chuyển bằng đường biển khoảng 40-45 ngày mới sang được châu Âu nên giá thành cao, khoảng 30-40 nghìn đồng cho mỗi đoạn mía.

Mía được đóng gói để xuất khẩu sang “trời Âu”

Mía được đóng gói để xuất khẩu sang “trời Âu”

“Tại thị trường này, chúng tôi hướng đến đối tượng khách hàng là người Việt ở nước ngoài, sau đó sẽ hướng tới người bản địa. Người châu Âu không thích ăn trực tiếp mà chủ yếu dùng nước ép từ mía, thêm lát dứa để tăng hương vị nên đây là mặt hàng luôn được yêu thích” – bà Nhâm cho hay.

>> Gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đường mía

>> Lệch pha lợi nhuận nhìn từ “cây mía hạt đường”

Định vị trên thị trường thế giới

Ngành mía nói chung (bao gồm mía đường và mía ăn tươi) của Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn về câu chuyện xuất khẩu đường, trong khi việc nhập khẩu đường liên tục đạt “kỉ lục” về sản lượng. Do đó, đây sẽ là hướng đi mới, đúng đắn để giải quyết bài toán lợi nhuận sản xuất cho bà con nông dân, cũng như “khơi thông” được con đường xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt.

Cách đây 10 năm, máy ép nước mía mang thương hiệu “Made in Vietnam” lần đầu tiên có mặt tại thị trường Pháp, do doanh nhân người Pháp Christophe Luijer, Tổng Giám đốc Công ty So'kanaa nhập khẩu. Cùng với đó, nước mía đóng hộp của Việt Nam cũng được bày bán tại các nhà hàng tại Pháp, nhận được nhiều lời khen ngợi của khách hàng bản xứ. Khi đó, ông Christophe Luijer chọn mía Tây Ninh làm nguyên liệu, bởi đáp ứng được yêu cầu của khác hàng bản địa. Từ đó, thương hiệu mía của Việt Nam đã đi khắp các nước như Bỉ, Thụy Sĩ, UAE, một số nước vùng Trung Mỹ.

Theo bà Nhâm, tại thị trường phía Bắc, đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp xuất khẩu mía sang châu Âu. Không chỉ mang thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm mía xuất khẩu còn có trách nhiệm nặng nề khi mang trong mình thương hiệu mía quốc gia. Ngành mía phải tìm được đúng hướng đi, phát triển bền vững, phải khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Do đó, chất lượng mía xuất khẩu phải được duy trì chất lượng ổn định trong thời gian dài.

"Nhiều doanh nghiệp trẻ như chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn, nên rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương về mặt bằng sản xuất, tách khâu sơ chế ra khỏi các khâu sản xuất khác, để doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, đa ra nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế", bà Nhâm cho hay.

Ngày 25/03/2022 sản phẩm mía nước ép do công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân đóng gói đã được xuất khẩu sang thị trường nước Đức.

Ngày 25/03/2022 sản phẩm mía nước ép do công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân đóng gói đã được xuất khẩu sang thị trường nước Đức.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình cho rằng, việc đưa sản phẩm mía ăn tươi tiếp cận các thị trường nước ngoài là hi vọng lớn đối với các doanh nghiệp và nông dân trồng mía. Sau những thành công bước đầu, chúng ta cần từng bước xây dựng thương hiệu, xây dựng quy chế liên kết giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã để đạt được những mục tiêu cao hơn trong quá trình phát triển.

Sản phẩm mía ăn tươi được xuất khẩu sang một số thị trường lớn sẽ tạo đà để các nông sản tiềm năng khác của tỉnh Hòa Bình hướng tới mở rộng xuất khẩu. Thông qua đó cũng tạo sức hút, hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến cây mía và các sản phẩm thế mạnh. Nhờ vậy, độ tin cậy của doanh nghiệp đầu tư, người tiêu dùng đối với cây mía Hòa Bình nói riêng, mía của Việt Nam nói chung sẽ ngày càng nhân lên.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) được ký kết, đòi hỏi nông sản Việt Nam cần được nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nhằm định vị tại thị trường trong nước và quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản có ý nghĩa rất lớn trong khẳng định chất lượng và nâng tầm giá trị. Nông sản sau khi có thương hiệu thường có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm chưa có thương hiệu. Do vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp phải tự hào và tự tin về sản phẩm, những câu chuyện đằng sau thương hiệu để tạo sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn chưa được như kỳ vọng?

    Vì sao xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn chưa được như kỳ vọng?

    02:22, 06/12/2021

  • Doanh nghiệp mía đường liên tiếp

    Doanh nghiệp mía đường liên tiếp "ngậm đắng"

    04:11, 15/10/2021

  • “Gỡ bí” cho nông sản Việt

    “Gỡ bí” cho nông sản Việt

    19:17, 30/03/2022

  • Nông sản Hà Tĩnh tìm đường…

    Nông sản Hà Tĩnh tìm đường… "xuất ngoại"

    20:45, 11/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO