Sau 2 năm dịch COVID-19 bùng phát đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó, ngành công nghiệp "tỷ đô" của Việt Nam là dệt may và da giày không ngoại lệ…
>>“Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID bộc lộ bất cập”
Theo đó, tác động của "bão" COVID-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động... Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực phía bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía nam. Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn.
Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác. Để giữ đơn hàng cho năm tới, các doanh nghiệp đã cố xoay xở, tìm nhiều giải pháp. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam đã đề xuất phương án mở cửa sản xuất với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đưa lao động vào sản xuất không quá 30% công suất trong 2 tuần đầu, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 với 50% và 70% công suất.
Tương tự, ngành dệt may cũng đang "chật vật" cố gắng hoàn thành các đơn hàng đã nhận và duy trì các đơn hàng với khách.
Có thể thấy, thời điểm hiện tại, việc các địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gần đây, các hiệp hội ngành hàng đã đưa ra con số chỉ 15-20% các doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất "3 tại chỗ", còn lại đa số doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng sản xuất.
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM, hiện chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp của Thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này. Đây là con số quá ít so với hàng chục nghìn doanh nghiệp của TPHCM và các doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.
Theo tính toán sơ bộ, một doanh nghiệp may với 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu, bình quân là 10 tỷ đồng. Hay 1 doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng 5-10%. Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, sản lượng một số mặt hàng chính của hai ngành đều sụt giảm và thấp hơn so với mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí, trong năm 2022, sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn nhận định, khả năng năm 2022 vẫn chưa thể khẳng định sẽ hoàn toàn sản xuất bình thường, có thể lại có giai đoạn bị giãn cách, thậm chí cách ly, ảnh hưởng tới sản xuất. Doanh nghiệp cũng phải lưu ý trước xu thế gia tăng kinh doanh trực tuyến, cắt khâu trung gian, kéo dài thời gian thanh toán. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng, để đối tác chuyển sang nước khác là sự thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
>>VCCI đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó bởi COVID
Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận, trong năm 2022, mức độ hồi phục của sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Do đó, việc đưa ra những dự báo dài hạn ở thời điểm hiện tại là tương đối khó khăn và độ chính xác không cao, các doanh nghiệp, ngành hàng vẫn tiếp tục phải dựa trên điều kiện thực tế để thực hiện linh hoạt trong điều hành, sản xuất.
Đối với nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động hiện hữu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, quan trọng là cần thuyết phục người lao động ở lại bằng nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm bảo đảm nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên và khó dự báo được sớm.
Với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương cho biết đã bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng các giải pháp dài hạn, cải thiện nội tại sản xuất, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.
Bộ Công Thương cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.
Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh rủi ro, đồng thời bảo đảm được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước dịch chuyển từ CMT (phương thức sản xuất thấp nhất của ngành dệt may bao gồm cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) lên các phương thức sản xuất cao hơn: OEM/FOB (sản xuất, giao hàng), ODM (tự chủ thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, quá trình cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và giao hàng), OBM (mẫu và thương hiệu ban đầu độc quyền của doanh nghiệp sản xuất) đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu. Chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa, đồng thời hướng tới xuất khẩu.
Phát triển ngành thời trang trong nước trên cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp, giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước. Tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm da giày Việt Nam tại Mỹ, EU. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ triệt để những điều khoản về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ của các thị trường nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền
04:00, 06/01/2022
VCCI Nghệ An tập huấn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do COVID-19
10:10, 03/12/2021
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 và gợi ý đối với doanh nghiệp
10:27, 28/10/2021
GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: “Còn nhiều hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”
16:57, 27/10/2021