Doanh nghiệp xăng dầu than khó vì khan hiếm nguồn cung

Hải Ngân - Nguyễn Chuẩn 07/11/2022 20:06

Trước sức “nóng” của thị trường xăng dầu thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cũng đang trong tình trạng như “ngồi trên đống lửa”.

>>>Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

Nguy cơ bất ổn nguồn cung

Từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước. Mặc dù, trước sức “nóng” của thị trường xăng dầu thời gian qua, không ít các biện pháp can thiệp đã được các cơ quan quản lý đưa ra, tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu này vẫn đang có những dấu hiệu bất ổn.

Các cây xăng dầu trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn đang kinh doanh bình thường.

Cây xăng dầu trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Ngay sau kỳ tăng giá ngày 1/11 vừa qua, không chỉ tại một số tỉnh khu vực phía Nam, mà ngay tại Hà Nội và một số địa phương cũng đã xuất hiện tình trạng cây xăng treo biển hết hàng hoặc chỉ bán cầm chừng từ 30.000 – 50.000 đồng. Thậm chí, một số doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh do không có nguồn cung xăng dầu.

Tại Hải Phòng, theo Sở Công Thương Hải Phòng, trên toàn địa bàn thành phố hiện đang có tổng cộng 9 kho xăng dầu có trữ lượng 450.000 m3 cùng với đó là 50 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, hiện đã có 1 doanh nghiệp báo cáo xin tạm thời dừng bán xăng Ron A95 do thiếu nguồn cung.

Theo đó, HTX xí nghiệp thương mại Việt Đức mới đây đã có báo cáo gửi Sở Công Thương Hải Phòng về việc thiếu nguồn cung xăng dầu dẫn đến việc các cửa hàng của doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh. Cụ thể, tính đến ngày 3/11, tại cửa hàng xăng dầu Lạch Tray (thuộc HTX xí nghiệp thương mại Việt Đức) còn số lượng xăng A95 là 2.200 lít. Phía cửa hàng đã đặt đơn hàng nhưng không lấy được do khan hiếm nguồn cung từ doanh nghiệp đầu mối. Nếu bán hết số lượng hàng tồn bể, cửa hàng này sẽ tạm dừng bán hàng cho đến khi có nguồn hàng cung cấp trở lại.

Phóng viên DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Trí – Giám đốc HTX xí nghiệp thương mại Việt Đức, và được ông cho biết: “Hiện tại bên tôi chỉ còn rất ít dầu để bán, xăng thì khó lấy nên cửa hàng đã xin tạm ngưng hoạt động. Công ty đang ký hợp đồng với công ty xăng dầu Nam Ninh. Về cơ bản, do thiếu nguồn cung và càng bán càng lỗ. Vì vậy, doanh nghiệp cũng tạm ngưng, khi nào lấy được xăng thì hoạt động trở lại. Về nguồn cung, theo quy định của nghị định 83, bên tôi là đại lý thì chỉ được ký hợp đồng với một đơn vị nên doanh nghiệp đang phải gồng mình để duy trì hoạt động”.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "càng bán càng lỗ".

Ông Trí còn cho biết thêm, trước kia, theo nghị định 83, việc chiết khấu cho đại lý là do thương nhân và đại lý tự thoả thuận. Tuy nhiên, thực tế các đại lý như HTX xí nghiệp thương mại Việt Đức không bao giờ được thoả thuận. Với doanh nghiệp của ông, hiện tại đang rơi vào tình trạng “chiết khấu âm”, nghĩa là với một lít dầu lấy vào, doanh nghiệp phải bỏ ra thêm 600 đồng. Như vậy, thực tế đại lý bán lẻ xăng dầu thì càng bán càng lỗ.

Tuy nhiên, theo quy định nếu kinh doanh bị lỗ thì cửa hàng vẫn phải bán. Như vậy, kinh doanh theo cơ chế thị trường nếu doanh nghiệp cứ ở mức âm, tình trạng kinh doanh này vẫn kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ khó tồn tại. Như doanh nghiệp của ông chẳng hạn, hiện đang rơi vào tình trạng cạn vốn, một tháng phải bù rất nhiều tiền.

