Việt Nam và Philippines ký hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng
Từ ngày 23-25/11/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Philippines.
>>>Quy hoạch lại ngành xi măng do nguy cơ mất cân đối cung cầu
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines nói chung và quan hệ giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước nói riêng; thúc đẩy hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước; góp phần tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại - đầu tư, y tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh.
Trong bối cảnh sau 2 năm Covid-19, Chính phủ Philippines đang quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đóng góp 12% vào tăng trưởng GDP của Philippines trong quý III/2022, do đó nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng trong đó có xi măng tại Philippines là rất lớn, việc tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích, tạo cơ hội và mở cánh cửa cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thâm nhập vào thị trường cung ứng vật liệu xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng của Philippines.
Và việc đó càng được khẳng định khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chứng kiến Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác kinh doanh xuất khẩu xi măng, clinker sang thị trường Philippines giữa Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) phối hợp với hai doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty Fenix (CEZA) INT’L INC và Công ty Golden Falcon Trading Corporation vào ngày 22/11/2022 tại Manila, Philippines.
>>>TCty xi măng Việt Nam (VICEM): Khẳng định vai trò trụ cột kinh tế
Theo đó, các bên đã thống nhất hợp tác xuất nhập khẩu xi măng, clinker của VICEM sang thị trường Philippines với sản lượng 6 triệu tấn xi măng, clinker trong vòng 03 năm (từ năm 2023-2025).
Philippines là thị trường nhập khẩu xi măng, clinker lớn với khoảng 15-17 triệu tấn/năm, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 7 triệu tấn/năm, trong đó VICEM khoảng 1,5 triệu tấn/năm chiếm tỷ trọng 21,5%.
Những năm gần đây, thị trường xi măng Việt Nam đang trong tình trạng mất cân đối cung lớn hơn cầu. Trong đó, cung khoảng 120,7 triệu tấn trong khi nhu cầu xi măng trong nước khoảng 64 - 65,5 triệu tấn, lượng dư thừa buộc phải xuất khẩu. Dự báo năm 2023 và các năm tiếp theo vẫn dư cung khoảng 50 triệu tấn xi măng, clinker/năm phải xuất khẩu.
Trải qua hơn 120 năm xây dựng và phát triển và hơn 40 năm thành lập, hiện nay, VICEM có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 21 triệu tấn clinker, hơn 25 triệu tấn xi măng/năm, tiêu thụ sản phẩm chính gần 30 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 33% thị phần trong nước và khoảng 23% thị phần xuất khẩu. Các nhà máy xi măng của VICEM có công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7, được phân bố khắp đất nước.
Việc ký thỏa thuận đã đóng góp những bước đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, rộng hơn vào thị trường Vật liệu xây dựng của Philippines.
Có thể bạn quan tâm