Giá mía tăng dẫn đến tình trạng “tranh mua, tranh bán” tiếp tục tái diễn ở Nghệ An, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.
Ngay từ khi chuẩn bị bước vào niên vụ thu hoạch mía, mặc dù các cấp chính quyền rất quan tâm, bám sát vấn đề này, nhưng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân trồng mía trên địa bàn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để ổn định vùng nguyên liệu.
Giá mía tăng
Sản xuất vụ mía năm 2024 ở Nghệ An, với mục tiêu bám vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, các địa phương ở Nghệ An cũng như ngành nông nghiệp đã theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, có biện pháp xử lý kịp thời, chủ động công tác phòng trừ sâu bệnh, phòng chống hạn hán, bão lụt, hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm túc lịch nông vụ, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm theo đúng kế hoạch đề ra.
Tính đến thời điểm 15/11/2024, tổng diện tích gieo trồng cây mía ước đạt 22.439,7ha, tăng hơn 1.200ha so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lý giải của ngành nông nghiệp Nghệ An, diện tích mía tăng do có sự hỗ trợ giống, vật tư phân bón, sản lượng cây trồng được thu mua tận vườn, giá mía nguyên liệu tăng, bà con nông dân có lãi yên tâm canh tác. Năng suất toàn tỉnh ước đạt 613,7 tạ/ha, tăng 2,2%, sản lượng ước đạt 1.377.209,9 tấn, tăng 8,22% so với cùng kỳ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty CP mía đường Sông Lam ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Năm nay, tổng sản lượng mía đưa về nhà máy ép ước đạt khoảng 60.000 tấn. Trong niên vụ này, giá thu mua mía mà công ty áp dụng từ 1.000.000 – 1.120.000 đồng/tấn, được nhiều hộ dân và các cấp chính quyền địa phương tích cực ủng hộ. Mặt khác, sau khi tiến hành sản xuất, thị trường tiêu thụ tốt nên doanh nghiệp rất phấn khởi.
Tương tự, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An thông báo giá thu mua mía niên vụ ép 2024 - 2025 tăng 50.000 đồng/tấn so với vụ trước. Cụ thể, giá mía đầu vụ tại ruộng, nhập từ 13h ngày 5/12 - 7h ngày 8/12 là 1,17 triệu đồng/tấn, giữa vụ nhập từ 7h01 ngày 8/12 trở đi là 1,15 triệu đồng/tấn, cuối vụ sẽ áp dụng giá đầu vụ là 1,17 triệu đồng/tấn.
Với tín hiệu lạc quan của cây mía thời gian qua sẽ giúp cho các công ty mía đường và bà con nông dân Nghệ An cùng được hưởng lợi. Một số doanh nghiệp còn thể hiện sự quan tâm áp dụng chính sách thưởng thêm cho nông dân tuân thủ hợp đồng bán toàn bộ vụ mía cho công ty, khoản thưởng sẽ được chi trả ngay sau khi kết thúc vụ ép.
“Tranh mua” mía nguyên liệu?
Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay ở Nghệ An, đó là giá mía tăng dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu lại tiếp tục tái diễn, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân trồng mía vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để ổn định vùng nguyên liệu. Hệ quả không chỉ gây ra thiệt hại cho phía doanh nghiệp ngành mía đường, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ mà còn làm mất ổn định vùng mía nguyên liệu.
“Mặc dù chúng tôi đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, quan tâm đến các hộ dân trồng mía trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng “tranh mua, tranh bán” vẫn tái diễn. Nhiều hộ dân vì lợi ích trước mắt đã đưa mía nguyên liệu ở địa bàn huyện Anh Sơn sang huyện Tân Kỳ để bán cho nhà máy đường khác, làm nhiễu loạn vùng nguyên liệu, gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp” – đại diện Công ty CP mía đường Sông Lam chia sẻ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Trí – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Anh Sơn xác nhận: Tình trạng “tranh mua, tranh bán” vào đầu vụ thu hoạch mía nguyên liệu có xuất hiện trên địa bàn nhưng đến thời điểm hiện tại đã giảm đáng kể. Địa phương rất chia sẻ, ủng hộ doanh nghiệp, đồng thời giao nhiệm vụ cho các xã để làm sao hạn chế tối đa vấn đề này.
“Mới đây, chúng tôi đã tổ chức một phiên làm việc giữa nhà máy đường với các xã trồng mía cung cấp cho Công ty CP mía đường Sông Lam. Theo đó, quan điểm của chính quyền địa phương, từ trên xuống dưới là luôn ủng hộ doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh có lợi cho cả đôi bên, giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân trồng mía trên địa bàn” – ông Lê Văn Trí thông tin.
Chia sẻ thêm về việc mía nguyên liệu bị “chảy máu” ra ngoài địa bàn, vị Trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn phân tích: Doanh nghiệp ngành mía đường trên địa bàn cần phải tự làm mới mình bằng cách thay đổi tư duy quản trị, việc thu mua cần hài hoà, hợp lý hơn nữa và quan trọng nhất là chú trọng công tác cải tiến công nghệ nhằm tăng năng suất sản xuất, đảm bảo dây chuyền trơn tru, không bị ách tắc, đứt gãy. Từ đó sẽ giúp sản lượng tiêu thụ mía/ngày diễn ra nhanh hơn, rút ngắn thời gian cho bà con nông dân trồng mía trên địa bàn.
Cũng theo ông Trí, mặc dù những yếu tố trên đã được doanh nghiệp chế biến thực hiện rất tốt dưới nhiều hình thức, tuy nhiên quy luật thị trường tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Đợt này, phòng và các đơn vị liên quan rất quan tâm, sát sao vấn đề này, tránh tình trạng doanh nghiệp chế biến trên địa bàn không có nguyên liệu mà lại bán cho đơn vị khác ở ngoài địa bàn…