TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 2) Thích ứng với điều kiện kinh doanh mới
Các doanh nghiệp dệt may đang xoay trục thị trường để có đơn hàng, duy trì sản xuất qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
>>>TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 1) Sức ép đè nặng
Thiếu đơn hàng không chỉ là khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới “nóng lạnh” đột ngột: tăng nhanh và giảm mạnh trong thời gian ngắn do kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khó khăn khách quan này có thể mang tính chất ngắn hạn. Do vậy, giải pháp quan trọng cần xác định những tài sản các doanh nghiệp cần bảo vệ trong dài hạn.
Đó là vị trí trong chuỗi cung ứng để phục vụ các đối tác dài hạn có tên tuổi và đội ngũ lao động có kỹ năng nghề, trình độ và năng suất lao động cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. Bài học của ngành qua đợt dịch COVID - 19 cho thấy, bảo vệ được hai tài sản chiến lược trên, doanh nghiệp sẽ chủ động và phục hồi nhanh hơn.
Vì vậy, trong thời gian qua, ưu tiên số 1 của nhiều doanh nghiệp dệt may là tìm kiếm đơn hàng, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hơn. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề nghị doanh nghiệp đồng hành, san sẻ đơn hàng, thị trường để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy thị trường chung có giảm đơn hàng nhưng tuỳ từng doanh nghiệp, từng dòng sản phẩm, mức độ suy giảm đơn hàng nhiều - ít khác nhau.
Trong điều kiện kinh tế bất định như hiện nay, việc dự báo hoặc xây dựng kế hoạch dài hạn trong 1-2 năm như trước đây đã không khả thi, các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn đã chia kế hoạch theo chu kỳ ngắn. Thay vì nhận đơn hàng với số lượng lớn từ 5.000 - 10.000 sản phẩm/mẫu như trước đây, hiện nay doanh nghiệp có thể khai thác đơn hàng nhỏ hơn hoặc tìm kiếm các đơn hàng từ thị trường khác như Hàn Quốc… để duy trì nguồn thu và sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Từ quý 4, đơn hàng của công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific đã sụt giảm 30% so trước đó, tập trung vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản. Để nhà máy sáng đèn, người lao động có việc làm và thu nhập trong thời điểm cuối năm, theo ông Nguyễn Tràng Huy - đại diện công ty, Việt Pacific đã tích cực tìm kiếm các đơn hàng thay thế tại các thị trường bớt căng thẳng hơn như Hàn Quốc. Đối tác Hàn Quốc đã sang khảo sát, nắm bắt tình hình tại Việt Pacific và rất yên tâm, tin tưởng ở tay nghề của công nhân cũng như năng lực sản xuất của nhà máy nên sẵn sàng ký kết hợp đồng.
Các doanh nghiệp khác như May 10, Thành Công, Việt Tiến… vốn có thế mạnh về các dòng sản phẩm sơ mi cao cấp, veston, trang phục công sở đã tìm kiếm đơn hàng mới có giá trị cao hơn, đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng nhanh hơn, mang tính thời trang cao hơn, đòi hỏi độ khéo léo trong sản xuất. Đây vốn là những thế mạnh của ngành dệt may Việt Nam trước đối thủ cạnh tranh.
>>>Doanh nghiệp dệt may gặp khó vào cuối năm
Tìm kiếm đơn hàng ở thị trường ngách và phát triển thị trường nội địa đang được nhiều doanh nghiệp khai thác. Ông Lê Minh Khôi - Giám đốc công ty thương mại xuất khẩu Đại Dương cho biết: trước đây công ty thường nhận đơn hàng có số lượng lớn, giá cao nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, đơn hàng khan hiếm, doanh nghiệp đã xoay trục, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ lẻ, giá thấp hơn để cầm cự qua thời điểm suy thoái.
Tương tự, công ty TNHH Viking Việt Nam đã từng bước đa dạng sản phẩm, nhận đơn hàng nhỏ và phát triển thêm khách hàng nội địa. Theo bà Lê Nguyễn Trang Nhã - CEO của công ty TNHH Viking Việt Nam, thời gian tới, công ty tìm kiếm thị trường ngách, chọn đối tượng khách hàng là những người làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, sử dụng những nguyên phụ liệu đặc biệt để tạo ra những công năng tối ưu hơn cho sản phẩm.
Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cho biết: bên cạnh xuất khẩu, thị trường nội địa mang lại nhiều “đất” để doanh nghiệp khai thác, hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm may mặc thời trang và đẳng cấp. Đặc biệt, với dân số trẻ, sức mua trên thị trường Việt Nam lớn, có nhu cầu hàng thời trang nhanh.
Thời gian qua, ngành dệt may quá tập trung vào xuất khẩu, bán hàng theo dạng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và chưa quan tâm đến thị trường nội địa, nhường “đất” cho thương hiệu nước ngoài khai thác. Thích nghi với hoàn cảnh mới, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh bán hàng theo dạng B2C (doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân), phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác; đẩy mạnh hệ thống phân phối, tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh thương mại điện tử đang phát triển nhanh trên thị trường nội địa.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
Ngành dệt may sẽ chờ phục hồi trong năm 2024?
00:01, 17/12/2022
Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động
04:30, 29/11/2022
Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng
00:06, 22/09/2022
Hỗ trợ ngành dệt may phát triển tuần hoàn
04:00, 20/09/2022
Ngành dệt may nửa cuối năm 2022: Nhiều thách thức còn ở phía trước
10:00, 11/09/2022
Dệt may gặp khó vì "ăn đong' đơn hàng
04:00, 25/08/2022
“Cánh cửa” giúp doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững
15:51, 16/08/2022