Apple đã sẵn sàng rời Trung Quốc và cơ hội nào cho Việt Nam?
Nhiều động thái cho thấy Apple đã sẵn sàng rời Trung Quốc, dù điều đó có thể mất hàng thập kỷ và tiêu tốn hàng tỷ USD. Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội lớn để đón sự dịch chuyển đáng chú ý này?
>>>Động thái mới của Apple?
Không dễ cho lời chia tay…
Theo báo cáo của Bloomberg, khi trung tâm sản xuất của Apple tại Trịnh Châu, Trung Quốc tạm thời đóng cửa vào tháng 11, có thể dẫn đến tình trạng thiếu 6 triệu chiếc iPhone 14 Pro và Pro Max. Điều này đồng nghĩa với thời gian chờ đợi của các tín đồ iPhone có thể sẽ kéo dài qua kỳ nghỉ lễ.
Ngay sau đó, tờ Tạp chí Phố Wall đã đưa tin Apple đang đẩy nhanh việc mở rộng cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Rõ ràng, nhà sản xuất iPhone đã không thể kiên nhẫn hơn nữa trong việc phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Rất nhiều động thái của Apple đã cho thấy họ dường như quyết tâm thực hiện điều đó. Thực tế, “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch dịch chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vào tháng 5, sau khi trải qua một đợt đình trệ chuỗi cung ứng vì chính sách “zero-COVID” của Bắc Kinh và các cuộc biểu tình xung quanh nó.
Tuy nhiên, bất kỳ sự dịch chuyển nào ra khỏi Trung Quốc sẽ không nhanh chóng. Với hơn 35% nhà máy cung cấp cho Apple đặt tại Trung Quốc, một số ước tính cho biết Apple có thể sẽ mất đến cuối thập kỷ này để chuyển 10% hoạt động sản xuất iPhone ra khỏi quốc gia này. Hơn nữa, không rõ điều gì sẽ xảy ra với lợi nhuận phần cứng khổng lồ của Apple nếu hãng này cố gắng rời khỏi Trung Quốc.
Dan Ives, một nhà phân tích của Wedbush, ước tính rằng, bất kỳ sự di chuyển nào của Apple cũng sẽ rất mất thời gian, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026, 50% sản lượng iPhone của Apple mới được chuyển đến Việt Nam và Ấn Độ, trong trường hợp Apple “mạnh tay”.
Còn với phân tích của Bloomberg Intelligence hồi tháng 9, mọi thứ thậm chí còn bi quan hơn khi họ cho rằng sẽ phải mất ít nhất 8 năm để chuyển 10% đến 20% năng lực sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc. Theo lý giải của Bloomberg, 98% iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc hiện nay là nhờ vào chuỗi cung ứng mà Apple đã xây dựng trong 20 năm qua.
Trong khi đó, dựa trên phân tích của Bussiness Insider về danh sách nhà cung cấp của Apple từ năm tài chính 2021, trong đó liệt kê 191 nhà cung cấp ở 744 địa điểm, Apple có 262 nhà cung cấp ở Trung Quốc đại lục, chiếm 35,2% tổng số nhà cung cấp được liệt kê. Ngoài ra, chỉ có 28 nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam, chiếm 3,8% tổng số nhà cung cấp được Apple niêm yết, trong khi Ấn Độ còn “thê thảm” hơn khi chỉ có 11 nhà cung cấp, hay 1,5%.
>>>Bất ổn của Foxconn và hậu quả của Apple…
>>>Bất ổn của Foxconn và hậu quả của Apple…
Việt Nam có cơ hội lớn?
Theo tờ Tạp chí Phố Wall đã đưa tin, cả Việt Nam và Ấn Độ sẽ là những điểm đến đáng chú ý của “gã khổng lồ” công nghệ. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều cần cơ sở hạ tầng đáng tin cậy hơn. Dân số Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Apple phải đối mặt với những thách thức trong việc điều hành bộ máy quan liêu của Ấn Độ.
