Công nghệ thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics

Duyên Hằng thực hiện 19/10/2022 04:00

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khiến các trung tâm logistics truyền thống được chuyển sang các trung tâm thế hệ mới sử dụng công nghệ cao.

>>Logistics không biên giới

Trao đổi với DĐDN, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: mở rộng và thúc đẩy ứng dụng công nghệ có vai trò quyết định để duy trì tốc độ tăng trưởng và tiếp tục phát triển hơn nữa của ngành logistics.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khiến các trung tâm logistics truyền thống được chuyển sang các trung tâm thế hệ mới sử dụng công nghệ cao… do đó, cần một kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

Hiện nay, logistics là ngành phát triển hoà nhịp cùng tốc độ tăng trưởng sản xuất và lưu thông hàng hoá kể cả xuất nhập khẩu. Thời gian qua, ngành logistics đã có sự chuyển mình rất lớn, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay ứng dụng công nghệ đang là yếu tố then chốt và hết sức quan trọng ngành logistics phải chuyển mình theo xu hướng đó. Thể hiện qua việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý kho bãi, phương tiện, tối ưu hoá các tuyến đường vận chuyển, đây là xu hướng mà ngành logistics phải đáp ứng thời gian tới, không chỉ là theo xu hướng mà trước hết là phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hoá hiện nay đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam.

Theo thống kê, tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức trung bình 14%-18%/năm. Như vậy, chúng ta thấy tiềm năng là rất lớn. Cơ hội thậm chí ở chính sự tăng trưởng của bản thân ngành logistics Việt Nam hiện đang ở mức 2 con số. Đây là nền tảng để chúng ta mở rộng và thúc đẩy ứng dụng công nghệ, vì chỉ có ứng dụng công nghệ chúng ta mới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng và tiếp tục mở rộng hơn nữa.

- Tuy nhiên, với năng lực hiện tại của ngành logistics thì những thách thức cũng không nhỏ, thưa ông?

Đúng vậy, những thách thức là khá rõ, thứ nhất, bản thân công nghệ chúng ta chưa phải người làm chủ mà phải nhập khẩu về hoặc phải tuỳ biến cho phù hợp với thực tế của Việt Nam, mà nhiều khi những đặc thù đó phải chính người Việt Nam mới giải quyết được.

 Áp dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hoá các tuyến đường vận chuyển là xu hướng mà ngành logistics phải đáp ứng thời gian tới. Ảnh: Quốc Tuấn

Áp dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hoá các tuyến đường vận chuyển là xu hướng mà ngành logistics phải đáp ứng thời gian tới. Ảnh: Quốc Tuấn

Thứ hai về vấn đề nhân lực chúng ta có những con người đào tạo về công nghệ nhưng chúng ta chưa có trải nghiệm thực tế để kết hợp công nghệ với hoạt động logistics.

Rất có thể có những mô hình, phần mềm, giải pháp đã được triển khai ở đâu đó hoặc ở phòng thí nghiệm hoặc ở quy mô nhỏ thì là tốt, là thành công. Nhưng khi đưa vào thực tế hoặc triển khai quy mô lớn thì lại khác. Đây là những bài học mà doanh nghiệp đã chia sẻ cho thấy việc ứng dụng công nghệ không phải là điều dễ dàng. Như vậy, thách thức này là rất lớn. Chúng ta cần nhân lực và kết hợp với cách thức tổ chức thực hiện để làm sao ứng dụng thành công.

Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển” (Vietnam Logistics Transformation) do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SLP Việt Nam phối hợp tổ chức sáng ngày 19/10/2022 tại Khách sạn Sheraton 88 Đồng Khởi, TP HCM.

- Vậy theo ông cần những chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong nước vượt qua thách thức để nắm bắt cơ hội phát triển ngành logistics thông minh?

Từ góc độ nhà nước, hỗ trợ trước tiên và lớn nhất là chính sách. Hiện nay, bước đầu sự quan tâm của Chính phủ, nhà nước, các bộ ngành và địa phương với ngành logistics đã có. Nhưng những chính sách cụ thể mà doanh nghiệp mong đợi nhiều hơn như ở việc được miễn giảm thuế hay tiếp cận tín dụng ngân hàng thì chưa rõ nét. Trong đó, về thuế hiện doanh nghiệp logistics không có khác biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực khác.

Về tiếp cận tín dụng nguồn vốn của ngân hàng, hiện nhiều tổ chức như Hiệp hội logistics và các ngân hàng cũng đã có trao đổi dưới sự thúc đẩy hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để các ngân hàng thương mại nhận ra đây là ngành dịch vụ không chỉ cần thiết mà còn là ngành có khả sinh năng lời cho các ngân hàng, để các ngân hàng mạnh dạn thiết kế các gói tín dụng, gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp logistics, qua đó giúp ngân hàng có nguồn thu mới.

Về vấn đề nhân lực, chúng ta hiện đã thúc đẩy ở cả ba khía cạnh là đào tạo đại học, đào tạo cao đẳng nghề và đào tạo ngắn hạn. Việc đưa các nội dung công nghệ vào chương trình đào tạo giúp nhân lực trong tương lai có thể được nâng cấp, có trình độ cao hơn trong lĩnh vực dịch vụ logistics.

Về công nghệ, hiện một số doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận những công nghệ, nhưng cũng cần phù hợp với thực tế hoạt động dịch vụ logistics tại Việt Nam, cần kết hợp để tìm hiểu giải quyết bài toán, đây là thời kỳ doanh nghiệp ở cả hai lĩnh vực tìm hiểu hợp tác.

- Vậy còn yêu cầu cụ thể với sự phát triển của thị trường kho bãi hiện đại tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào?

Ứng dụng công nghệ trong quản lý kho bãi là mục tiêu quan trọng vì kho hiện nay quy mô lớn, chủng loại hàng hoá đa dạng với số lượng hàng hoá rất nhiều, do đó, phương pháp thủ công không còn phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Logistics không biên giới

    Logistics không biên giới

    00:43, 18/10/2022

  • Logistics hàng không: Cần, nhưng vẫn “trông giỏ bỏ thóc”

    Logistics hàng không: Cần, nhưng vẫn “trông giỏ bỏ thóc”

    01:00, 17/10/2022

  • Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt

    Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt

    03:00, 15/10/2022

  • Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển

    Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển

    00:40, 14/10/2022

  • Logistics với thương mại điện tử trong thời đại số

    Logistics với thương mại điện tử trong thời đại số

    11:36, 10/10/2022

Duyên Hằng thực hiện