Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng

Bài và ảnh: DIỄM NGỌC 08/11/2022 05:30

“Tình trạng khó khăn khi mua xăng dầu gây đảo lộn đời sống người dân, gây tốn thời gian, chi phí, dẫn đến thiệt hại cả về thu nhập, công việc cũng như nhiều thứ khác”.

>>Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

Hệ luỵ từ thiếu xăng dầu

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, khoảng 20% cây xăng trên địa bàn rơi vào tình trạng thiếu hàng, hiện Petrolimex đang phải hoạt động 200% công suất nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn.

Hình ảnh người dân xếp hàng chờ mua xăng tại cây xăng trên đường Thái Thịnh, Hà Nội

Hình ảnh người dân xếp hàng chờ mua xăng tại cây xăng trên đường Thái Thịnh, Hà Nội

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở nêu một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đó là: Thứ nhất, do nguồn cung đang bị thiếu hụt, một đơn vị hoạt động lớn về nguồn cung của thành phố là Xuyên Việt Oil bị rút giấy phép. Thứ hai, là cơ chế điều hành vẫn chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trong chuỗi cung ứng và phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn hoạt động trong tình trạng khó khăn và nhiều đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp.

Có thể thấy, so với đầu năm 2022, giá mặt hàng xăng đã tăng 40%, cùng với đó là việc mua xăng ngày càng trở nên khó khăn với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, tình hình thực tế đang diễn ra đúng như những gì mọi người phản ánh, đó là tình trạng có những cửa hàng thông báo hết xăng, hoặc những cửa hàng bán xăng thì người xếp rất đông. Với tình hình như vậy sẽ tác động đến đời sống người dân, gây tốn thời gian, tốn chi phí, làm đảo lộn cuộc sống và công việc của mọi người, dẫn đến thiệt hại kể cả về thu nhập cũng như nhiều thứ khác. Hiện tượng này không chỉ còn là tính chất cá biệt mà đã lan tỏa đến nhiều nơi khác nhau và người dân phàn nàn nhiều tháng nay.

“Việc đứt nguồn cung về xăng dầu ảnh hưởng lớn đến chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, từ đó tác động đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng xăng dầu, như vận tải, đánh bắt thủy hải sản xa bờ, khai thác than và rất nhiều ngành hàng sử dụng xăng dầu khác.

Dù chưa đến mức tất cả các ngành hàng này phải ngừng sản xuất vì thiếu xăng dầu, nhưng sẽ có những gián đoạn nhất thời về đầu vào không được thường xuyên, liên tục, khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất là giai đoạn này chúng ta đang có chủ trương khuyến khích đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch, mà thiếu nguyên liệu đầu vào sẽ làm cho sản xuất giảm sút, ảnh hưởng đến tăng trưởng của GDP”, ông Nguyễn Tiến Thoả nhấn mạnh.

>>“Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

Công tác điều hành yếu kém

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng xăng của cả nước là 5,5 triệu m³ trên một quý, hiện nay hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn đang sản xuất được khoảng 4,3 triệu m³ một quý tương đương 79% và nhập khẩu 21%, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu xăng.

mức chiết khấu từ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cấp cho các thương nhân và đại lý bán lẻ còn thấp, kết hợp với việc nhập hàng khó khăn nên dẫn đến việc không có xăng bán

Mức chiết khấu từ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cấp cho các thương nhân và đại lý bán lẻ còn thấp, kết hợp với việc nhập hàng khó khăn nên dẫn đến việc không có xăng bán

Về điều này, vị chuyên gia giải thích, có rất nhiều nguyên nhân như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nói là do nhập khẩu khó, chi phí định mức thấp,... Tuy nhiên, gốc của vấn đề là do công tác quản lý điều hành xăng dầu của Nhà nước còn yếu kém. Nếu chúng ta điều hành tốt, biết tình hình có thể xảy ra đứt gãy nguồn cung, giá thế giới tăng, chi phí định mức không đủ... thì phải chủ động xử lý để khơi thông nguồn cung. Nhưng đến nay tất cả bị đọng lại, từ hệ thống tổ chức, quản lý đến phân phối đều kém hiệu quảm mới dẫn tới sự rối loạn trên thị trường.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, mức chiết khấu từ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cấp cho các thương nhân và đại lý bán lẻ còn thấp, kết hợp với việc nhập hàng khó khăn nên dẫn đến việc không có xăng bán. Thực tế đây chỉ là một nguyên nhân, do việc tính toán của các cơ quan quản lý nhà nước hiện không phù hợp với diễn biến của thị trường và chi phí thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chi phí này được tính từ năm 2014, trong khi các chi phí biến động và thay đổi rất nhiều, như tiền lương, chi phí vận tải, quản lý,... Không chỉ vậy, chi phí nhập khẩu từ nước ngoài về đặc biệt là Premium (phần thưởng, ưu đãi; tiền lãi, chi phí trả thêm, chi phí thưởng; phí bảo hiểm, tiền đóng bảo hiểm) đã tăng lên gấp đôi, nhưng phản ánh trong giá cơ sở còn thấp xa, khiến tổng thể giá cơ sở không phản ánh tính đúng, tính đủ, chứ không chỉ nằm ở chi phí định mức. Khi đã không tính đủ để bảo vệ lợi ích của mình, các doanh nghiệp đầu mối phải giao hàng với giá bán buôn bằng giá bán lẻ, nên không còn chi phí định mức để chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ.