Mặc dù vậy, việc Apple muốn đưa sản lượng iPhone của mình lên 40 đến 45% tại Ấn Độ và tăng sản xuất AirPods, máy tính xách tay và Apple Watch từ Việt Nam là điều đã được nhiều nguồn tin quen thuộc xác nhận. Điều còn lại chủ yếu phụ thuộc vào việc ai có thể tận dụng được cơ hội hay không mà thôi.
Theo nhận định của các nhà phân tích tại Dezan Shira & Associates, công ty tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư trên khắp châu Á, Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế trong cuộc đua trở thành điểm đến hứa hẹn khi Apple rời bỏ Trung Quốc.
Theo đó, bất chấp những biến động của khu vực, kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Theo Moody's Analytics dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm nay, mức cao nhất trong khu vực và cũng vượt dự báo trước đó của Moody's.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ đều là những lựa chọn thay thế hàng đầu cho Apple. Tuy nhiên, khi nói đến việc rút quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam nắm giữ lợi thế lớn về vị trí khi là quốc gia gần trung tâm sản xuất của Trung Quốc – Thâm Quyến. Việc thay thế hệ sinh thái sản xuất của Trung Quốc tốn nhiều thời gian và chi phí, vì vậy việc chuyển sản xuất sang một nước láng giềng là dễ dàng nhất. Ngay cả sau này, Trung Quốc vẫn có thể là nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho Việt Nam với thời gian và chi phí vận chuyển hợp lý.
Ngoài ra, Việt Nam còn có vị trí địa lý gần các điểm nóng trong chuỗi cung ứng của Apple như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Đặc biệt, các công ty quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang mở rộng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Một điểm quan trọng trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple là Việt Nam đang có hiệp định thương mại tự do với các nước Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản, những tác nhân chính trong chuỗi cung ứng của Apple. Ngoài ra, Việt Nam được hưởng Quy chế tối huệ quốc (MFN) của Mỹ, giúp đơn giản hóa quy trình thương mại giữa hai nước.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, với dân số gần 100 triệu người, nguồn lao động dồi dào và mức lương tối thiểu được giữ ổn định với giá thấp cũng được coi là lợi thế truyền thống của Việt Nam trong thời kỳ mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ hội của Việt Nam cũng đi kèm những thách thức đáng kể. Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam sẽ sớm mất đi lợi thế so sánh về lao động giá rẻ do tác động của già hóa dân số và chi phí lao động tăng cao. Theo đó, dân số Việt Nam sẽ già đi nhanh vào năm 2050 và cùng với đó là tiền lương tăng cao, khiến Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức hạn chế về nguồn dự trữ lao động để thúc đẩy tổng cung trong dài hạn.
Bên cạnh đó, những thách thức từ các thủ tục hành chính sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều lợi thế. Các lãnh đạo cấp cao của Apple đã từng bày tỏ lo ngại về thủ tục hải quan kéo dài và mất thêm thời gian so với thông lệ quốc tế để làm thủ tục thông quan cho hàng hóa.
Có thể nói, nếu nhìn một cách tổng thể Việt Nam đang nắm giữ những lợi thế lớn trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple. Nhưng, việc rời khỏi Trung Quốc sẽ đòi hỏi Apple phải hy sinh thời gian và tiền bạc cho một dự án dài hạn liên quan đến hàng trăm bộ phận chuyển động.
Quý trước, Apple duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp 43%, một trong những lý do khiến cổ phiếu của hãng tương đối ổn định hơn so với các công ty công nghệ lớn khác. Việc hoán đổi phần lớn nhất trong chuỗi cung ứng của họ chắc chắn sẽ gây ra sự thiếu hiệu quả làm thu hẹp các tỷ suất lợi nhuận đó.
Mặc dù Apple cũng đủ lớn để những chịu ảnh hưởng đó, họ chỉ cần chờ đợi mọi thứ trôi qua. Nhưng, vấn đề là cuối cùng họ sẽ đi đâu?
Có thể bạn quan tâm