Cũng theo ông Trí, mong muốn của doanh nghiệp là được kinh doanh một cách minh bạch. Chẳng hạn, Bộ Công Thương nếu chủ trì thì phải giải được bài toán về cấu thành giá, tức là tính từ lúc nhập khẩu thì thuế như thế nào, vận chuyển ra sao, thương nhân nhập khẩu và phân phối, đại lý được hưởng tối thiểu bao nhiêu phần trăm…

>>>“Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

>>>Nghệ An xử lý doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu khủng

Chờ lời giải cho bài toán nguồn cung

Có lẽ ở thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp đang phải “gồng mình” trong cơn bão khan hiếm nguồn cung như HTX xí nghiệp thương mại Việt Đức tại Hải Phòng là không hiếm. Trong thời gian tới, nếu Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan không thể đưa ra những lời giải cho bài toán nguồn cung, rất có thể nhiều trường hợp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Nhưng với tình trạng khan hiếm nguồn cung, liệu tình trang khó khăn của doanh nghiệp có được giải quyết?

Nhưng với tình trạng khan hiếm nguồn cung, liệu tình trang khó khăn của doanh nghiệp có được giải quyết?

Được biết, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính nhằm đảm bảo cung cấp đủ xăng, dầu cho sản xuất và sinh hoạt trong mọi tình huống.

Về phía Bộ Công Thương, để giảm thiểu tình trạng thiếu xăng dầu ở một số địa phương, Bộ này đã yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu bán buôn xăng dầu dự trữ thương mại. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu PVN, Petrolimex, Mipec, Petimex và Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ bán lượng dự trữ của họ.

Song, trong bối cảnh thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới có biến động bất thường do xung đột địa chính trị, nhất là kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và nhập khẩu nguyên liệu dầu thô để phục vụ hoạt động sản xuất xăng dầu thành phẩm của hai Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Do vậy, các vấn đề trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường xăng dầu trong nước.

Tính đến ngày 30/9, dự trữ thương mại của các công ty bán buôn quốc doanh là hơn 1,25 triệu m3 xăng và dầu, tương đương 74% tổng lượng tiêu thụ của Việt Nam trong một tháng. Hiện, hai nhà máy lọc dầu trong nước chỉ đáp ứng 70 - 80% nhu cầu xăng, dầu của cả nước. Tuy nhiên, một nửa nguồn cung của hai nhà máy lọc dầu phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu.

“Thực tế, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu để sản xuất xăng, dầu và thành phẩm. Dầu thô và xăng dầu thành phẩm trong nước chỉ chiếm 30%”, ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Có lẽ bài toán nguồn cung khan hiếm còn cần phải chờ đợi thêm lời giải. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng

    Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng

    19:53, 07/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

    Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

    14:57, 07/11/2022

  • “Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

    “Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

    10:50, 06/11/2022

  • Điều hành xăng dầu “bỏ quên” công nghệ IoT

    Điều hành xăng dầu “bỏ quên” công nghệ IoT

    02:19, 06/11/2022

  • Thị trường xăng dầu rối loạn vì đa tầng nấc

    Thị trường xăng dầu rối loạn vì đa tầng nấc

    12:28, 05/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Điệp khúc “hết xăng” xuất phát từ lỗi hệ thống và cần được xử lý!

    Khan hiếm xăng dầu: Điệp khúc “hết xăng” xuất phát từ lỗi hệ thống và cần được xử lý!

    05:00, 04/11/2022

  • “Ông lớn” Petrolimex lỗ mảng kinh doanh xăng dầu

    “Ông lớn” Petrolimex lỗ mảng kinh doanh xăng dầu

    05:00, 04/11/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức điều hành

    Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức điều hành

    04:00, 04/11/2022

Hải Ngân - Nguyễn Chuẩn