Lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm ở Mỹ, cùng với chi phí logistic neo cao do giá xăng dầu tăng và rủi ro tỷ giá…sẽ là những thách thức đối với các doann nghiệp dệt may nửa cuối năm 2022.
>>Cần giải bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may
Trong báo cáo ngành dệt may mới đây, chuyên gia của Vndirect cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Mỹ và châu Âu, cùng với sự chuyển dịch đơn hàng may mặc từ Trung Quốc và Sri Lanka do chính sách “zero-Covid” ở Trung Quốc và bất ổn chính trị ở Sri Lanka.
Theo Vndirect, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20,6% so với cùng kỳ lên 8,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vải đạt 675 triệu USD, chiếm 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, tăng 20% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tổng giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc trong 6 tháng đầu năm tăng 21,6% so với cùng kỳ, đạt 18,53 tỷ USD, hoàn thành 44% mục tiêu cho năm 2022.
Dẫn số liệu từ Tổng Cục Hải Quan (TCHQ), Vndirect cho biết, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu khẩu lớn nhất các sản phẩm dệt may của Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 9,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ và chiếm 40,7% giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, nhờ nhu cầu phục hồi với các sản phẩm truyền thống như vest, sơ mi, quần jean. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU đạt 2,13 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ nhờ tận dụng lợi thế từ EVFTA. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng nhẹ 6,0% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đánh giá về triển vọng những tháng cuối năm 2022, Vndirect cho rằng, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Theo đó, lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ.
Theo Vndirect, Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm tăng 30,9% so với cùng kỳ, đạt 66,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua.
>>Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may
“Nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Các doanh nghiệp lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho quý III/2022, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao”, Vndirect cho biết.
Bên cạnh đó, Vndirect cho rằng, rủi ro tỷ giá cũng sẽ gây áp lực lên đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đến EU trong nửa cuối năm 2022. Đồng EUR giảm xuống dưới 1,02 đô la vào ngày 07/07/2022, thấp nhất trong 20 năm qua, gần tương đương với đồng USD. Đồng tiền chung của khu vực EU đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của EU, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác.
Tuy nhiên, Vndirect nhận định, các doanh nghiệp dệt may đang mở rộng năng lực sản xuất tại thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ phục hồi trong quý II/2023. Các doanh nghiệp dệt may đã xây dựng và mở rộng nhà máy lên 15-30% công suất hiện tại.
Do đó, Vndirect kỳ vọng trong năm 2023 có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của các doanh nghiệp lớn như STK, MSH, HSM khi các nhà máy mới hoàn thành và đi vào hoạt động ở mức 80-85% công suất. Trong đó, STK và MSH được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 khi dự án Unitex hoàn thành và chạy thương mại vào quý IV/2022 trong khi nhà máy SH10 dự kiến chạy với 80% công suất vào năm 2023.
Mặc dù vậy, chuyên gia của Vndirect cũng chỉ ra những rủi ro đầu tư khi chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào tháng 3/2022, tăng gấp 6 lần trong vòng 4 năm. Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 4/2022 (-10% so với tháng 3/2022), nhưng chi phí logistic sẽ vẫn ở mức cao, xấp xỉ 7000 USD/container 40ft trong năm 2022 do giá dầu leo thang.
“Chi phí logistic cao hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc có nhiều đơn hàng FOB. Ngoài ra, lạm phát kéo dài hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm đối với các sản phẩm dệt may”, chuyên gia của Vndirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Cần giải bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may
03:00, 06/06/2022
Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may
11:00, 23/03/2022
Ngành dệt may "minh chứng” cho sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam
15:21, 08/02/2022
“Vực” ngành dệt may, da giày sau “bão” dịch
03:30, 29/01/2022
Triển vọng ngành dệt may năm 2022
04:00, 10/01/2022