Kỳ vọng “kỳ tích sông Hồng” từ hợp tác kinh tế Việt-Hàn
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc khẳng định không thay đổi chiến lược đầu tư và tiếp tục có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
>>>Hợp tác kinh tế Việt - Hàn trong chuỗi giá trị toàn cầu
Hợp tác tạo chuỗi giá trị toàn cầu
Tập đoàn Samsung là một trong điển hình thành công tiêu biểu trong hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nhấn mạnh: Việt Nam là đối tác kinh tế tương hỗ, bổ sung cho nhau và Samsung không thay đổi niềm tin, chiến lược đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thế giới thay đổi, Samsung mong muốn đẩy mạnh hợp tác tạo chuỗi giá trị trong đó các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trở thành mắt xích của chuỗi giá trị của Samsung và mạng cung ứng toàn cầu. Samsung hiểu rằng, năng lực cạnh tranh của các nhà cung ứng Việt liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của mình. Nếu các nhà cung ứng Việt của Samsung có năng lực cạnh tranh tốt thì năng lực cạnh tranh của Samsung vì thế cũng tự động được nâng cao.
Do vậy, Samsung đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu ở mọi quy trình. Đến nay, tổng số nhà cung cấp Việt cho Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 52 và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, 50 doanh nghiệp khác cũng đang tham gia dự án nhà máy thông minh của Samsung, góp phần gia tăng chất lượng và số lượng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam cũng là trung tâm đầu tiên của Samsung ở nước ngoài sẽ đi vào hoạt động. Đây là địa chỉ nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G… Như vậy, chuỗi cung ứng giá trị của Samsung gần như được hoàn thiện tại Việt Nam.
Không chỉ Samsung, nhiều doanh nghiệp ở xứ sở kim chi đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Ông Jeong Man-ki, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc thông tin: Hàn Quốc có cơ cấu dân số già, tỷ lệ sinh thấp nên nhu cầu nhân lực lớn. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cơ hội đầu tư nước ngoài. Các công ty sản xuất điện thoại di động và thiết bị hiện đại đã di chuyển nhà máy đến các nước, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung các ngành công nghệ hiện đại. Theo ông Jeong Man-ki, phát triển xanh, tăng trưởng xanh là những lĩnh vực có nhiều triển vọng trong hợp tác giữa hai nước thời gian tới nhằm phát triển công nghiệp tái tạo, vật liệu mới.
5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư
Ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc (VIKOFA) khẳng định: hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hoá, cơ cấu kinh tế bổ sung tương hỗ rất tốt cho nhau. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tới Việt Nam, đầu tư ở Việt Nam và coi Việt Nam là quê hương thứ hai, tạo ra nhiều việc làm và góp phần vào tăng trưởng của Việt Nam..
“Một số doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, lập trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) ở Việt Nam, tạo hệ sinh thái, kết nối, cộng sinh có hiệu quả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, cắm rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Tuy nhiên, rất tiếc là số lượng doanh nghiệp này không nhiều.
Vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, cần nỗ lực chung tay nâng cấp đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong tầm nhìn 30 năm tới, tạo điều kiện cho nền kinh tế và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào các mắt xích, các khâu có giá trị gia tăng lớn hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc, để “kỳ tích sông Hàn” sẽ là niềm cảm hứng và động lực góp phần tạo nên “kỳ tích sông Hồng” ở Việt Nam.
Làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam, theo ông Vũ Tiến Lộc phải theo định hướng phát triển bền vững, dựa trên 3 trụ cột: đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường, kết nối được với doanh nghiệp địa phương. Theo đó, những lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư trong những năm tới của doanh nghiệp hai nước theo Chủ tịch VIKOFA là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế thông minh; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển du lịch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đặc sản…
Cùng với hợp tác kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, cũng đề nghị hợp tác Việt - Hàn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế… cần được tiếp tục đẩy mạnh; các hoạt động giao lưu nhân dân, chia sẻ những giá trị văn hoá tinh thần cần được lan tỏa.
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
14:59, 10/11/2022
VCCI đồng hành với KOTRA tăng cường hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
02:00, 31/10/2022
Kết nối khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
06:02, 28/08/2022
Thêm cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
11:02, 27/07/2022
VCCI và KORCHAM thắt chặt kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
02:55, 10/06/2022
Việt Nam - Hàn Quốc: Mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023
12:01, 13/12/2021