Thủ tướng: Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam

HẠNH LÊ 17/09/2022 10:55

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

>>>Dòng vốn ngoại tiếp tục chuyển dịch sang Việt Nam

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp FDI nhằm phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, trí tuệ để đưa ra các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị (ảnh: VPG)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị (ảnh: VPG)

Hợp tác và phát triển

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về các yếu tố nền tảng với sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm đổi mới với quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và  động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam. 

Đặc biệt, trong hơn hai năm qua, tình hình diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài; cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước, xung đột tại Ukraine xảy ra…. Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý… với tư duy: Tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; giữ được sự kiên định, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: VPG)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: VPG)

Trong 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp thì Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Thời gian tới, nếu không có biến động lớn thì tăng trưởng GDP quý III sẽ cao hơn quý II và cả năm có thể đạt mức khoảng 7%. Đóng góp vào những kết quả này có sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chúng sức đồng lòng, vì một Trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau". 

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón sóng đầu tư

Thông tin về các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu đã có tác động đến Việt Nam với các khó khăn hiện hữu. Tuy nhiên, cùng với thách thức là cơ hội và động lực mới khi nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn với nhiều lợi thế.

Khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài cũng như đánh giá cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ. Có khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: VPG)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: VPG)

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên trong tình hình mới hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cụ thể, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư…

Về lâu dài, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung một số ngành, nghề cụ thể, qua đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gia tăng giá trị sản xuất nội địa; điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể…

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.

Đối với các doanh nghiệp, cần phải nắm bắt cơ hội để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; tiên phong thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tận dụng “cú hích” từ đầu tư FDI

    Tận dụng “cú hích” từ đầu tư FDI

    04:00, 31/08/2022

  • Dấu ấn ABAC III: “Tạo sóng” thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam

    Dấu ấn ABAC III: “Tạo sóng” thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam

    15:34, 29/07/2022

  • Bộ lọc mới chọn nhà đầu tư FDI

    Bộ lọc mới chọn nhà đầu tư FDI

    04:00, 27/03/2022

  • Gặp gỡ Hàn Quốc 2022: Cơ hội đầu tư FDI cho khu vực Bắc Trung Bộ

    Gặp gỡ Hàn Quốc 2022: Cơ hội đầu tư FDI cho khu vực Bắc Trung Bộ

    14:57, 25/03/2022

  • Hải Phòng: Xây dựng thêm 15 KCN để thu hút đầu tư FDI 5 tỷ USD/năm

    Hải Phòng: Xây dựng thêm 15 KCN để thu hút đầu tư FDI 5 tỷ USD/năm

    18:55, 04/12/2021

  • Thêm doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy mới vận hành trung hòa carbon

    Thêm doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy mới vận hành trung hòa carbon

    08:38, 07/09/2022

HẠNH LÊ