“Quý 4/2022 có rất nhiều doanh nghiệp đầu mối chia sẻ với chúng tôi rằng, họ đã đề nghị mức Premium tăng lên 10 - 11 USD/thùng, nếu không bù đắp đủ thì mỗi lít xăng các doanh nghiệp đầu mối sẽ bị âm từ 1.500 - 2.000 đồng.

Mặt khác, tổ chức hệ thống cho phép thương nhân đầu mối mua của nhiều doanh nghiệp đầu mối khác nhau, nên khi có lợi thì mua của doanh nghiệp này, lúc khó lại bỏ, mua của doanh nghiệp khác, chạy như “quân cờ di động”, nên doanh nghiệp đầu mối không chủ động được lượng hàng phải đặt để cung ứng cho các thương nhân đầu mối”, ông Thoả giải thích.

>>Bộ Tài chính nói gì về vướng mắc của các doanh nghiệp xăng dầu?

Giải quyết nguồn cung trước mắt

Về giải pháp, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam khuyến nghị, chúng ta phải xử lý lại các vấn đề về tổ chức, quản lý điều hành kinh doanh xăng dầu, nếu chưa thể chuyển sang cơ chế thị trường ngay được. Từ kỳ họp Quốc hội trước đến kỳ họp Quốc Hội này, Bộ Công Thương đều nói sẽ kiến nghị sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái sửa chữa nào.  

Trước mắt, có một số vấn đề cần giải quyết như: Thứ nhất, chúng ta phải mở rộng thị trường nhập khẩu, cho phép không chỉ nhập ở thị trường có thuế suất ưu đãi mà ở cả các thị trường có thuế suất không ưu đãi, để đa dạng hóa nguồn cung. Tuy nhiên, các chi phí về thuế suất ở thị trường không ưu đãi phải được thể hiện trong giá cơ sở, giúp bù đắp cho các doanh nghiệp khi họ mở rộng thị trường đó.

Thứ hai, là kiểm soát tất cả những doanh nghiệp, thương nhân và cả các cửa hàng bán lẻ hiện đang thiếu tiền nhập khẩu xăng dầu, vì hạn mức tín dụng của chúng ta theo giá xăng dầu cũ, theo chi phí vận chuyển, hạn mức cũ, vậy đến nay tất cả giá cả đã lên thì phải tăng hạn mức tín dụng lên. Trừ những doanh nghiệp sử dụng hạn mức đó đi đầu tư bất động sản, chứng khoán, không tập trung vào lĩnh vực xăng dầu thì phải lên án.

Thứ ba, cần sửa toàn bộ giá cơ sở, từ Premium, chi phí vận chuyển, bảo hiểm đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và tính lại toàn bộ chi phí kinh doanh định mức cho các doanh nghiệp. Điều này giúp tránh tình trạng o ép nhau để chiết khấu bằng 0, hay chiết khấu âm, do đó, Nhà nước cần phải hướng dẫn việc phân chia chiết khấu như thế nào ở từng khâu, để bảo đảm các bên thỏa thuận có nguyên tắc chứ không chèn ép nhau để bảo vệ lợi ích của riêng mình mà không nghĩ đến lợi ích của toàn hệ thống.

Thứ tư, nhất trí phải sửa Nghị định 95 và nghị định 83, trong đó siết vấn đề thương nhân phân phối chỉ mua của ít đầu mối hơn, ví dụ như hai đầu mối chẳng hạn và phải đăng ký lên hệ thống về sản lượng để đảm bảo cung cấp hàng hóa. Còn chu kỳ tính giá cũng cần sớm sửa để bảo đảm nguyên tắc thị trường hơn, giúp Việt Nam tiến tới thị trường xăng dầu có điều tiết bằng các giải pháp gián tiếp của Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Khan hiếm xăng dầu: Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp

    14:57, 07/11/2022

  • Sửa đổi Luật Giá: Tại sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    00:06, 07/11/2022

  • “Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

    10:50, 06/11/2022

  • Điều hành xăng dầu “bỏ quên” công nghệ IoT

    02:19, 06/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO