LOGISTICS 4.0: Nhận diện điểm nghẽn và yêu cầu chuyển đổi số
Diễn đàn là cơ hội nhận diện điểm nghẽn và yêu cầu chuyển đổi số của ngành dịch vụ logistics để có giải pháp nâng cao hiệu quả.
>>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn: “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển"
Ông Lê Huy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã chia sẻ tại diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với VLA và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) tổ chức sáng nay (19/10).
Theo ông Lê Huy Hiệp, dịch vụ logistics là một ngành trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội của nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số của ngành còn nhiều hạn chế từ tư duy, nhận thức đến năng lực tiếp nhận và nguồn tài chính.
“Chúng ta chưa có một nền tảng số thích hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics với hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh 17 loại hình dịch vụ logistics khác nhau theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ - CP năm 2017 của Chính phủ” - ông Lê Huy Hiệp cho biết.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến cho chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao. Chưa kể, việc thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hoá còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ số hoá chưa cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với thị trường quốc tế.
"Nhằm tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc chuyển đổi số cho ngành dịch vụ logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và các doanh nghiệp liên quan dưới sự chỉ đạo của VCCI tổ chức diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển”" - ông Hiệp nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam hy vọng, đây là một cơ hội tốt tranh thủ ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp để xác định các điểm nghẽn và yêu cầu trong hoạt động chuyển đổi số của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Trên cơ sở đó, kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả ngành dịch vụ logistics.
Diễn đàn là dịp kết nối cộng đồng doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn vướng mắc về ứng dụng công nghệ, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics như yêu cầu đã được đưa ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII là “ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến”, “nâng cao chất lượng dịch vụ logistics”.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc chuyển đổi số và đạt được kết quả bước đầu. “Sau Diễn đàn này, VLA mong Chính phủ có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics chuyển đổi số như các kiến nghị của Hiệp hội tại Diễn đàn” - ông Lê Huy Hiệp bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách mở đường thị trường logistics
04:30, 19/10/2022
Công nghệ thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics
04:00, 19/10/2022
26 doanh nghiệp logistics tham gia kết nối và hợp tác với Đức
22:58, 18/10/2022
Logistics không biên giới
00:43, 18/10/2022
Logistics hàng không: Cần, nhưng vẫn “trông giỏ bỏ thóc”
01:00, 17/10/2022
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt
03:00, 15/10/2022
Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển
00:40, 14/10/2022
Logistics với thương mại điện tử trong thời đại số
11:36, 10/10/2022